Chúng ta thiếu cả thầy lẫn thợ
“Một năm khởi đầu bằng mùa xuân, một đời khởi đầu từ tuổi trẻ”, ít phút trước khi đối thoại, Thủ tướng đã dẫn lại câu nói này của Hồ Chủ tịch để nhấn mạnh với các đại biểu dự đại hội tầm quan trọng, ý nghĩa đặc biệt của thời tuổi trẻ. Ông nói: Quán triệt lời dạy của Bác phải luôn chăm lo bồi dưỡng cho thế hệ thanh niên, những năm qua, Đảng và Nhà nước đã luôn đề cao vai trò vị trí của thanh niên, luôn xác định thanh niên là lực lượng xung kích của cách mạng và đặt nhiều niềm tin, kỳ vọng to lớn vào thanh niên. Người đứng đầu Chính phủ đã rút ngắn khoảng cách của người đối thoại với đông đảo các bạn trẻ bằng việc đặt câu hỏi: “Chính phủ phải làm gì và làm như thế nào để thế hệ trẻ của chúng ta phát triển tốt hơn, nhanh hơn và toàn diện hơn?”.
Đại biểu Đào Xuân Yên (Thanh Hóa) trăn trở: Nghề nghiệp, việc làm luôn là vấn đề được đông đảo thanh niên, xã hội quan tâm, nhưng còn nhiều vấn đề bất cập, trong đó có mất cân đối giữa đào tạo ĐH và đào tạo nghề, dẫn tới thừa thầy thiếu thợ, tạo thêm tiêu cực cho việc tuyển dụng cán bộ, công chức. “Xin Thủ tướng cho biết ý kiến về vấn đề này?”, ĐB Yên hỏi. Nhiều ĐB sau đó cũng đặt câu hỏi tương tự với Thủ tướng.
|
“Tôi xin khẳng định với các bạn, nền kinh tế nước ta, đất nước chúng ta đang thiếu cả thầy lẫn thợ chứ không phải là thừa thầy, thiếu thợ”, Thủ tướng nói. Ông dẫn chứng: Trong 88 triệu dân của chúng ta hiện nay, có 66% trong độ tuổi lao động, nhưng trong 66% đó, số lao động được qua đào tạo các cấp chiếm mới được 46%, và trong 46% lao động được đào tạo, chỉ có 8% có trình độ CĐ, ĐH và trên ĐH. Trong khi đó, các nước phát triển thì hầu hết những người trong độ tuổi lao động đều được đào tạo và đào tạo lại. Trong số đó, tỷ lệ lao động có trình độ CĐ, ĐH và trên ĐH cao hơn ta nhiều, ví như: Malaysia là 20,1%, Thái Lan 14,2%, Hàn Quốc 33,6%, trong khi chúng ta chỉ có 8%.
Mặt khác, theo Thủ tướng, nếu tính số sinh viên (SV) trên một vạn dân thì cuối 2011, chúng ta chỉ có 250 SV từ CĐ, ĐH trở lên trên một vạn dân trong khi tỷ lệ này của Thái Lan đã là 374, Hàn Quốc 674, Nhật Bản 316, Pháp 359, Anh 380, Mỹ 376, Chile 407... Dự kiến đến 2015, chúng ta cũng mới chỉ đạt khoảng 300 SV/vạn dân và đến 2020 đạt 350 - 400 SV/vạn dân.
“Nói vậy để thấy thực tế nước ta đang thiếu cả thầy lẫn thợ. Vấn đề đặt ra cho các bạn trẻ là con đường lập thân lập nghiệp để khẳng định mình trong cuộc sống, để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc rất rộng mở, kể cả vào CĐ, ĐH, trên ĐH, kể cả học trung cấp, học nghề, vừa làm vừa học đều có cơ hội khẳng định mình”, Thủ tướng nói, và ông nhắn nhủ: “Dù chọn con đường nào thì nhân tố quyết định sự thành đạt của mỗi người là phải có hoài bão, quyết tâm, ý chí, bản lĩnh và phải sống có nghĩa tình, trách nhiệm với bản thân, với đất nước, với dân tộc mình”.
