Cơ hội việc làm cho thanh niên yếu thế

Thu Hằng
Thu Hằng
19/06/2018 10:01 GMT+7

Dự án 'Dạy nghề cho thanh niên có hoàn cảnh khó khăn tại Hà Nội' do Tổ chức Plan International VN và Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc hỗ trợ đã mang lại sự thay đổi trong cuộc sống cho nhiều bạn trẻ.

Được đi xa hơn
Qua dự án này, chúng tôi thấy các bạn thanh niên có hoàn cảnh khó khăn có nhu cầu rất cao về học những khóa nghề có chất lượng
Sharon Kane, Giám đốc quốc gia Plan International VN
Sinh ra ở vùng đất nghèo khó của H.Thanh Chương (Nghệ An), từ nhỏ Nguyễn Doãn Hoàn đã mê ô tô, mày mò sửa chữa động cơ. Học hết phổ thông, như nhiều thanh niên nông thôn khác, Hoàn ra Hà Nội tìm việc làm. Với hai bàn tay trắng, Hoàn làm rất nhiều nghề để kiếm sống. Tình cờ, Hoàn đọc được thông tin về dự án dạy nghề cho thanh niên có hoàn cảnh khó khăn. Thấy đủ tiêu chuẩn, anh đăng ký lớp sửa chữa ô tô đúng như mơ ước thời còn bé. “Ngày nhận được thông báo nhập học, mình vô cùng bất ngờ. Dự án hỗ trợ mình toàn bộ học phí và chi phí ăn ở. Trong 18 tháng, hằng ngày mình đi học buổi sáng, buổi chiều xin làm thực tập không lương tại gara ô tô, còn buổi tối đi sửa xe máy kiếm thêm tiền. Vừa học, vừa làm giúp mình trau dồi kỹ năng và tích lũy kha khá kinh nghiệm”, Hoàn chia sẻ.
Tự tin với tay nghề của mình, Hoàn nộp hồ sơ xin việc vào gara ô tô lớn tại Hà Nội khi chưa có bằng tốt nghiệp. Nhưng Hoàn chưa dừng lại. “Mình muốn làm chủ cuộc sống của mình và đang tìm kiếm cơ hội để ra biển lớn. Khi tay nghề đã cứng cáp, mình muốn được đi xa hơn, làm việc trong môi trường chuyên nghiệp hơn ở nước ngoài. Có thử lửa mới thành công và mình tin là sẽ làm được”, Hoàn chia sẻ.
Có cuộc sống tốt đẹp hơn
Dự án 39 tỉ đồng
Dự án dạy nghề cho thanh niên có hoàn cảnh khó khăn tại Hà Nội được triển khai tại Trường CĐ Nghề công nghiệp Hà Nội và Trường CĐ Xây dựng công trình đô thị từ tháng 9.2015 - 6.2018 với tổng ngân sách hơn 39 tỉ đồng. Gần 500 học sinh có hoàn cảnh khó khăn được đào tạo trình độ trung cấp và sơ cấp các nghề: hàn, đường ống công nghệ, công nghệ ô tô, sửa chữa khung thân vỏ xe ô tô. Theo khảo sát, 62% học viên sau 4 tháng đi làm có thu nhập ổn định với mức lương trên 5 triệu đồng/tháng
“Nếu không có khóa học này thì mình chẳng biết sẽ làm gì”, Lò Văn Thanh, chàng trai 21 tuổi ngụ xã Chiềng La (H.Thuận Châu, Sơn La) bộc bạch. Gia đình Thanh thuộc diện hộ nghèo của xã. Học xong THPT, không có việc làm, Thanh chỉ quanh quẩn ở nhà phụ giúp bố mẹ làm đồng áng. Khi xã thông báo tuyển sinh học nghề, Thanh đăng ký lớp học kỹ thuật đường ống. “Sau khóa học, tôi được nhận vào làm cán bộ trạm cấp nước của xã. Công việc gần nhà lại có thu nhập ổn định. Tương lai của tôi đã thay đổi, gia đình tôi sẽ có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Trước đây, tôi chưa từng nghĩ sẽ đi học tiếp, nhưng giờ giấc mơ đã thành hiện thực”.
Hoàn và Thanh chỉ là 2 trong số 500 thanh niên có hoàn cảnh khó khăn đến từ các tỉnh miền Bắc và miền Trung được hỗ trợ đào tạo nghề. Theo bà Sharon Kane, Giám đốc quốc gia của Tổ chức Plan International VN, học sinh tham gia các khóa học được hỗ trợ hoàn toàn học phí, học bổng, tài liệu học tập, đồ bảo hộ lao động. Những học sinh có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ kinh phí thuê nhà ở, tiền ăn, tiền đi lại… Ngoài các kỹ năng nghề, các em còn được trang bị những kỹ năng cơ bản về an toàn lao động và các kỹ năng sống cần thiết để phát triển bản thân và sẵn sàng làm việc.
“Qua dự án này, chúng tôi thấy các bạn thanh niên có hoàn cảnh khó khăn có nhu cầu rất cao về học những khóa nghề có chất lượng. Chúng tôi giúp các em có cơ hội học nghề, tạo thu nhập và thay đổi cuộc sống tốt đẹp hơn cho chính các em và gia đình mình”, bà Sharon Kane nói.
Không chỉ mang lại cơ hội việc làm và cuộc sống tốt đẹp hơn cho thanh niên có hoàn cảnh khó khăn, chương trình còn giúp các trường xây dựng cơ sở vật chất, giáo trình đào tạo, xây dựng mạng lưới liên kết với hơn 100 doanh nghiệp, phục vụ việc gắn kết đào tạo với yêu cầu thị trường và doanh nghiệp.
Ông Phạm Đức Vinh, Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghiệp Hà Nội, cho biết: “Kết quả của dự án rất khả quan, 90% học sinh tốt nghiệp được doanh nghiệp tiếp nhận. Chúng tôi mong muốn kết quả của dự án sẽ được nhân rộng, tạo điều kiện nhiều hơn nữa để thanh niên và người lao động có hoàn cảnh khó khăn được tham gia các chương trình đào tạo, bồi dưỡng nâng cao tay nghề, kỹ năng mềm, tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.