|
Lợi thế... đến muộn
Với 60 triệu dân, Myanmar là một thị trường tiêu thụ đầy tiềm năng với bất kỳ một DN nào. Từ lâu hàng hóa của Thái Lan và Trung Quốc gần như độc chiếm thị trường này. Tuy nhiên, theo nhiều DN nhận định, "đến sớm" cũng có cái bất lợi. Ông Trần Kim Chung, Chủ tịch Tập đoàn C.T Group, đơn vị có 3 năm kinh nghiệm đưa hàng Việt vào thị trường Myanmar, phân tích: trước kia thu nhập của người dân còn hạn chế nên hàng hóa nhập khẩu vào đây chất lượng cũng không cao, lợi thế cho hàng giá rẻ của Trung Quốc. Nhưng đến nay người tiêu dùng đã thấy “ngán” những mặt hàng này, sẵn sàng trả giá cao hơn cho các mặt hàng có chất lượng. Minh chứng là mặt bằng giá bán lẻ hàng hóa hiện đã tăng 2 - 3 lần so với năm ngoái. Đây chính là thời cơ tốt để hàng hóa VN thâm nhập vào thị trường Myanmar bằng chất lượng và uy tín.
|
Trong thời gian qua, C.T Group trong vai trò nhà phân phối đã giúp 34 DN sản xuất của VN phân phối sản phẩm tại Myanmar. “Nhiều mặt hàng tiêu dùng của VN có thể tiêu thụ tốt ở Myanmar và người dân nơi đây có ấn tượng rất tốt đối với hàng Việt”, ông Chung nói.
Năm 2011, kim ngạch thương mại giữa VN và Myanmar đạt 167 triệu USD và dự kiến 2015 đạt 500 triệu. Theo bà Vũ Kim Hạnh,
Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC), chỉ còn một thời gian ngắn sẽ tiến tới một thị trường chung Asean +1 (Trung Quốc), nên Hội DN HVNCLC đang thực hiện hỗ trợ DN thâm nhập các thị trường Asean +1, trong đó có thị trường Myanmar. Sự thành công của những chương trình này sẽ tạo điều kiện rất tốt cho các DN VN khi vào sân chơi chung Asean +1.
Ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch HĐQT, TGĐ Công ty cổ phần bảo vệ thực vật An Giang, cho biết cơ hội vào thị trường Myanmar rất lớn, vì hiện kỹ thuật sản xuất, kỹ năng quản lý của họ còn hạn chế. Vì vậy, công ty đẩy mạnh hợp tác chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật, khuyến nông, đào tạo nhân lực, kỹ năng quản lý chuỗi giá trị hạt gạo... Công ty đã mời các lãnh đạo ngành nông nghiệp của Myanmar đến tham quan mô hình đang triển khai tại VN, đồng thời cử cán bộ qua Myanmar để hướng dẫn, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp mà công ty đang áp dụng ở VN. Nếu kết quả thuận lợi, công ty có thể sẽ triển khai xây dựng nhà máy sản xuất ở Myanmar.
Thích hợp với đầu tư dài hạn
Tổng lãnh sự danh dự Liên bang Myanmar tại TP.HCM, ông Đàm Trung Bắc, cho biết công ty nước ngoài hiện chưa được phép làm thương mại trực tiếp tại Myanmar. Nếu công ty VN muốn xuất hàng sang Myanmar phải tìm đối tác là công ty Myanmar đã có giấy phép xuất nhập khẩu để nhập và phân phối hàng hóa. Đây là yếu tố quyết định cho một chiến lược làm ăn lâu dài với thị trường này. Ông Bắc lưu ý, thông thường việc làm thủ tục thông quan hàng hóa tại cảng khá phức tạp, mất thời gian, và phải tốn phí “bôi trơn”. Cho nên, DN trong nước nên đề nghị các công ty vận chuyển Myanmar đảm nhận luôn dịch vụ thông quan.
Theo ông Bắc, thương mại qua biên giới chiếm gần 50% lượng hàng xuất nhập khẩu hằng năm của Myanmar, trong đó với Trung Quốc và Thái Lan là chủ yếu. Đây là điểm bất lợi đối với DN VN vì không có chung đường biên giới với Myanmar, nên việc vận chuyển sẽ tốn kém và mất thời gian hơn so với các công ty của Trung Quốc và Thái Lan.
Một cản ngại nữa là các ngân hàng nước ngoài chưa được phép mở chi nhánh hoạt động tại Myanmar, hiện VN mới chỉ có văn phòng đại diện (BIDV) nên cũng ảnh hưởng tới khả năng thanh toán. “Tại Myanmar cùng tồn tại 3 loại tỷ giá. Vẫn còn nhiều bất cập đối với hệ thống quản lý ngoại hối hiện nay, cho nên trong thời gian tới chính phủ sẽ cải tổ theo hướng loại bỏ dần những bất hợp lý nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế, đặc biệt trong lĩnh vực xuất nhập khẩu”, ông Bắc phân tích.
TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, khẳng định không chỉ DN VN mà nhiều nhà đầu tư của các nước khác đều đang tiếp cận với thị trường Myanmar như là một cơ hội mới. “Myanmar có thị trường rộng lớn, lực lượng lao động trẻ và rẻ, tài nguyên thiên nhiên giàu có. Nhưng thị trường này vẫn còn nhiều hạn chế. Đó là kết cấu hạ tầng kém phát triển, khung pháp luật còn sơ sài, tham nhũng và nguồn nhân lực chất lượng chưa cao... Những cản ngại này đều có thể làm nản lòng bất cứ nhà đầu tư ngắn hạn nào. Nên cần phải cẩn trọng tính toán một chiến lược dài hạn để tránh hụt hơi giữa chừng”, TS Doanh cảnh báo.
Một số dự án đã được cấp phép và đang xin phép đầu tư vào Myanmar - Dự án tìm kiếm, thăm dò dầu khí của Tập đoàn dầu khí VN - Dự án khai thác đá trắng của Công ty Simco Sông Đà - Dự án xin thiết lập mạng viễn thông di động của Viettel - Dự án của Tập đoàn Hoa Sen... - Dự án sản xuất dược phẩm của Công ty AFV Pharma - Dự án bất động sản của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai |
N.T.Tâm - Chí Nhân
>> Thâm nhập thị trường Myanmar
Bình luận (0)