Cần chia sẻ khó khăn với đất nước
|
Đại biểu Bùi Thế Duy, Phó giám đốc Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam băn khoăn trước thực trạng một bộ phận lưu học sinh chọn con đường ở lại nước sở tại làm việc sau khi tốt nghiệp và cho biết, bản thân luôn kêu gọi bạn bè về nước cống hiến nhưng ngoài e ngại về thu nhập hạn chế thì các lưu học sinh lo không có cơ hội được cống hiến, những gì học được sẽ phải “xếp vào ngăn tủ”.
|
Thủ tướng nói: Ngoài việc tập trung nguồn lực để phát triển GD-ĐT các cấp học trong nước, Đảng và Nhà nước ta cũng rất quan tâm đến việc thu hút nguồn lực, trí tuệ của hơn 4 triệu đồng bào ta đang sinh sống tại nước ngoài, trong đó có 100.000 học sinh, SV. Chúng ta cũng đã có nhiều chính sách để khuyến khích đồng bào, thanh niên ở nước ngoài về góp phần xây dựng, bảo vệ đất nước nhưng trong thực tế, đất nước chưa có đủ điều kiện để đáp ứng hết các yêu cầu, mong muốn của nguồn lực đào tạo chuyên sâu ở nước ngoài về nước làm việc.
"GS Ngô Bảo Châu có nói với tôi là lương ở Việt Nam kém xa với các trường ĐH các nước, tuy nhiên GS Châu mỗi năm về nước làm việc tận tâm 3 tháng. Điều đó rất đáng ghi nhận. Cả hai bên cùng chia sẻ để chúng ta có thể cống hiến ở trong nước", Thủ tướng dẫn chứng. Ông nói: “Tuy rằng chúng ta đã đạt được thành tựu lớn, vượt qua những nước nghèo, đứng vào những nước đang phát triển nhưng do lịch sử chiến tranh để lại, mong anh chị em hiểu và chia sẻ khó khăn của đất nước để trở về quê hương tìm việc làm phù hợp với mình, vừa là cho bản thân nhưng cũng vừa đóng góp xây dựng đất nước”.
“Đảng, Nhà nước, Chính phủ cũng sẽ tạo điều kiện để đồng bào, các anh chị em trở về nước cống hiến nhưng khó có thể đáp ứng ngay mọi yêu cầu”, Thủ tướng nói.
Làm giàu được trên quê hương mình
Trước câu hỏi đại biểu Trương Hồng Trang (Bạc Liêu) đặt ra về việc tại đại hội lần này, Đoàn sẽ đưa ra đề án xây dựng nông thôn mới, Đoàn cần làm gì để tham gia xây dựng nông thôn mới hiệu quả?, Thủ tướng cho biết Chính phủ đánh giá cao, hoan nghênh đại hội lần này đề ra chương trình, đề án góp phần xây dựng nông thôn mới, để hưởng ứng cuộc thi đua, vận động cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới mà Chính phủ đang phát động.
Thủ tướng đề nghị trong quá trình triển khai đề án này, T.Ư Đoàn bằng nỗ lực của mình, bằng điều kiện thực tế, sự sáng tạo của mình đưa ra mục tiêu, kế hoạch, chương trình, những việc làm, hành động cụ thể để chung sức góp phần xây dựng nông thôn mới trên tất cả các lĩnh vực; đồng thời, qua hoạt động thực tiễn, cần kiến nghị với Đảng, Chính phủ những cơ chế chính sách thiết thực để hỗ trợ góp phần giúp thanh niên tham gia thiết thực, hiệu quả góp sức xây dựng nông thôn mới, để các bạn trẻ lập thân lập nghiệp, khẳng định mình, làm giàu ngay trên quê hương của mình thông qua chương trình xây dựng nông thôn mới.
