Cơ hội cho ngư dân vươn khơi

25/12/2014 11:06 GMT+7

Các chính sách của TP.Đà Nẵng nhằm khuyến khích ngư dân phát triển đội tàu mạnh vươn khơi, bám biển và còn tạo cơ hội phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá.

Các chính sách của TP.Đà Nẵng nhằm khuyến khích ngư dân phát triển đội tàu mạnh vươn khơi, bám biển và còn tạo cơ hội phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá.

 
Nghề lưới rê hỗn hợp đánh được cá lớn, có giá trị xuất khẩu cao
Nghề lưới rê hỗn hợp đánh được cá lớn, có giá trị xuất khẩu cao - Ảnh: N.T
Vươn khơi, bám biển
UBND TP.Đà Nẵng vừa ban hành Quyết định 47/2014 quy định cơ chế, chính sách mới về hỗ trợ đóng mới tàu khai thác hải sản và tàu dịch vụ nghề cá trên địa bàn. Tàu có tổng công suất máy chính từ 400 - 600CV được hỗ trợ 500 triệu đồng/tàu, từ 600 - 800CV hỗ trợ 600 triệu đồng/tàu, trên 800CV hỗ trợ 800 triệu đồng/tàu được chia làm 2 đợt, mỗi đợt 50% và cách nhau 12 tháng, đồng thời các tàu này còn được hỗ trợ toàn bộ phí và lệ phí đăng ký, đăng kiểm, đăng ký kinh doanh. Mức hỗ trợ này duy trì từ 2012 nhưng nét mới của Quyết định 47 chặt chẽ hơn để đảm bảo ngân sách hoặc các nguồn vốn hỗ trợ khác được sử dụng đúng mục đích. Theo đó đối tượng thụ hưởng ngoài các cá nhân có hộ khẩu thường trú tại Đà Nẵng trên 1 năm kể từ ngày nộp hồ sơ đăng ký đóng mới tàu thì các tổ chức đặt trụ sở chính tại Đà Nẵng có thời hạn như trên cũng được hỗ trợ. Ngoài ra, chủ tàu còn phải cam kết hoạt động tàu tối thiểu là 7 năm.
Ông Nguyễn Đỗ Tám, Phó giám đốc Sở NN-PTNT cho hay, quyết định mới còn buộc chủ tàu phải đóng tại các cơ sở đóng tàu trên địa bàn TP.Đà Nẵng nhằm thúc đẩy phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá theo Thông tư 26 của Bộ NN-PTNT hướng dẫn chuẩn hóa cơ sở đóng mới, nâng cấp, cải hoán tàu cá theo Nghị định 67 của Chính phủ. 4 cơ sở đóng tàu trên địa bàn Đà Nẵng đủ điều kiện gồm liên danh Công ty CP Kỹ thuật biển STECH-Công ty TNHH MTV xây lắp công nghiệp tàu thủy miền Trung và Công ty TNHH MTV Đóng và sửa chữa tàu Hải Sơn (đóng tàu thép), HTX Trục vớt và đóng sửa tàu thuyền Bắc Mỹ An (đóng tàu gỗ), Công ty CP Ứng phó sự cố tràn dầu và dịch vụ hàng hải Bảo Duy (đóng cả 2 loại). Sở NN-PTNT tiếp tục rà soát các cơ sở đóng tàu này nếu không đảm bảo thì loại khỏi danh sách và tiếp tục đề xuất thành phố công nhận các cơ sở khác đáp ứng đủ điều kiện.
Khuyến khích tàu lớn, nghề mới
Ông Tám cho biết thêm, đối với việc triển khai Nghị định 67 của Chính phủ cho ngư dân vay vốn ưu đãi đến 95% để đóng tàu công suất lớn, đã có 157 tổ chức, cá nhân đăng ký đóng 182 tàu. Hiện Chi cục Thủy sản đã hướng dẫn cá nhân, tổ chức làm hồ sơ, UBND xã phường sẽ tiếp nhận đếm ngày 4.1.2015 để UBND quận huyện lập Hội đồng xét duyệt, gửi Sở NN-PTNT đề xuất thành phố thông qua. Chi cục Thủy sản cũng đã mở 7 lớp tập huấn cho 300 ngư dân là chủ tàu, thuyền trưởng tàu cá trên 90CV về các bước thực hiện chính sách hỗ trợ của Trung ương và địa phương, pháp luật trên biển cũng như khai thác và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, quy tắc bảo hiểm và giải quyết khiếu nại, bồi thường.
“Có thể thấy các chính sách của nhà nước đang chuyển dịch phù hợp với nhu cầu thực tế của ngư dân là chuyển từ tàu nhỏ sang tàu lớn, từ các nghề đánh bắt manh mún, tận diệt sang các nghề khơi, có hiệu quả kinh tế và đảm bảo nguồn lợi thủy sản”, ông Tám nói. Bên cạnh đó, năm 2014, Sở NN-PTNT hỗ trợ 146 triệu đồng cho tàu cá ĐNa 90147 (730CV) của bà Lê Thị Loại (P.An Hải Bắc) và tàu cá ĐNa 90493 (400CV) của ông Nguyễn Văn Bảy (P.Nại Hiên Đông) mua 20 tấm lưới chuyển sang nghề lưới rê hỗn hợp để giảm sức ép khai thác hải sản ven bờ. Kết quả, chuyến biển 10 ngày của tàu bà Loại mang về 1,4 tấn cá có giá trị xuất khẩu cao với 50% cá thu từ 2 - 18 kg/con, thu được 120 triệu đồng, lãi ròng 90 triệu đồng, trả cho bạn chài 6 triệu đồng/người. Tàu ĐNa 90493 sau 8 ngày mang về 5,5 tấn cá thu lớn, cá nhám, cá cờ... bán được gần 60 triệu đồng, lãi 30 triệu đồng. Theo Sở NN-PTNT, với hiệu quả trên, ngư dân sẽ mạnh dạn đầu tư giàn lưới khoảng 200 tấm (1,5 tỉ đồng) cho nghề lưới rê hỗn hợp này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.