(TNO) Dự án “một vành đai, một con đường” do Trung Quốc khởi xướng, chủ yếu bao gồm Con đường tơ lụa trên biển và trên bộ, có thể sẽ lấy đặc khu Hồng Kông (Trung Quốc) làm trung tâm tài chính.
Hồng Kông có thể trở thành trung tâm tài chính trong dự án “một vành đai, một con đường” - Ảnh: Reuters
|
Theo Tân Hoa xã và tờ The Business Times, Tsang Chun-wah - quan chức cấp cao của đặc khu hành chính Hồng Kông (Trung Quốc) - cho hay Hồng Kông có thể trở thành trung tâm tài chính của dự án “một vành đai, một con đường”.
“Một vành đai, một con đường” là chiến lược phát triển do chính quyền trung ương Trung Quốc khởi xướng nhằm tập trung vào sự kết nối và hợp tác giữa các nước Âu, Á. Dự án này chủ yếu bao gồm hai thành phần: Con đường tơ lụa trên đất liền và Con đường tơ lụa trên biển.
Dự án trên có thể là cơ hội vàng cho Hồng Kông sau khi đặc khu này cải cách và mở cửa. Ông Tsang cho rằng nếu nắm bắt cơ hội này, Hồng Kông sẽ có đà tăng trưởng kinh tế trong vòng từ 30 đến 50 năm tới.
Tsang cho hay trong số 60 nước mà hai Con đường tơ lụa đi qua có một số thị trường mới nổi hiện không khác biệt nhiều so với thành phố Thâm Quyến (Trung Quốc) cách đây 30 năm. Nếu Hồng Kông thúc đẩy mảng tài chính, thương mại, logistics, dịch vụ thương mại chuyên nghiệp và du lịch với các nước nói trên, nền kinh tế đặc khu này có thể đạt được bước nhảy vọt.
Hiện tại, thương mại và logistics đóng góp khoảng 1/4 tăng trưởng GDP của Hồng Kông. Tài chính thì chiếm 16% còn các dịch vụ chuyên nghiệp chiếm 10%. Tsang cho rằng dự án do Trung Quốc khởi xướng không những tạo ra nhiều việc làm cho người dân Hồng Kông mà còn đóng góp cho nền kinh tế Đại lục.
“Trong vòng từ 20 đến 30 năm, GDP bình quân đầu người của Hồng Kông sẽ tăng lên nhiều lần từ mức hiện nay là 40.000 USD, nếu chúng ta có thể tìm thị trường mới để duy trì tốc độ tăng trưởng”, quan chức 64 tuổi cho biết.
Hồng Kông đã là một trong 3 trung tâm tài chính thế giới. Ngoài ra, lợi thế của đặc khu này còn là vị trí một trong những trung tâm vận chuyển và là khớp nối của hàng không thế giới.
Nói về tuyến đường bộ, ông Tsang cho hay: “Khi cây cầu nối Hồng Kông - Châu Hải - Macao hoàn tất, khoảng cách giữa cảng container Kwai Chung ở Hồng Kông và thủ đô Hà Nội của Việt Nam sẽ được rút ngắn nhiều”.
Bình luận (0)