Trước khi kết thúc hơn 2 tiếng đối thoại, Thủ tướng dành thêm khá nhiều thời gian gửi gắm những kỳ vọng của ông đối với thanh niên. Thủ tướng kỳ vọng: “Yêu cầu quan trọng nhất với thanh niên trong quá trình hội nhập và phát triển là phải có hoài bão lớn, có kiến thức và kỹ năng tốt, có ý chí và bản lĩnh với lòng yêu nước và tự hào dân tộc cao độ. Sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình và đất nước, dù ở lĩnh vực, nhiệm vụ, công việc gì hãy phấn đấu làm tốt nhất, với sáng kiến và nỗ lực cao nhất để phấn đấu trở thành những người cán bộ quản lý trẻ giỏi, công chức trẻ giỏi, nhà khoa học và nhà văn hóa trẻ giỏi, doanh nhân trẻ giỏi, chiến sĩ trẻ giỏi... Tất cả vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Thông điệp của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 10 Đoàn TNCS Hồ Chí Minh gửi tuổi trẻ cả nước Các bạn đoàn viên, thanh niên thân mến, Chúng tôi, 999 đại biểu vinh dự đại diện cho đoàn viên, thanh niên trên mọi miền Tổ quốc và thanh niên Việt Nam ở nước ngoài tụ hội về thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến tham dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 10 Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Đại hội đã nghiêm túc thảo luận, đánh giá kết quả công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi nhiệm kỳ 2007 - 2012, đề ra phương hướng, nhiệm vụ công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi giai đoạn 2012 - 2017. Tuổi trẻ chúng ta tự hào là những người con của dân tộc Việt Nam anh hùng trong đấu tranh và ngày nay đang mạnh mẽ vươn lên trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 10 Đoàn TNCS Hồ Chí Minh kêu gọi tuổi trẻ cả nước tiếp nối truyền thống hào hùng của các thế hệ cha anh, noi gương người thanh niên Nguyễn Tất Thành, phấn đấu trở thành những thanh niên thời đại mới có tâm trong, trí sáng, hoài bão lớn, hãy cùng nhau: Không ngừng trau dồi đạo đức, lý tưởng cách mạng, hun đúc khát vọng, quyết tâm hành động vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Phát huy truyền thống của dân tộc, hăng say học tập, lao động sáng tạo, vươn lên làm chủ khoa học công nghệ hiện đại. Sẵn sàng dấn thân, đi đến bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì Tổ quốc cần, bắt đầu từ những việc làm tốt, hành động đẹp chia sẻ với cộng đồng, dựng xây quê hương, đất nước. Không ngại hy sinh, gian khổ, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, vì bình yên, hạnh phúc của nhân dân, quyết tâm bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Gìn giữ và phát huy những giá trị truyền thống của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, vững vàng trong hội nhập, hành động vì một thế giới hòa bình, thịnh vượng. Các em thiếu niên, nhi đồng hãy thi đua học tập, rèn luyện, thực hiện tốt 5 điều Bác Hồ dạy, xứng đáng là con ngoan, trò giỏi, đội viên tốt, cháu ngoan Bác Hồ. Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đưa nước ta sớm trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, sánh vai cùng các cường quốc năm châu là khát vọng của tuổi trẻ và toàn dân tộc. Tuổi trẻ Việt Nam nguyện đoàn kết một lòng dưới ngọn cờ của Đảng quang vinh và Bác Hồ vĩ đại, quyết tâm dựng xây đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn. ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC ĐOÀN TNCS HỒ CHÍ MINH LẦN THỨ 10 |
60% sinh viên sẽ được ở ký túc xá Năm 2009 - 2012, chúng ta triển khai chương trình, đặt mục tiêu xây dựng 200.000 chỗ ở trong ký túc xá cho SV, đến nay đã làm được 300.000 chỗ, nâng tỷ lệ SV ở ký túc xá lên 34%. Kinh phí cho chương trình ký túc xá thì phát hành trái phiếu chính phủ, chúng ta không thể phát hành nhanh và chương trình sẽ vẫn tiếp tục từ nay đến phấn đấu trước 2020 đạt 60%. Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân Trọng dụng đặc biệt các nhà khoa học trẻ tài năng Chính phủ cũng đã phê duyệt xây dựng 30 vườn ươm tạm công nghệ từ nay đến 2015, đây là những cơ sở được đầu tư tốt, có điều kiện thuận lợi để các nhà khoa học trẻ có thể ươm tạm, phát triển nghiên cứu của mình. Bộ KHCN cũng sẽ cùng với các bộ, ngành có chính sách ưu đãi đối với các bạn được đào tạo ở nước ngoài khi về nước làm việc có những điều kiện làm việc và ưu đãi lớn nhất. Bộ trưởng Khoa học - Công nghệ Nguyễn Quân Bảo lãnh ưu tiên vốn cho doanh nghiệp trẻ Thủ tướng đã chỉ đạo các bộ, ban, ngành, đặc biệt là Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu cơ chế bảo lãnh ưu tiên các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp trẻ có áp dụng công nghệ trình độ kỹ thuật tiên tiến. Và đó cũng là con đường duy nhất để chúng ta có thể trở thành lực lượng tiên phong, lực lượng nòng cốt trong nền kinh tế của đất nước. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình |
Người trẻ lập nghiệp cần có tri thức và tay nghề Sau khi ĐH Đoàn toàn quốc lần thứ 10 bế mạc, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Nguyễn Đắc Vinh (ảnh) đã chủ trì cuộc họp báo, chia sẻ và gửi thông điệp về khát vọng, lý tưởng những chương trình, hành động triển khai trong nhiệm kỳ tới.
