Hà Nội hiện có 1.155 nhà chung cư cũ xuống cấp cần xây dựng lại, tuy nhiên việc này đang gặp khó khăn do thiếu một cơ chế thông thoáng.
|
Theo ông Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội, cơ chế áp dụng trong cải tạo nhà chung cư hiện nay là dựa chủ yếu vào nguồn vốn xã hội hóa từ các doanh nghiệp. Nhà nước chỉ hỗ trợ thêm cho doanh nghiệp khi tái thiết nhà chung cư cũ.
Tuy nhiên, “quy định hạn chế tầng cao nhằm tránh tăng mật độ dân số trong nội đô là trở ngại lớn nhất trong việc thỏa thuận lợi ích giữa Nhà nước - doanh nghiệp - người dân. Xây thấp thì doanh nghiệp không có lợi nhuận nên không mặn mà. Người dân thì lo mất quyền lợi nên không muốn dời đi. Nhà nước thì không có ngân sách để hỗ trợ. Mà các khu chung cư cũ mỗi ngày thêm xuống cấp, mất an toàn”, ông Thảo nói.
Một lãnh đạo khác của TP.Hà Nội chia sẻ thêm, phần lớn chung cư cũ đã bán cho người dân là bán phòng ở, còn hành lang, đường đi, diện tích công cộng vẫn thuộc sở hữu Nhà nước. Chính vì vậy, cần phát huy vai trò của Nhà nước để tái thiết lại các chung cư cũ bằng cách quy định bắt buộc để người dân cùng thấy trách nhiệm tái thiết nhà chung cư cũ. Chính phủ cũng cần ban hành quy định về tái thiết nhà chung cư, trong đó, quy định cụ thể về tuổi thọ cần tái thiết, phương thức di dời người dân... Nếu duy trì quy định muốn cải tạo nhà chung cư cũ phải có 80% hộ dân đồng ý thì sẽ rất phiền hà.
Tại cuộc họp với Bộ Xây dựng chiều 12.8, ngoài đề xuất cho tăng số tầng khi tái thiết nhà chung cư cũ, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội còn đặt vấn đề muốn “tái thiết thành công” thì phải bỏ cơ chế xã hội hóa: “Thay vì gắn trách nhiệm cho Nhà nước và người dân thì cơ chế này lại đẩy cho doanh nghiệp. Theo tôi, phải thay đổi tư duy này. Nhà nước lập phương án, người dân cùng làm rồi mới giao cho doanh nghiệp. Phải coi việc tái thiết nhà chung cư cũ là trách nhiệm của Nhà nước và người dân”.
TS Phạm Sĩ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, nếu tiếp tục duy trì cơ chế xã hội hóa kể trên thì “cả nước cũng chậm chạp”. “Doanh nghiệp tham gia tái thiết nhà chung cư cũ vì lợi nhuận. Nhưng nếu bị hạn chế về chiều cao thì không có lợi nhuận. Theo tôi, để cải tạo nhà chung cư cũ thì phải phá toàn bộ từng khu nhà đi để quy hoạch rồi tái thiết lại chứ không thể cải tạo từng tòa nhà như hiện nay. Chấp nhận cho tăng tầng cao, mật độ dân số dày lên nhưng nếu biết cách xử lý thì vẫn ổn”, ông Liêm nói.
Cũng theo ông Liêm, xu hướng xây nhà chung cư cao tầng tạo thành đô thị dạng nén đang là xu hướng tại nhiều thành phố trên thế giới như Thượng Hải, Singapore, Hồng Kông… sẽ dễ quản lý, xây dựng hạ tầng hơn là đô thị kiểu dàn trải theo không gian rộng. Ngoài ra, có thể nghiên cứu thêm việc dùng không gian ngầm. Ông Liêm cho rằng tại các khu Thành Công, Giảng Võ, Nguyễn Công Trứ… có thể cho xây nhà 20-25 tầng.
Cụ thể hơn, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội đề xuất xây dựng những khu đô thị mới hoàn chỉnh rồi “mời” người dân đến ở, đồng thời mua lại nhà chung cư cũ theo giá thị trường để xây lại rồi bán cũng theo giá thị trường. Hoặc cũng có thể bán cho doanh nghiệp cả khu chung cư cũ để họ tái thiết lại theo quy hoạch được phê duyệt. Khi ấy, người dân nào có khả năng mua thì bán lại theo giá thị trường.
Lê Quân
>> Có thể cho xây cao tầng chung cư cũ khi cải tạo
>> Hà Nội kiến nghị cho nâng tầng cao khi cải tạo chung cư cũ
>> Hà Nội tiếp tục bàn cải tạo chung cư cũ
>> Chuộng căn hộ chung cư cũ
>> Tháo dỡ 25 chung cư cũ để xây mới
>> “Chết”vì ôm chung cư cũ
Bình luận (0)