|
Khơi dậy tinh thần yêu nước trong thanh niên
Báo cáo trước đại hội, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn, anh Nguyễn Đắc Vinh tự hào công tác Đoàn và phong trào thiếu nhi cả nước đã có nhiều đổi mới và đạt những thành tựu quan trọng. Đặc biệt hai phong trào lớn "5 xung kích phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc” và "4 đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp” do Đoàn phát động tại Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ 9 đã khẳng định sức sống và sự lan tỏa mạnh mẽ.
“5 năm vừa qua, với những nỗ lực to lớn của tổ chức Đoàn và đội ngũ cán bộ, đoàn viên, Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ 9 đã được thực hiện thành công, tạo ra những chuyển biến tích cực, toàn diện trên các mặt công tác, trong đó có nhiều bước, nhiều khâu mang tính đột phá mới. Việc thực hiện nghị quyết Đại hội và các nghị quyết, chủ trương công tác của BCH, Ban Thường vụ, Ban Bí thư T.Ư Đoàn trong nhiệm kỳ đã tạo nên động lực thúc đẩy phong trào thanh thiếu nhi phát triển mạnh mẽ. Công tác giáo dục của Đoàn có nhiều đổi mới về phương thức và nội dung đã góp phần bồi đắp lý tưởng cách mạng, giáo dục truyền thống, đạo đức, lối sống, ý thức pháp luật cho thanh thiếu nhi. Cuộc vận động Tuổi trẻ Việt Nam học tập và làm theo lời Bác được triển khai sáng tạo, hiệu quả đã trở thành nội dung xuyên suốt trong công tác giáo dục của Ðoàn”, anh Nguyễn Đắc Vinh khẳng định. Lòng yêu nước trong thanh thiếu niên được khơi dậy mạnh mẽ thông qua các chương trình, hoạt động tiêu biểu: Hành trình vì biển đảo quê hương, Đồng hành cùng ngư dân trẻ ra khơi, Góp đá xây Trường Sa…
|
Về công tác xây dựng Đoàn và phát triển đảng viên trẻ, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn vui mừng thông báo: tổ chức Đoàn không ngừng được xây dựng, củng cố, phát triển với hơn 7,03 triệu đoàn viên, chiếm 27,8% thanh niên trong độ tuổi 16 - 30. Trong 5 năm qua, toàn Đoàn đã giới thiệu cho Đảng xem xét kết nạp hơn 522.000 đảng viên, tỷ lệ đảng viên mới được kết nạp từ đoàn viên ưu tú ngày càng cao so với tổng số đảng viên được kết nạp hằng năm, riêng năm 2011 đạt 67,5%.
|
Anh Nguyễn Đắc Vinh cũng thẳng thắn kiểm điểm những hạn chế, yếu kém của công tác Đoàn. Việc nắm bắt, định hướng tình hình tư tưởng thanh niên; việc tổng kết và nhân rộng các mô hình, cách làm hay trong công tác giáo dục của Đoàn còn hạn chế; mô hình tổ chức và hoạt động của Đoàn trong một số loại hình cơ sở chưa được nghiên cứu để có giải pháp phù hợp. Công tác cán bộ Đoàn chưa được đầu tư đúng mức. Những hạn chế, yếu kém trên, theo Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn, có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. “Việc tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận về công tác thanh vận của Đoàn chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra. Năng lực, kỹ năng nghiệp vụ, kiến thức kinh tế, xã hội, tác phong, lề lối công tác, tư duy đổi mới của một bộ phận cán bộ Đoàn còn yếu, chưa bắt kịp yêu cầu, đòi hỏi của phong trào thanh niên. Chế độ, chính sách đãi ngộ cho cán bộ Đoàn còn khó khăn, chưa động viên và thu hút được những cán bộ có năng lực, tâm huyết làm việc trong hệ thống tổ chức, đội ngũ của Đoàn. Bên cạnh đó, cấp ủy Đảng, chính quyền một số nơi chưa quan tâm đúng mức và thường xuyên đối với công tác thanh niên... đã ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp làm cản trở những nỗ lực của tổ chức Đoàn trong công tác thu hút, tập hợp, vận động và giáo dục thanh niên”, anh Nguyễn Đắc Vinh chỉ rõ.
Chất lượng cơ sở là trọng tâm
Về phương hướng, nhiệm vụ công tác Đoàn trong nhiệm kỳ tới, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn đề nghị: “Mục tiêu của công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi trong nhiệm kỳ tới là góp phần xây dựng lớp thanh niên giàu lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, có bản lĩnh chính trị, ý thức chấp hành pháp luật, có đạo đức cách mạng và lối sống đẹp, có ước mơ, hoài bão, khát vọng đưa đất nước vươn lên, có tri thức, sức khỏe, kỹ năng xã hội, năng lực chuyên môn, làm chủ khoa học công nghệ hiện đại. Nâng cao chất lượng tổ chức Đoàn, mở rộng mặt trận đoàn kết tập hợp thanh niên; phát huy vai trò xung kích cùng toàn Đảng”.
|
Để hoàn thành mục tiêu trên, anh Nguyễn Đắc Vinh khẳng định: “Phương hướng công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi tiếp tục tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức cách mạng, truyền thống, lịch sử dân tộc, văn hóa, lối sống, ý thức chấp hành pháp luật cho thanh thiếu nhi. Chú trọng giáo dục thông qua điển hình tiên tiến, thực tiễn phong trào hành động cách mạng; tăng cường đối thoại giữa cán bộ Đoàn với đoàn viên, thanh niên qua các diễn đàn tuổi trẻ. Đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước để phát huy mạnh mẽ trí tuệ, sức lực, tinh thần xung kích, sáng tạo, tình nguyện của thanh niên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; chăm lo tốt hơn nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của tuổi trẻ”.
