'Cơ hội khởi nghiệp cho người khuyết tật cực kỳ nhiều'

Vũ Thơ
Vũ Thơ
24/11/2023 14:39 GMT+7

Tại hội thảo 'Thực trạng và giải pháp hỗ trợ thanh niên khuyết tật khởi nghiệp với chuyển đổi số', chuyên gia cho rằng, nhờ có công nghệ hiện đại, cơ hội khởi nghiệp cho người khuyết tật cực kỳ nhiều.

Sáng 24.11, tại Hà Nội đã diễn ra hội thảo "Thực trạng và giải pháp hỗ trợ thanh niên khuyết tật khởi nghiệp với chuyển đổi số". Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ chương trình Tỏa sáng nghị lực Việt 2023, do T.Ư Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam, Ủy ban quốc gia về Người khuyết tật Việt Nam và Công ty TCP Việt Nam phối hợp tổ chức.

Tham dự hội thảo có anh Nguyễn Hữu Tú, Ủy viên Ban Chấp hành, Phó trưởng Ban Đoàn kết tập hợp thanh niên T.Ư Đoàn, Ủy viên Thường trực Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam; bà Đinh Thị Thụy, Trưởng phòng Người khuyết tật, Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐ-TB-XH) và 35 đại biểu thanh niên khuyết tật tham gia chương trình Tỏa sáng nghị lực Việt 2023.

'Cơ hội khởi nghiệp cho người khuyết tật cực kỳ nhiều' - Ảnh 1.

Anh Nguyễn Hữu Tú phát biểu đề dẫn tại hội thảo

ĐĂNG HẢI

Tạo thu nhập cho người khuyết tật vẫn luôn là vấn đề nổi cộm

Tại hội thảo, các đại biểu chia sẻ về thực trạng, những khó khăn mà thanh niên khuyết tật đã và đang gặp phải trong quá trình khởi nghiệp và cùng nhau thảo luận, đưa ra những giải pháp để thực hiện.

Chị Nguyễn Thị Vân, Chủ tịch Hội đồng sáng lập Trung tâm Nghị lực sống, một doanh nghiệp xã hội hỗ trợ người khuyết tật, chia sẻ suốt 20 năm kể từ ngày ra mắt, Trung tâm Nghị lực sống đã đào tạo miễn phí cho hơn gần 2.000 học viên, hằng năm hỗ trợ việc làm cho 60 - 70 người khuyết tật. Tuy nhiên, thực tế tại Việt Nam có đến 6,2 triệu người khuyết tật, nhưng trong số đó rất ít người có công ăn việc làm với thu nhập ổn định.

Chị Vân kể, cách đây 17 năm, khi đi đến nhà hàng, các cơ quan, doanh nghiệp tại Hà Nội, chị nhận thấy gần như không có một nhân viên nào là người khuyết tật. Việc làm và tạo thu nhập cho người khuyết tật vẫn luôn là vấn đề nổi cộm ở Việt Nam khi mà một tỷ lệ lớn người khuyết tật vẫn đang thất nghiệp, còn đối với hầu hết số người có việc làm thì công việc bấp bênh, không thuộc thị trường chính thức, thu nhập thấp.

'Cơ hội khởi nghiệp cho người khuyết tật cực kỳ nhiều' - Ảnh 2.

Chị Nguyễn Thị Vân, Chủ tịch Hội đồng sáng lập Trung tâm Nghị lực sống, chia sẻ tại chương trình

ĐĂNG HẢI

Những trăn trở đó đã thôi thúc chị cùng đội ngũ của Trung tâm Nghị lực sống luôn nỗ lực giúp đỡ, đồng hành, hỗ trợ người khuyết tật và người yếu thế hòa nhập toàn diện vào cộng đồng.

Chị Vân mong muốn giúp người khuyết tật được tự tin khi ra đường, được tiếp cận với giáo dục và sau đó đi làm, tự kiếm thu nhập nuôi sống bản thân, không phải phụ thuộc vào nguồn hỗ trợ từ Nhà nước, từ gia đình hay nguồn hỗ trợ từ thiện...

Tạo môi trường kết nối việc làm cho người khuyết tật

Chia sẻ tại diễn đàn, bà Đinh Thị Thụy thừa nhận hiện nay, một bộ phận không nhỏ thanh niên khuyết tật đang phải chịu nhiều thiệt thòi hơn so với những người bình thường khác.

Tuy nhiên, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ nói chung và nền kinh tế số nói riêng đã mở ra những cơ hội mới giúp họ có thể bước qua những rào cản để nắm bắt các cơ hội, phát huy năng lực, vươn lên hòa nhập và đóng góp cho xã hội.

Theo bà Thụy, thực tế, công nghệ hiện đại ngày nay đang dần thay thế sức lao động của con người. Con người sẽ đóng vai trò kiểm soát và điều hành nhiều hơn so với trước kia.

'Cơ hội khởi nghiệp cho người khuyết tật cực kỳ nhiều' - Ảnh 3.

Bà Đinh Thị Thụy trao đổi thông tin tại hội thảo

ĐĂNG HẢI

"Nhờ những công nghệ hiện đại mà khoảng cách định kiến của xã hội với người khuyết tật đang ngày càng thu hẹp lại thông qua việc cung cấp các công cụ giao tiếp tiện lợi, sử dụng trí tuệ nhiều hơn. Đặc biệt, cơ hội khởi nghiệp cho người khuyết tật cũng cực kỳ nhiều, nhất là trong thời đại việc khởi nghiệp và người khuyết tật đều được tạo điều kiện phát triển như hiện nay", bà Thụy đánh giá.

Đồng thời, bà Thụy đề xuất: "Để không lãng phí nguồn nhân lực này, bên cạnh việc quan tâm hỗ trợ đào tạo dạy nghề cho người khuyết tật ở các địa phương, trường lớp thì các công ty, tổ chức cũng cần chia sẻ thông tin về việc làm cho người khuyết tật. Hai bên cùng có sự trao đổi sẽ đạt được kết quả tốt nhất. Các trung tâm việc làm có thể tổ chức các chương trình như triển lãm sản phẩm của người khuyết tật, ngày hội việc làm... mở ra môi trường để cả người khuyết tật cũng như doanh nghiệp hiểu rõ về nhau hơn".

Chương trình "Tỏa sáng nghị lực Việt" 2023 do T.Ư Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam, Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam và Công ty TCP Việt Nam phối hợp tổ chức diễn ra từ ngày 23 - 24.11. Lễ tuyên dương các gương thanh niên khuyết tật tiêu biểu diễn ra tối nay 24.11, tại Hà Nội.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.