Cơ hội tăng xuất khẩu vào châu Âu

29/06/2019 06:06 GMT+7

Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (IPA) giữa VN và Liên minh Châu Âu (EU) chính thức được ký vào ngày mai (30.6).

Những ngành hàng xuất khẩu nào của VN sẽ được hưởng lợi chính thức từ FTA này?
Sau gần 10 năm khởi động và gần 8 năm chính thức đàm phán, EVFTA đã mở ra trang sử mới cho thương mại xuất khẩu VN.

Giúp tăng GDP lên hơn 0,1%

Nếu so với Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), EVFTA “dễ thở” hơn. Chẳng hạn, với hàng dệt may, quy định về xuất xứ hàng hóa để được hưởng ưu đãi về thuế chỉ từ vải trở đi (trong khi CPTPP quy định từ sợi trở đi)
Ông Diệp Thành Kiệt, Phó chủ tịch Hiệp hội Da giày túi xách VN
Theo Bộ Công thương, sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của VN sang EU. Và sau 7 năm kể từ khi hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của VN. Gần 100% kim ngạch xuất khẩu VN sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau lộ trình ngắn. Đây cũng là mức cam kết cao nhất mà một thị trường dành cho VN trong các FTA được ký kết lâu nay.

Hiện nay, mới chỉ hơn 42% kim ngạch xuất khẩu của VN sang EU được hưởng mức thuế 0% theo Chương trình ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP). Theo nghiên cứu của Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Hiệp định EVFTA sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của VN sang EU tăng thêm khoảng 20% vào năm 2020 và tiếp tục tăng thêm 44,37% vào năm 2030 so với hiện nay.
Ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC VN, nhận định: “Chúng tôi kỳ vọng hiệp định sẽ gia tăng trung bình 0,1% (dao động trong khoảng 0,0 - 0,3%) GDP thực sự của VN mỗi năm chỉ nhờ vào các tác động thương mại thuần túy. Một khi đi vào thực hiện hoàn toàn, những tiêu chuẩn cao của EVFTA sẽ thúc đẩy tốc độ cải cách và hội nhập quốc tế của VN. Cao ủy châu Âu ước tính xuất khẩu của VN vào châu Âu sẽ tăng trưởng vào khoảng 18%. Đầu tư trực tiếp từ châu Âu tới VN, dưới tác động của hiệp định, cũng sẽ tăng trưởng tốt”.

Hiệp định EVFTA sẽ mở ra nhiều cơ hội cho sản phẩm dệt may, thủy sản VN... vào EU

Ảnh: Phạm Hùng, Công Hân, Linh Linh

Cơ hội với dệt may, da giày, thủy sản, gạo...


Dẫn số liệu từ Tổng cục Hải quan về kim ngạch xuất khẩu da giày VN năm 2018 đạt hơn 16,2 tỉ USD, trong đó thị trường EU chiếm 28,7%, đạt 4,66 tỉ USD, ông Diệp Thành Kiệt, Phó chủ tịch Hiệp hội Da giày túi xách VN, dự báo ngành da giày có thể tăng trưởng xuất khẩu vào EU khoảng 12% trong năm đầu tiên sau khi EVFTA có hiệu lực. Sau đó mức tăng trưởng sẽ ổn định khoảng 10% mỗi năm. Bởi với mức thuế của nhiều sản phẩm giày dép xuất sang thị trường EU hiện khoảng 8% thì khi giảm thuế về 0% là một lợi thế lớn. Nếu so với Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), EVFTA “dễ thở” hơn. Chẳng hạn, với hàng dệt may, quy định về xuất xứ hàng hóa để được hưởng ưu đãi về thuế chỉ từ vải trở đi (trong khi CPTPP quy định từ sợi trở đi). Hoặc quy định cho phép DN VN được lấy nguyên liệu từ Hàn Quốc cũng được tính đáp ứng về xuất xứ.
Ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An, cũng nhận định đây là cơ hội lớn cho ngành lúa gạo VN. Hiện gạo VN xuất khẩu vào EU có mức thuế rất cao, từ 40 - 100%. Ông Bình nói: “Với thuế suất về 0% sau khi EVFTA có hiệu lực sẽ là cơ hội cực kỳ tốt cho DN xuất khẩu gạo vào thị trường này. Bởi lâu nay gạo VN khó cạnh tranh nổi với gạo Campuchia và Thái Lan do các nước này xuất khẩu gạo sang EU có thuế 0%”.
Tương tự, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP) đánh giá: Với EVFTA, ngay khi hiệp định có hiệu lực sẽ có một số sản phẩm chế biến đang có mức thuế cơ bản khá cao (20%) sẽ được giảm ngay về 0% như hàu, điệp, mực, bạch tuộc, nghêu, sò, bào ngư chế biến... Ngoài ra, hầu hết các sản phẩm mực, bạch tuộc đông lạnh đang có mức thuế cơ bản 6 - 8% sẽ được giảm ngay về 0%, các sản phẩm khác như surimi được giảm từ 14,2% về 0%, cá cờ kiếm từ 7,5% về 0%... Hay với sản phẩm tôm, tôm sú đông lạnh được giảm thuế từ mức cơ bản 20% xuống 0%. Các sản phẩm tôm khác theo lộ trình 3 - 5 năm, tôm chế biến lộ trình giảm thuế 7 năm...