Theo anh Nguyễn Đắc Vinh, một trong những nhiệm vụ quan trọng Đoàn tiếp tục xác định trong nhiệm kỳ mới, đó là lấy chất lượng cơ sở là trọng tâm; cán bộ là then chốt; đoàn kết, tập hợp thanh niên là nhiệm vụ hàng đầu. Anh Nguyễn Đắc Vinh cho rằng, cần phải tiếp tục sắp xếp mô hình, cơ cấu tổ chức Đoàn phù hợp, linh hoạt với điều kiện hoạt động, gắn với địa bàn. Kiên trì các giải pháp xây dựng chi đoàn mạnh. Nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn để đổi mới nội dung, phương thức sinh hoạt, hoạt động chi đoàn, Đoàn cơ sở gắn với nhu cầu, nguyện vọng của thanh niên, gần gũi, hấp dẫn thanh niên và tham gia giải quyết các vấn đề khó khăn của địa phương, đơn vị. Quan tâm tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn về nhận thức, cơ chế hoạt động, đội ngũ cán bộ đối với Đoàn cơ sở xã, phường, thị trấn và các khu vực đặc thù.
Đoàn viên phải tham gia sinh hoạt ở nơi cư trú Chiều 12.12, đại biểu dự đại hội biểu quyết thông qua góp ý sửa đổi, bổ sung Điều lệ Đoàn với nhiều điểm đổi mới. Trao đổi với Thanh Niên, Bí thư T.Ư Đoàn, anh Dương Văn An cho biết, so với điều lệ hiện hành, Điều lệ Đoàn được đại hội nhất trí thông qua có 14 điểm sửa đổi, bổ sung cơ bản. Trong quy định về đoàn viên, Điều lệ Đoàn có thêm nội dung đoàn viên phải tham gia sinh hoạt ở nơi cư trú. Trước đây, đoàn viên sinh hoạt ở nơi cư trú chỉ quy định trong hướng dẫn thực hiện Điều lệ Đoàn. Trong nhiệm kỳ vừa qua, quy định chỉ được áp dụng ở một số nơi nên chưa tạo sự thống nhất đồng bộ trong hệ thống. Thực tế hiện nay, số lượng đoàn viên ở lại trên địa bàn dân cư, hay còn gọi là đoàn viên gốc có số lượng không nhiều. Trong khi đó, đoàn viên là học sinh, cán bộ... có sinh hoạt ở nơi cư trú nhưng bị giới hạn một số quyền lợi. Quy định này góp phần bổ sung lực lượng đoàn viên cho địa bàn dân cư, đảm bảo quyền lợi và nâng cao trách nhiệm của đoàn viên tham gia sinh hoạt, xây dựng Đoàn ở nơi cư trú. Điều lệ Đoàn sửa đổi được thông qua có thêm quy định tăng thẩm quyền cho BCH T.Ư Đoàn trong thí điểm thực hiện một số nội dung, chủ trương công tác trong nhiệm kỳ. Trong nhiệm kỳ 5 năm, thực tiễn công tác nảy sinh nhiều vấn đề mới, chỉ có hội nghị hoặc Đại hội Đoàn toàn quốc mới có quyền sửa đổi. Quy định tăng thẩm quyền cho BCH T.Ư Đoàn góp phần điều chỉnh công tác Đoàn phù hợp với tình hình thực tiễn và giải quyết khó khăn bất cập và làm cơ sở nhân rộng trên toàn quốc và nhiệm kỳ sau. Đặc biệt, Điều lệ Đoàn mới có quy định mở rộng bầu bí thư trực tiếp tại đại hội. Điều lệ Đoàn trước đây chỉ cho phép chi đoàn, Đoàn cơ sở vững mạnh được bầu bí thư trực tiếp khi có sự đồng ý của cấp ủy Đảng và Đoàn cấp trên. Nhưng tại ĐH Đoàn các cấp vừa qua, BCH T.Ư Đoàn chủ trương mở rộng bầu bí thư trực tiếp, theo đó cấp cơ sở từ 20 - 30%; cấp tỉnh và huyện 15 - 20%. Trên thực tế, tỷ lệ bầu bí thư trực tiếp ở đại hội các cấp khá cao, nhận được sự ủng hộ đồng tình của đại biểu, đoàn viên thanh niên. “Mở rộng bầu bí thư trực tiếp tại đại hội nhằm mở rộng, tăng tính dân chủ trong Đoàn, để nhân sự được bầu trực tiếp, nhận thức rõ vinh dự và trách nhiệm, đồng thời trao quyền cho đoàn viên, đại biểu đi dự đại hội được chọn thủ lĩnh cho mình”, anh Dương Văn An cho biết. Ngoài biểu quyết thông qua Điều lệ Đoàn, trong buổi chiều cùng ngày, đại hội đã trình bày, thông qua báo cáo kiểm điểm BCH T.Ư Đoàn khóa 9; giải trình báo cáo tổng hợp kết quả tại các trung tâm thảo luận. Phan Hậu |
Thu Hằng - Phan Hậu
>> Rầm rộ các hoạt động hướng về ĐH Đoàn
>> Chủ nhật xanh chào mừng ĐH Đoàn toàn quốc
Bình luận (0)