Ngày 4.12, Viện Pasteur TP.HCM tổ chức hội nghị tăng cường phòng, chống dịch năm 2024 khu vực phía nam. Tại hội nghị, các đơn vị y tế cùng chia sẻ về tình hình dịch bệnh, những khó khăn, thách thức đặc biệt là dịch bệnh sởi.
Số ca sởi tăng gấp 50 lần so với năm trước
Tại hội nghị, ThS-BS Lương Chấn Quang, Trưởng khoa Kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật, Viện Pasteur TP.HCM, cho biết tính đến ngày 2.12, số ca mắc sởi ở khu vực phía nam tăng gấp 56 lần so với cùng kỳ năm 2023.
Cụ thể, tính đến ngày 2.12 ghi nhận có 19.042 ca sởi, 7 ca tử vong (cùng kỳ năm ngoái có gần 300 ca mắc và không có ca tử vong). Trong đó, nhóm trẻ từ 1 - 5 tuổi, 6 - 10 tuổi có tỷ lệ mắc cao nhất chiếm 60%.
Về tình hình dịch bệnh sởi các tỉnh thành khác, bác sĩ Quang cho hay, thời gian qua Đồng Nai và Bình Dương là 2 tỉnh có số ca mắc sởi tăng rất nhanh, TP.HCM và Cà Mau tăng nhẹ.
Có thể thấy, số ca sởi tăng nhanh là do có tỷ lệ không nhỏ trẻ chưa tiếp cận được vắc xin; một số trạm y tế không nắm số trẻ còn sót, chỉ mời tiêm rộng rãi theo danh sách có sẵn mà chưa thực sự “đi từng ngõ, gõ từng nhà”...
Với ca tử vong do sởi mới nhất, ThS-BS Lương Chấn Quang thông tin, qua điều tra dịch tễ, bệnh nhân 3 tuổi, không có tiền sử mắc bệnh nào đã bỏ lỡ 3 lần tiêm vắc xin. Theo đó, lần 1 do Covid-19 nên bệnh nhân không đến trạm y tế được, lần 2 thì đến không đúng lịch và lần 3 thì phụ huynh không sắp xếp được thời gian đưa trẻ đi tiêm.
Do đó, việc cần thiết nhất hiện nay là rà soát lại trẻ chưa tiêm trong cộng đồng, trẻ chưa tiêm ở trường học và trong các đợt trước để tiêm bù. Đồng thời, kiểm soát nhiễm khuẩn tại tất cả các cơ sở khám chữa bệnh, ổ dịch trong trường học để tránh lây lan chéo…
Mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận gần 100 ca sởi
Tại hội nghị, TS-BS Ngô Ngọc Quang Minh, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết khoa nhiễm của bệnh viện trung bình mỗi ngày tiếp nhận khoảng 80 ca mắc sởi. Trong đó, 70% số bệnh nhân là từ các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An…
“Trường hợp nào đủ điều kiện nhập viện hãy nhập viện, trường hợp nào nhẹ thì có thể điều trị ngoại trú, theo dõi qua y tế cơ sở. Cần phân tuyến để hạn chế tối đa việc chuyển tuyến gây lây lan ở bệnh viện”, bác sĩ Minh nói.
Về việc tại sao độ phủ vắc xin 100% nhưng số ca mắc sởi vẫn cứ tăng, TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho rằng qua rà soát nhiều khu vực tiếp giáp các tỉnh thành khác, khu công nghiệp có lượng người di cư rất lớn. Vẫn còn bỏ sót một lượng lớn trẻ theo gia đình di chuyển nơi ở thường xuyên, chưa khai báo.
Ngoài ra, số lượng trẻ mắc sởi từ các tỉnh thành khác nhập viện điều trị gấp đôi trẻ mắc ở TP.HCM. Trong tuần 48, ghi nhận có 319 ca mới ở TP.HCM, các bệnh viện tiếp nhận 574 bệnh nhân đến từ các tỉnh thành khác.
Đại diện Sở Y tế các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và Cà Mau cho biết, khó khăn lớn nhất là chưa có sự phối hợp giữa chính quyền địa phương và ngành y tế; nhân lực ngành y tế còn ít; số lượng trẻ di cư không khai báo nhiều; gia đình còn thờ ơ việc tiêm vắc xin cho con. Sở Y tế tỉnh Cà Mau cho hay, thiếu vắc xin tiêm chủng…
Ngoài dịch bệnh sởi, tại hội nghị các chuyên gia cũng lưu ý về cúm gia cầm. Theo đó, sau 10 năm từ 2014, Việt Nam ghi nhận lại 1 ca bệnh cúm gia cầm trên người. Hiện cả nước có 14 ổ dịch cúm gia cầm, trong đó tại khu vực phía nam có 9 ổ dịch tại 5 tỉnh.
Bình luận (0)