Cơ hội của tôm, cá tra, cá ngừ từ cuộc chiến thương mại Mỹ- Trung

Chí Nhân
Chí Nhân
05/08/2018 14:33 GMT+7

Tôm, cá tra, cá ngừ...của Trung Quốc sang Mỹ sẽ bị đánh thuế khá cao. Đây là cơ hội cho các mặt hàng đồng dạng của Việt Nam tại thị trường Mỹ.

Cơ hội khi hàng Trung Quốc sẽ đắt đỏ vì thuế
Con tôm, mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam là sản phẩm có nhiều cơ hội từ gói 200 tỉ USD mà Mỹ dự kiến áp thuế các mặt hàng Trung Quốc gồm đồ nội thất, nông thủy sản. Theo đó, có 5 mã hàng tôm của Trung Quốc sẽ bị tăng thuế từ 0-5% lên 10%. “Đây đều là các sản phẩm có thế mạnh của Việt Nam trên thị trường Mỹ nên chúng ta có lợi thế tăng xuất khẩu những mặt hàng này sang Mỹ. Tôm Việt Nam đã có một vị thế nhất định với người tiêu dùng Mỹ nên khi nguồn cung từ Trung Quốc sụt giảm, nhà nhập khẩu Mỹ sẽ chọn Việt Nam là nguồn cung thay thế”, báo cáo của VASEP lạc quan.
Mỹ hiện là nhà nhập khẩu tôm lớn thứ 3 của Việt Nam tương đương 15,6% tổng sản lượng xuất khẩu. Đối với Mỹ, Việt Nam là nhà cung cấp tôm lớn thứ 5 với khoảng 8,5% lượng tôm nhập khẩu. Tính tới tháng 5.2018, Việt Nam xuất khẩu tôm sang Mỹ gần 18.000 tấn trị giá gần 203 triệu USD. Đứng ngay sau Việt Nam là Trung Quốc với hơn 16.000 tấn, trị giá 115 triệu USD.
Cá tra cũng có cơ hội tăng thị phần ở Mỹ khi nước này áp thuế 10% đối với sản phẩm cá thịt trắng của Trung Quốc. Trong dòng sản phẩm này, Trung Quốc đang xuất khẩu một lượng lớn cá rô phi sang Mỹ. Năm 2017, Mỹ nhập gần 134.000 tấn sản phẩm cá rô phi đạt giá trị 426 triệu USD trong đó riêng Trung Quốc chiếm 75% thị phần và gần 45% toàn thị trường cá thịt trắng của Mỹ. Cá rô phi Trung Quốcbị áp thuế, giá thành cao hơn, đây là cơ hội để cá tra Việt Nam có đến tay người tiêu dùng Mỹ nhiều hơn. 
Trung Quốc cũng là nguồn cung cấp cá ngừ lớn thứ 5 cho thị trường Mỹ. Năm 2017, Mỹ nhập 23.500 tấn cá ngừ với giá trị 127 triệu USD từ Trung Quốc. Nhiều dòng sản phẩm cá ngừ của Trung Quốc cũng bị đưa vào danh sách bị đánh thuế. Điều này sẽ tạo thuận lợi cho các nước khác trong đó có Việt Nam đẩy mạnh nguồn cung vào thị trường Mỹ.
Lo doanh nghiệp Trung Quốc “mượn” đường
Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu tôm lớn thứ 4 của Việt Nam, chiếm 15% tổng giá trị xuất khẩu. Sáu tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Trung Quốc đạt gần 246 triệu USD, giảm 13,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Đến 94% xuất khẩu tôm của Việt Nam sang Trung Quốc dạng nguyên liệu (đông lạnh, tươi sống). Trung Quốc mang tôm đi chế biến xuất khẩu sang các nước trong đó có Mỹ. Với mức thuế cao mà Mỹ sẽ áp dụng có khả năng các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ giảm mua tôm Việt Nam, ảnh hưởng đến đầu ra.
Tuy nhiên Mỹ cũng có thể tạo thêm nhiều rào cản kỹ thuật với nông sản Việt, cần chủ động đề phòng Chí Nhân
Tuy nhiên, đó không phải là mối lo chính vì nhiều doanh nghiệp cho rằng một lượng lớn tôm Việt Nam xuất qua Trung Quốc dưới dạng hàng tạm nhập tái xuất của Ấn Độ. Đáng lo nhất chính là, cả Mỹ và Trung Quốc đều nghi ngờ nhau nên họ sẽ đặt ra những hàng rào kỹ thuật gắt gao hơn với hàng Việt Nam khi xuất khẩu sang cả hai thị trường này. Cũng có khả năng doanh nghiệp tôm Trung Quốc sẽ “mượn” Việt Nam để lấy xuất xứ và xuất đi Mỹ. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam khẳng định vị trí của mình, nâng cao chất lượng và minh bạch hóa nguồn gốc sản phẩm để có thể giành được thị phần từ Trung Quốc trên thị trường Mỹ.
“Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung sẽ làm tăng thêm áp lực chi phí sản xuất khi tỷ giá biến động. Mặt khác, “cuộc chiến” diễn biến khó lường và mức độ ảnh hưởng của nó còn là câu hỏi mở. Theo các chuyên gia, các doanh nghiệp đặc biệt là ngành tôm nên coi đây là cơ hội để khẳng định vị thế riêng của mình, bao gồm cả nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao tính chủ động trong giao thương và tận dụng mạnh mẽ hơn các FTA (hiệp định thương mại tự do) đã ký kết. Doanh nghiệp cần chủ động cập nhật danh mục hàng hóa bị áp thuế của cả Mỹ và Trung Quốc cũng như động thái tăng tỷ giá đồng USD và nhân dân tệ để có đối sách kịp thời”, VASEP khuyến cáo.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.