Chú trọng liên kết chuỗi và quy tắc xuất xứ

Ông Trương Đình Hòe cho rằng cái yếu nhất của DN là lơ là yếu tố liên kết chuỗi nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, kiểm soát tốt an toàn vệ sinh thực phẩm. Ông nói: “Để tránh rủi ro và tận dụng lợi thế, DN thủy sản phải hiểu rõ và áp dụng linh hoạt, trung thực quy tắc xuất xứ của các hiệp định FTA”. Ông Phạm Thái Bình lưu ý, thị trường EU có nhiều yêu cầu khắt khe hơn cả thị trường Mỹ. “Chuỗi liên kết giữa DN, nhà nông, ngân hàng trong ngành lúa gạo chưa có, đa số tự bươn chải và làm trong khả năng tối đa của mình. Để tận dụng EVFTA, chính sách tài chính cho DN ngành nông sản phải được nhà nước chú trọng hơn”, ông Bình đề xuất.
Bên cạnh những lợi ích, ông Phạm Hồng Hải nhấn mạnh VN cần một ngành công nghiệp dệt may nội địa (mang ý nghĩa giảm các thành tố nhập khẩu) để có thể tận dụng được hết những lợi ích từ EVFTA. Ông Hải nhận xét: “Hiện chỉ các DN có quy mô sản xuất lớn và DN FDI có khả năng đáp ứng được tỷ lệ tự chủ nguồn nguyên phụ liệu tuân thủ quy tắc xuất xứ của hiệp định, còn DN vừa và nhỏ gặp không ít khó khăn xuất xứ. Bên cạnh đó, quy định hướng dẫn và hoạt động của Chính phủ giúp cung cấp thông tin và nâng cao nhận thức cho DN về hiệp định này là hết sức cần thiết, như quy hoạch phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, hướng dẫn về cam kết của VN đối với EVFTA, DN cần làm gì cần được đề cập và nói rõ hơn. Thứ nữa, cải cách hành chính nhằm tháo gỡ thủ tục về xuất nhập hàng hóa, hoàn thiện khung pháp lý để đáp ứng những điều kiện về lao động, môi trường, sở hữu trí tuệ phù hợp với chuẩn mực quốc tế và châu Âu cần được coi là một ưu tiên, càng sớm càng tốt”.
Theo chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên, EVFTA sẽ tạo ra hiệu ứng tích cực. Dù phạm vi điều chỉnh không lớn nhưng chính những điều khoản cụ thể mang lại nhiều lợi ích dài hạn cho VN. Áp lực từ EVFTA đưa ra đối với Chính phủ và DN sản xuất kinh doanh khá rõ ràng. Nhưng đó là cơ hội để giúp cả nhà nước và DN tự cải thiện, hoàn thiện mình, không chỉ với mục đích xuất khẩu nhiều hàng hóa hay cạnh tranh với DN EU mà còn vì một nền sản xuất bền vững, một thị trường an toàn hơn...
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.