Thanh Niên: Vấn đề biển đảo, nhất là Trường Sa và Hoàng Sa thu hút nhiều thanh niên quan tâm. Trong các phiên thảo luận tại đại hội chưa thấy được đề cập. Biển, đảo có trở thành chủ đề quan trọng trong nhiệm kỳ này hay không? Không đưa ra bàn thảo riêng, nhưng vấn đề chủ quyền biển, đảo là một nội dung quan trọng. Trong phong trào thanh niên xung kích tham gia phát triển KT-XH, bảo vệ Tổ quốc nhiệm kỳ tới có đề cập, ngoài nhiệm vụ thanh niên tham gia phát triển KT-XH, có nội dung riêng thanh niên tham gia bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Dự thảo nghị quyết, các hoạt động trước, trong và sau đại hội đều thể hiện rõ tình yêu của tuổi trẻ đối với biển, đảo quê hương. Ngay cả nghị quyết và thông điệp cũng có ý, thanh niên không ngại hy sinh gian khổ, giữ gìn trật tự xã hội, vì bình yên hạnh phúc của nhân dân; quyết tâm bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ”. Lời lẽ tuy ngắn gọn nhưng tình cảm của tuổi trẻ dành cho biển, đảo thì rất thiêng liêng. Thanh Niên: Tại buổi đối thoại, Bộ trưởng Khoa học - Công nghệ có nói đến chính sách khuyến khích lưu học sinh ở nước ngoài về nước cống hiến cho đất nước. Trên thực tế, một bộ phận lưu học sinh sau khi du học về không tìm được việc làm phù hợp. Với trách nhiệm của mình, Đoàn sẽ hỗ trợ lưu học sinh như thế nào? Về chính sách cho lưu học sinh, việc tổ chức đối thoại, giao lưu giữa Chính phủ, bộ ngành với SV nước ngoài, hằng năm Hội Sinh viên Việt Nam đều tổ chức. Đấy cũng là một kênh để Chính phủ và các cơ quan trong nước lắng nghe tâm tư nguyện vọng chính đáng của thanh niên, là dịp để cung cấp thông tin về các chủ trương chính sách, thu hút họ về nước làm việc. Chủ trương chúng ta có đấy, nhưng các bạn ở nước ngoài còn rất thiếu thông tin. Trong buổi đối thoại với Thủ tướng, có nhiều bạn trẻ bày tỏ quan tâm về chủ đề này. Đất nước còn khó khăn, đương nhiên về nước làm việc là khó rồi. Tôi nghĩ, mình là người VN trở về quê hương làm việc, dù có điều kiện khó khăn hơn một chút thì cũng vui vẻ. Trong điều kiện khó khăn như thế, mình làm được gì cho đất nước thì đấy mới là điều đáng quý. Tôi mong mỗi bạn trẻ đều có khát vọng của riêng mình thể hiện bằng hành động cụ thể, đóng góp từ việc nhỏ nhất. Xây dựng đề án riêng giáo dục lối sống trong thanh thiếu niên Tuổi Trẻ: Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhìn nhận, thanh niên mạnh thì dân tộc mới mạnh. Sau đại hội, Đoàn sẽ giáo dục thanh niên như thế nào để góp phần nâng cao vị thế dân tộc? Câu nói của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thể hiện sự trân trọng, niềm tin của Đảng đặt vào thanh niên. Nhận niềm tin này không chỉ đơn giản là nhận niềm tin mà còn là trách nhiệm, trách nhiệm này thật sự là rất lớn. Nếu để nói thanh niên mạnh thì dân tộc mạnh. Có thể nghĩ ngược lại thanh niên nếu không đáp ứng yêu cầu đó có nghĩa là chúng ta có lỗi với dân tộc. Chúng tôi thấy rằng, đây là yêu cầu của Đảng, của đất nước với thanh niên. Vì vậy, để đáp ứng sự kỳ vọng của Đảng, Nhà nước với thanh niên thì chỉ có ba chữ: tâm trong, trí sáng và hoài bão lớn. Tức là nói ngắn gọn: thanh niên phải có lý tưởng, tri thức và đạo đức. Thanh Niên: Theo dự báo của các chuyên gia, tình hình thất nghiệp, đặc biệt là thất nghiệp trong thanh niên sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới. Vậy Đoàn có giải pháp gì để hỗ trợ, giúp thanh niên có việc làm ổn định? Đối với vấn đề này rất được quan tâm tại đại hội, nhiều nội dung bàn thảo liên quan đến hướng nghiệp. Đoàn là phải tuyên truyền cho tốt, để