Cơ hội cho đồ gỗ, mỹ nghệ vào Nhật Bản

16/10/2011 19:00 GMT+7

Sự dịch chuyển từ thị trường Thái Lan, Trung Quốc sang Việt Nam của các nhà kinh doanh nội thất Nhật là cơ hội cho hàng Việt Nam.

Theo ông Takayoshi Nagashima - Chủ tịch Công ty AIK Co. Ltd, Tổng thư ký các nhà lãnh đạo ngành công nghiệp và thương mại nội thất Nhật Bản, xu hướng thời trang nội thất đang thịnh hành ở Nhật. Thời gian gần đây, người Nhật, đặc biệt là giới trẻ thích những sản phẩm trang trí, làm đẹp căn hộ, gia đình. “Người dân Nhật khu vực xảy ra động đất, sóng thần đang khôi phục, xây dựng lại nhà cửa, nhà hàng, khách sạn nên hàng nội thất tại đây bán rất chạy. Điều lạ lùng xảy ra sau thảm họa này là người lớn tuổi ở Nhật tích lũy được nhiều tiền đã thay đổi suy nghĩ, họ mạnh tay hơn trong việc tiêu xài các sản phẩm cao cấp phục vụ đời sống. Đồ gỗ, thủ công mỹ nghệ tạo được sự an tâm về chất lượng, có thể đáp ứng được nhu cầu này” -  ông Takayoshi Nagashima tiết lộ.

Một cơ hội nữa, cũng theo ông Nagashima, lâu nay giới kinh doanh nội thất Nhật Bản chỉ chuyên tâm vào thị trường Thái Lan, Trung Quốc nhưng vì nhiều lý do, họ đang chuyển đơn hàng sang Việt Nam. Thống kê 6 tháng đầu năm nay từ các cơ quan Nhật cho thấy Việt Nam xuất hàng nội thất vào nước này đạt 15.693 triệu yen, đứng thứ 2 sau Trung Quốc trong số các nước xuất khẩu đồ gỗ, thủ công mỹ nghệ vào Nhật.

Ông Nagashima nhận xét đồ gỗ, thủ công mỹ nghệ Việt Nam chỉ đạt tiêu chuẩn về “phần cứng”, còn “phần mềm” như thiết kế, màu sắc, xu hướng thị trường, tính tổng thể, gợi cảm xúc còn yếu. Doanh nghiệp Việt Nam hiện bán cái mình có, trong khi cái thị trường cần lại không có. Vì vậy, cần chú ý xem người tiêu dùng muốn gì để sản xuất cho hợp thị hiếu. Những sản phẩm "nắm" được nhu cầu, thị hiếu không khó để thành công. Đơn cử, gần như 100% tủ thờ ở Nhật Bản hiện nay là hàng sản xuất ở Việt Nam, do đẹp và phù hợp thị hiếu nên hàng sản xuất từ làng nghề Nhật Bản không cạnh tranh nổi. Thậm chí phải dẹp làng nghề.

Ông Phạm Thế Đông - Trưởng phòng Nghiên cứu phát triển Công ty CP Việt Nam (Navifico), chia sẻ trước đây VN chủ yếu làm hàng cho Mỹ, châu u nhưng khi đưa hàng vào Nhật vẫn bê nguyên thiết kế của các thị trường này vào nên không bán được hàng. Vào thị trường “khó tính” nhất thế giới nhưng lại thiếu nghiên cứu thị trường nên giá trị xuất khẩu chưa tương xứng với tiềm năng. Người Nhật rất chỉn chu, cẩn thận còn doanh nghiệp chúng ta có phần ỷ lại, cho rằng có thể qua mắt được họ nên khâu kiểm tra chất lượng sản phẩm còn lơ là. Nhiều trường hợp, do thiếu thông tin thị trường, lại “làm quá” tiêu chuẩn nên chi phí cao, đội giá sản phẩm. "Qua thông tin chia sẻ của chuyên gia Takayoshi Nagashima, tôi nhận ra chúng ta còn thiếu rất nhiều, đặc biệt là phần thiết kế", ông Đông nói.

Tương tự, ông Đặng Quốc Hùng - Phó chủ tịch Hội mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (Hawa), khá hồ hởi cho rằng có nhiều cơ hội cho đồ gỗ, thủ công mỹ nghệ Việt Nam vào thị trường Nhật. “Đây thật sự là cơ hội cho doanh nghiệp xuất khẩu đồ gỗ, thủ công mỹ nghệ nước ta. Chúng ta cần thay đổi trong thiết kế, xúc tiến. Sắp tới chúng tôi sẽ thành lập một đoàn, mời các doanh nghiệp đồ gỗ, nội thất trong nước sang Nhật “chào hàng” chứ không phải thụ động ngồi chờ họ tìm đến mua hàng như lâu nay”, ông Hùng nói.

Hoàng Việt

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.