"Mùa đông của tiền mã hóa" bắt đầu từ giai đoạn cuối năm 2021, đầu 2022. Khi giá Bitcoin đạt đỉnh vào tháng 11.2021, lĩnh vực blockchain vô cùng sôi động. Dù vậy, chỉ vài tháng sau, "mùa đông" bắt đầu khi toàn bộ thị trường sụt giảm.
Mùa đông khắc nghiệt
Theo số liệu của CoinGecko, số lượng dự án blockchain mới năm 2022 giảm tới 8 lần so với năm 2021. Trong số 8.000 dự án được niêm yết, tới 3.300 thất bại và bị hủy niêm yết trên nền tảng này vì không có giao dịch trong 2 tháng, tương đương gần 40%.
Không chỉ những dự án nhỏ, rất nhiều công ty blockchain lớn cũng sụp đổ trong năm 2022. Terraform Labs tạo nên thảm họa LUNA khi loại stablecoin thuật toán UST sập chỉ trong vài ngày. FTX, sàn tiền số lớn thứ ba thế giới cũng sụp đổ chớp nhoáng sau khi sự thật về gian dối tài sản được công khai.
Như một hệ quả từ những cú sốc nói trên, hàng loạt công ty lớn khác như công ty tiền điện tử Celsius, BlockFi, Voyager, Quỹ phòng hộ tiền điện tử Three Arrows Capital (3AC) sụp đổ thời gian ngắn, với nguyên nhân chính được cho là do xây dựng nền tảng tài chính không minh bạch.
Cuối tháng 3.2022, cầu nối Ronin của game Axie Infinity bị hack, gây ra thiệt hại trên 600 triệu USD. Vụ hack cầu nối Ronin gây ảnh hưởng lớn đến Sky Mavis. Thời điểm đó, Axie Infinity vẫn là game thành công nhất của công ty này, thu hút tới 3 triệu người chơi ở thời điểm đỉnh cao, và vốn hóa cao nhất có lúc đạt 8,5 tỉ USD.
Cả CEO Nguyễn Thành Trung và CTO Việt Anh của Sky Mavis cùng cho rằng bài học lớn nhất họ học được là quản trị rủi ro khi chia sẻ: "Cả khi bình thường nhất cũng cần có những kịch bản cho rủi ro và ngay trong rủi ro cũng sẽ có những rủi ro lớn hơn. Điều quan trọng là tìm ra được lỗ hổng nhanh nhất, xử lý tốt nhất và minh bạch thông tin cùng nhà đầu tư, cùng cộng đồng".
Theo thống kê của Chainalysis, trong năm 2022 tổng thiệt hại từ các vụ hack liên quan đến blockchain lên tới 3,8 tỉ USD, cao hơn so với năm 2021. Con số trong vụ hack Ronin cũng vượt qua sự cố Polynetwork, trở thành thiệt hại lớn nhất trong thị trường blockchain.
Khi sự cố hack cầu nối Ronin xảy ra, cách xử lý của Sky Mavis được đánh giá là "sòng phẳng và minh bạch" với người dùng khi công ty tìm cách đền bù toàn bộ số tiền bị mất chỉ sau 8 ngày. Đây là điều chưa có tiền lệ trong giới blockchain, khi mà các dự án bị hack thường chỉ nhận được một phần số tiền nếu hacker trả lại.
"Chúng tôi rất biết ơn vì trong tình hình đó, các nhà đầu tư, cộng đồng đã luôn tôn trọng, không tạo áp lực cho mình mà ngược lại họ cố vấn rất nhiều phương án để cùng nhau vượt qua", CTO Hồ Sỹ Việt Anh của Sky Mavis nhận định.
"Con cá lội ngược dòng" thế nào trong thị trường biến động?
