HLV Philippe Troussier chia sẻ trong nội bộ đội tuyển Việt Nam rằng trong đợt tập trung tháng 6, ông sẽ cân nhắc dành 20% số suất triệu tập cho các cầu thủ ở đội U.22 và U.20 Việt Nam. Con số này tương đương khoảng từ 6 đến 7 cầu thủ. Đây là dự kiến của ông Troussier hồi tháng 3.
Sau khi huấn luyện U.22 Việt Nam đá 12 trận (tính cả trước và trong SEA Games), nhà cầm quân người Pháp có thể tính toán lại số cầu thủ trẻ triệu tập lên tuyển. Tuy nhiên, việc trẻ hóa đội tuyển Việt Nam đã nằm trong kế hoạch của nhà cầm quân người Pháp. Những cầu thủ không còn động lực, mất phong độ hoặc không còn phù hợp với lối chơi sẽ không giữ được chỗ đứng, mà phải nhường chỗ cho những cái tên giàu khát vọng hơn.
Trong 20 cầu thủ U.22 Việt Nam, số cầu thủ từng được triệu tập lên đội tuyển Việt Nam không vượt qua một bàn tay. Dù vậy, ưu thế của lứa U.22 là đã quen với triết lý của ông Troussier và còn nguyên sức trẻ, khát vọng để cải thiện bản thân. Chưa bằng lứa đàn anh về kinh nghiệm, trình độ, nhưng các cầu thủ trẻ cũng có những ưu thế riêng biệt.
Thành công của bóng đá Việt Nam thời HLV Park Hang-seo gắn liền chặt chẽ với cuộc chuyển giao lứa U.23 lên đội tuyển Việt Nam. Sau thành công của U.23 Việt Nam ở giải U.23 châu Á 2018, ông Park duy trì nòng cốt cầu thủ này tiếp tục tham dự ASIAD 18, rồi đôn bộ khung lên đội tuyển Việt Nam đá AFF Cup 2018. Tức là lứa trẻ của thầy Park đã kinh qua nhiều giải đấu lớn để chứng tỏ bản thân và hiểu nhuần nhuyễn triết lý, đến khi đủ chín chắn và sẵn sàng mới khoác áo đội tuyển. Việc các cầu thủ bị "chín ép", lãnh trọng trách lớn khi chưa đủ vững vàng sẽ dẫn tới lợi bất cập hại. Song, nếu không trao cơ hội cho lứa kế cận ngay từ thời điểm này, việc chuyển giao thế hệ ở đội tuyển Việt Nam sẽ diễn ra khó khăn bởi khoảng cách giữa hai lứa cầu thủ vẫn là tương đối lớn.
Nếu nhìn trên tiêu chí chứng minh được năng lực ở lứa trẻ và phần nào thể hiện được ở CLB, có lẽ đội U.22 Việt Nam chỉ dừng lại ở một số cái tên "sáng cửa" lên đội tuyển Việt Nam như Nguyễn Văn Tùng, Phan Tuấn Tài, Lương Duy Cương,... Văn Tùng đã ghi 5 bàn ở SEA Games 32 và được ông Troussier đánh giá là tài năng hàng đầu của lứa U.22. Chưa kể, lối chơi hiện đại, trực diện và hiệu quả của trung phong đang khoác áo CLB Hà Nội cũng giúp anh trở thành ứng viên sáng giá ở đội tuyển Việt Nam, trong bối cảnh đội đang khan hiếm tiền đạo giỏi.
Tuấn Tài, Duy Cương đã lên đội tuyển Việt Nam hồi tháng 9-2022 và đang được trao cơ hội ở V-League, đây là "điểm cộng" để những ngôi sao này được ông Troussier tin tưởng. Ngoài ra, một số cầu thủ đã đồng hành với ông Troussier trong khoảng thời gian dài, được đánh giá là hiểu lối chơi như Võ Minh Trọng, Lê Văn Đô, Nguyễn Thanh Nhàn, cộng với một số cầu thủ lứa U.20 như Khuất Văn Khang, Nguyễn Văn Trường có thể nằm trong danh sách cân nhắc.
Trong tháng 6, đội tuyển Việt Nam chỉ đá 1 trận giao hữu. Đây là đợt tập trung để HLV Troussier đánh giá tổng quan năng lực học trò và truyền đạt triết lý mới. Tính chất thử nghiệm nhằm hướng tới vòng loại World Cup 2026 trong giai đoạn này giúp chiến lược gia người Pháp càng có cơ hội gọi nhiều nhân tố mới. Việc mở cánh cửa đội tuyển Việt Nam với các cầu thủ mới mẻ sẽ giúp làn gió cạnh tranh trở lại với bóng đá Việt Nam.
Dù vậy, nhìn từ giai đoạn HLV Park Hang-seo còn nắm quyền, dễ thấy việc đôn cầu thủ trẻ, hòa hợp nhân tố mới với các trụ cột đội tuyển,... rất cần một chiến lược bài bản và rõ ràng, cộng với sự can đảm và kiên nhẫn của HLV trưởng. Đội tuyển Việt Nam đang ở giai đoạn chuyển giao, mà mọi cuộc chuyển giao đều cần thời gian để đạt kết quả. HLV Troussier sẽ trẻ hóa đội tuyển, nhưng ở mức độ nào thì ông và cộng sự còn phải cân nhắc nhiều dựa trên màn thể hiện của cầu thủ trong những tuần tới ở V-League và hạng nhất.
Bình luận (0)