Lý do để IDJ - đơn vị tổ chức hội nghị này - đặt lòng tin chính là kết quả sau đợt khảo sát về nhu cầu của các nhà đầu tư Singapore và Malaysia được tiến hành từ tháng 4/2005 đến nay. Theo đó, mức độ khả tín vào thị trường bất động sản Việt Nam được giới đầu tư hai quốc gia này đặt gần ngang bằng với một thị trường khổng lồ và đầy tiềm năng là Trung Quốc. Điểm nhấn thứ hai, theo IDJ, chính là khả năng tài chính và tính chuyên nghiệp, tính kinh nghiệm của các nhà đầu tư đến từ đảo quốc sư tử và chủ nhân của tòa tháp đôi chọc trời Petronas.
Tính khách quan được thể hiện khi các chuyên gia tiến hành nhìn nhận lại thực trạng hiện nay của thị trường bất động sản Việt Nam, từ đó tìm ra những nguyên nhân được cho là mấu chốt dẫn dến sự đóng băng thật sự kể từ quý 2/2005.
Nguyên nhân đầu tiên và cũng là điểm khởi đầu cho thời đoạn u ám của thị trường bất động sản chính là tình trạng sốt ảo kéo theo việc tăng giá và thông tin thiếu minh bạch trên thị trường nhà đất trước và sau khi Nghị định 181 ra đời (xin lưu ý là riêng thị trường văn phòng và căn hộ cao cấp cho thuê vẫn hoạt động hiệu quả, thậm chí được đánh giá là một trong những thị trường sôi động nhất châu Á). Băng bắt đầu cứng lại khi nhìn vào khung cảnh “mập mờ đánh lận con đen” này, hàng loạt khách hàng và khách hàng tiềm năng trở thành những quả bóng bị quay trong lồng, chịu sự may rủi mang lại từ giới đầu cơ cơ hội và “cò” bất động sản. Kết cục, giá vẫn cao chót vót mà giao dịch thành công chẳng được là bao.
Mối liên hệ logic đã nối từ nguyên nhân trên đến một nguyên nhân thứ hai là các nhà đầu tư không bán được trong khi khoản chi phí khổng lồ đẻ ra từ nguồn vốn vay cứ thế nhân lên, nguy cơ phá sản đe dọa ngay trước mắt nhiều doanh nghiệp. Nói như một nhà đầu tư, đêm ngủ thì đau đầu suy nghĩ nhưng mỗi sáng ra, vài chục triệu đồng vẫn nghiễm nhiên rời khỏi tầm tay.
Tiếp theo, khi các món tiền cho vay đang có nguy cơ bị “giam” tại các dự án chẳng mấy sáng sủa, hàng loạt ngân hàng cũng bắt đầu e ngại đối với thị trường bất động sản. Cùng với nó, các nhà đầu tư nước ngoài cũng bắt đầu thiếu mặn mà với thị trường vốn trước đây được coi là béo bở này. Đơn cử, đến nay vẫn có một số “suất” ưu đãi dành cho các dự án 100% vốn đầu tư nước ngoài nhưng nó vẫn chưa được ai nhòm ngó. Thậm chí, có lần Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Bích Đạt khẳng định, Bộ sẵn sàng xem xét một cách thiện chí đối với các dự án, song đến thời điểm này vẫn chưa có đề nghị nào được đưa ra.
Vậy “hình hài” thực tế của thị trường bất động sản Việt Nam hiện nay như thế nào? Theo ông Ngô Trí Long, Phó viện trưởng Viện giá cả thị trường, thực trạng hiện nay của thị trường bất động sản không phải cung vượt cầu, trái lại cung vẫn thấp hơn nhiều so với cầu, điều quan trọng là giá cả hai đầu không gặp nổi nhau. Người dân có nhu cầu thực không có khả năng thanh toán ở mức giá hiện tại. Nhận định này được minh chứng bằng một số các giao dịch nhà đất thành công vừa qua khi có đến trên dưới 80% mức giá “khớp” sau cùng thấp hơn, thậm chí thấp hơn rất nhiều, so với mức giá chào bán.
Do đó, bên cạnh ba giải pháp mà mới đây Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất là thực hiện kích cầu về nhà ở, tạm thời giảm cung về nhà đất và xử lý vốn cho các doanh nghiệp kinh doanh nhà ở, các chuyên gia kinh tế cho rằng giải pháp tổng thể là phải tạo ra bằng được môi trường cạnh tranh lành mạnh và tính minh bạch về thông tin được thể hiện rõ nét nhằm tạo lòng tin cho cả phía cung lẫn phía cầu.
Một số ý kiến cũng cho rằng, việc tạo nên một môi trường cạnh tranh lành mạnh chính là giải pháp tối ưu và dài hơi nhất. Bởi lẽ, thực tế hiện nay nhiều nhà đầu tư chưa hẳn lỗ bởi giá bán vẫn cao hơn nhiều so với giá trị thực sự.
Đây cũng chính là điểm căn bản để hy vọng vào đợt “xuất ngoại” kêu gọi đầu tư kể trên do Công ty IDJ khởi xướng, hội nghị được tổ chức ngày 7/3/2006 tại Singapore và ngày 9/3/2005 tại Malaysia.
Theo thông tin do ban tổ chức cung cấp, hội nghị này sẽ có sự góp mặt của 100 chủ dự án Việt Nam đang có hoặc sắp có dự án muốn mời nhà đầu tư nước ngoài tham gia hợp tác với bất cứ hình thức nào, 400 nhà đầu tư có tiềm lực tài chính mạnh nhất ở hai quốc gia Singapore và Malaysia đồng thời với sự tham gia của rất nhiều đại diện cơ quan xúc tiến đầu tư của cả ba nước. Điểm nhấn quan trọng nữa được đơn vị tổ chức khẳng định là tính chi tiết ở mỗi dự án cụ thể, các hợp đồng hợp tác được ký kết…
Có thể coi đây là một cách làm mới giúp cho các doanh nghiệp tiết kiệm chi phí cho những cuộc kêu gọi đầu tư riêng rẽ từng dự án, kết quả sẽ khả quan hơn vì số lượng nhà đầu tư đông, dễ dàng chọn lựa.
Như vậy, trong bối cảnh ảm đạm hiện nay của thị trường bất động sản Việt Nam, mỗi động thái tích cực của các bên liên quan nhằm thúc đẩy sự phát triển đều nhận được sự hưởng ứng không nhỏ. Liệu khối băng lớn đang tồn tại ở thị trường bất động sản có được phá tan hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố và sự gắng sức thật sự của mỗi bên tham gia vào thị trường này. Và tất nhiên, không thể không hy vọng vào hoạt động được coi là quy mô và chuyên nghiệp này nhằm kéo sự tham gia của giới đầu tư nước ngoài.
Theo Thời báo Kinh tế Việt Nam
Bình luận (0)