Không nằm ngoài quy luật đi xuống của thị trường thời gian qua, Axie Infinity được đánh giá là nhân tố giúp Sky Mavis một bước lên mây cũng có nhiều chông gai. Tuy nhiên, trái ngược với nhiều dự án thu mình lại, Sky Mavis lại âm thầm với nhiều hoạt động mới như hợp tác với "ông khổng lồ" Google Cloud để tăng cường bảo mật cho Ronin, mạng lưới blockchain của Sky Mavis. Từ đó, nâng cao tầm nhìn của công ty trẻ về việc xây dựng một hệ sinh thái blockchain và một vũ trụ trò chơi.
Sau đó, Sky Mavis tạo dấu ấn lớn với cộng đồng giới Blockchain quốc tế khi tổ chức Hội nghị AxieCon trong 4 ngày tại Barcelona vào tháng 9.2022, thu hút hơn một nghìn người gồm các nhà phát triển, chuyên gia, nhà đầu tư cũng như các game thủ hàng đầu khắp thế giới. Ngoài ra, Axie cũng đã tổ chức, tài trợ rất nhiều Giải đấu Thể thao điện tử với giải thưởng lớn từ năm 2022 đến nay.
Sản phẩm mới ra đời liên tục cũng khiến cộng đồng được củng cố niềm tin sau nhiều sự cố và nhìn thấy một bức tranh khác hơn của blockchain và các game blockchain. Ngay từ đầu, nhóm sáng lập Sky Mavis hiểu rằng một công ty quá phụ thuộc vào sản phẩm duy nhất sẽ khó có thể phát triển, dù đó có là sản phẩm xuất sắc đến đâu. Không chỉ có sản phẩm game Axie Infinity và cầu nối Ronin, hệ sinh thái với các sản phẩm mới của Sky Mavis hướng tới cộng đồng như market place, Mavis Hub, Wallet, Kantana với hàng triệu người dùng trên thế giới.
Chiến lược mở rộng sản phẩm có thể trái ngược với tình hình chung của thị trường blockchain. Tuy nhiên, đây cũng là điều đã được đội ngũ lãnh đạo của Sky Mavis lên kế hoạch từ đầu, và tiếp tục thực hiện dù mùa đông tiền mã hóa đang ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường.
"Để làm được một game như Axie Infinity thì ở phía sau chúng tôi phải làm rất nhiều sản phẩm phụ trợ, từ đó tạo nên một hệ sinh thái nhằm hợp tác, hỗ trợ nhiều sản phẩm game khác của các studio trên khắp thế giới. Vì vậy, chúng tôi luôn tìm kiếm nhiều tài năng ở Việt Nam và quốc tế", Hồ Sỹ Việt Anh CTO của Sky Mavis, chia sẻ.
Không chỉ mở rộng những dự án mới, Sky Mavis cũng đã "thay áo " với một môi trường làm việc đáng mơ ước ở TP.HCM. Ngược với xu hướng sa thải của các công ty công nghệ, số lượng nhân sự của công ty này hiện đã tăng lên hơn 200 người đến từ các quốc gia khác nhau.
"Khi bạn làm trong một dự án mà công ty xem bạn là ở đỉnh kim tự tháp, phải ưu tiên nguồn lực cho bạn, thì bạn phải luôn luôn tự hào khi làm dự án đó và bạn dốc hết sức mình cho dự án đó. Đó không chỉ đơn thuần là đam mê, mà còn là niềm tự hào khi những gì bạn sáng tạo viết tên Việt Nam lên bản đồ thế giới", một nhân viên của team Origins hào hứng chia sẻ.
Với tất cả những chiến lược đã thực hiện và đang theo đuổi, Sky Mavis đang tiếp tục hướng đến một tương lai mới với niềm tự hào được xây đắp từ mỗi thành viên. Và, nhắc đến Sky Mavis, công ty trẻ không muốn dừng lại ở Axie Infinity, mà tự hào để viết tên một hệ sinh thái không giới hạn để mở ra tương lai mới trên bản đồ blockchain ở quy mô toàn cầu.
Bình luận (0)