cho thanh niên có nhận thức hết sức đúng đắn về con đường lập thân lập nghiệp. Thanh niên, đầu tiên là phải có ước mơ hoài bão, sau đó là quyết tâm và phải học, phải rèn để làm sao để lập thân lập nghiệp, cuối cùng là phải sống có nghĩa có tình. Đoàn sẽ khuyến khích bạn trẻ phát triển tốt, tạo điều kiện cho họ phát triển. Đoàn phải là cầu nối của doanh nghiệp để giới thiệu việc làm cho thanh niên. Thanh niên muốn lập nghiệp thành công, bước đi vững chắc trên cuộc đời thì rất cần có tri thức và tay nghề. Không nhất thiết là phải có bằng cấp cao mới là giỏi. Không nhất thiết cứ phải là giáo sư, tiến sĩ mới là giỏi. Một người nông dân giỏi, thợ trẻ giỏi cũng rất đáng quý”. Thu Hằng - Phan Hậu |
Bế mạc Đại hội Đoàn toàn quốc Ngày 14.12, 999 đại biểu dự Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ 10 đã biểu quyết thông qua Nghị quyết nhiệm kỳ 2012 - 2017, với khẩu hiệu hành động: Tuổi trẻ Việt Nam xây hoài bão lớn, rèn đức, luyện tài, đoàn kết, sáng tạo, xung kích xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nghị quyết đại hội đề ra mục tiêu: công tác Đoàn góp phần xây dựng lớp thanh niên giàu lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, có bản lĩnh chính trị, ý thức chấp hành pháp luật, có đạo đức cách mạng và lối sống đẹp, có ước mơ, hoài bão, khát vọng đưa đất nước vươn lên, có tri thức, sức khỏe, kỹ năng xã hội, năng lực chuyên môn, làm chủ khoa học công nghệ hiện đại... Nghị quyết xác định 3 nhiệm vụ trọng tâm. Đại hội xác định bồi đắp lý tưởng, ước mơ, hoài bão, niềm tin và khát vọng cao đẹp của thanh niên đóng góp vào công cuộc dựng xây đất nước là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt nhiệm kỳ; giáo dục thanh thiếu nhi qua điển hình tiên tiến, thực tiễn phong trào hành động cách mạng. Công tác Đoàn tập trung đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước trong thanh thiếu nhi, phát huy tinh thần xung kích, sáng tạo, tình nguyện của thanh niên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; chăm lo tốt hơn nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của tuổi trẻ. Ngoài ra, Nghị quyết đại hội xác định, củng cố xây dựng tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh vững mạnh, nâng cao chất lượng cơ sở, đội ngũ cán bộ Đoàn và mở rộng mặt trận đoàn kết tập thể. Phát biểu bế mạc đại hội, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn, anh Nguyễn Đắc Vinh cho biết, sau 3 ngày rưỡi làm việc tích cực, sôi nổi, nghiêm túc và trách nhiệm trước tuổi trẻ cả nước, Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ 10 đã hoàn thành các nội dung chương trình đề ra. Đại hội thảo luận và thông qua các văn kiện quan trọng: Báo cáo của BCH T.Ư Đoàn khóa 9 tại Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ 10; Báo cáo kiểm điểm BCH T.Ư Đoàn nhiệm kỳ 2007 - 2012; Điều lệ Đoàn sửa đổi, bổ sung. Hoàng Phan |
Bảo Cầm
>> Danh sách Ban Chấp hành T.Ư Đoàn khóa X
>> 151 đại biểu trúng cử BCH T.Ư Đoàn khóa X
>> Công tác thanh niên là vấn đề sống còn của dân tộc
>> Khai mạc Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ 10: Sức sống và sự lan tỏa
>> Video clip: Khai mạc Đại hội Đoàn lần X
>> Khát vọng dựng xây đất nước
>> Đại hội Đoàn toàn quốc lần X làm việc phiên thứ nhất
>> Đại hội Đoàn toàn quốc lần X bắt đầu làm việc
>> Tấm ảnh 999 đại biểu dự Đại hội Đoàn
>> Sẵn sàng cho Đại hội Đoàn toàn quốc
>> Thi đua cao điểm chào mừng Đại hội Đoàn
>> Toàn cảnh Đại hội Đoàn toàn quốc lần X
>> Dự thảo Văn kiện Đại hội Đoàn TNCS Hồ Chí Minh toàn quốc lần X
Bình luận (0)