Không biết bé Vân nghe ở đâu mà một hôm bỗng lẩm nhẩm hát “Biên cương lá rơi Thu Hà em ơi... đường dài mịt mùng em không đến nơi...”. Câu hát của con khiến tôi bàng hoàng.
Chạy vào căn phòng cũ của Tiến, tôi lục lọi rồi lôi ra mấy cái đĩa hát bám đầy bụi, lau sạch rồi chọn một cái cho vào máy hát. Một giọng hát thật ngọt ngào vang lên “em đi lấy chồng về nơi xứ xa, đêm ru điệu hát câu hò trên môi. Miền Tây xanh sắc mây trời, phù sa nước nổi người ơi đừng về...”. Những bài hát hay thế, đẹp thế mà sao đến giờ tôi mới nhận ra?
Chuyện xảy ra mới đây thôi chứ có xa xôi gì đâu...
“Thôi, đủ rồi!”- tôi nói như quát lên và đưa tay gạt cái thùng loa. Những âm thanh ngọt ngào của bài Dạ Cổ Hoài Lang tắt ngấm. Thay vào đó là tiếng lộp bộp, loảng xoảng của mấy cái loa và hộp đĩa bị rơi xuống sàn nhà. Anh sững sờ: “Em sao vậy?”. “Anh dẹp ngay những thứ đó cho tôi nhờ! Thời này là thời nào rồi mà anh vẫn ôm mấy bài cải lương chết dẫm đó? Đang bực bội muốn chết đây”. “Em lạ quá...”. Tiến lẩm bẩm rồi cúi xuống lượm mọi thứ để lại chỗ cũ.
|
Bé Vân đứng ở cửa lấm lét nhìn cha mẹ. Có lẽ con bé không hiểu sao mẹ nó cứ hay la toáng lên như vậy, còn ba thì lại thích những bài hát thật êm, thật buồn, những bài hát mà mỗi khi theo ba về Nội, nó lại thấy ba và mấy chú vừa uống rượu, vừa đàn hát suốt đêm…
Sau bữa đó, Tiến mua một cái headphone. Anh không muốn làm phiền vợ con nhưng cũng không muốn đánh mất niềm vui của mình. Hơn 30 năm qua kể từ lúc lọt lòng, những câu hát ấy đã thấm đẫm vào từng đường gân thớ thịt của anh rồi, làm sao mà dứt ra cho được? Tôi biết điều đó nhưng không cưỡng lại mình khi trút giận lên anh vì những lý do khác. Đó là vì công việc làm ăn của tôi đang khó khăn trong khi anh vẫn cứ say sưa với những đề tài nghiên cứu vô bổ.
Những giọt nước đang từ từ làm cho cái ly rạn nứt giữa hai vợ chồng ngày càng đầy lên kể từ khi anh có cái headphone. Gắn nó vào tai, anh vừa nghe cải lương, vừa chấm bài một cách say sưa; bỏ ngoài tai tất cả sự tức giận của vợ. Những lời nói của tôi như rơi vào khoảng không. Chỉ đến khi tôi dứt cái headphone khỏi tai anh thì Tiến mới giật mình quay lại. Tôi hét lên: “Anh muốn em tức chết phải không? Tại sao anh có ở nhà mà em gọi hoài anh không thèm trả lời?”. “Anh không nghe”- Tiến thật thà.
Câu trả lời của anh như đổ thêm dầu vào lửa. Tôi rút phích cắm của cái tai nghe, dùng hết sức đập mạnh vào tường. Cứ tưởng Tiến sẽ nổi giận, nhưng thật lạ lùng là anh vẫn điềm tĩnh: “Em có chuyện gì, nói đi?”. “Em muốn anh đồng ý bán bản quyền sáng chế máy gặt lúa. Người ta đã trả đến 500 triệu đồng”. Anh khẽ nhíu mày: “Nếu anh không đồng ý thì sao? Anh đã hứa tặng nó cho một công ty để họ chế tạo và bán rẻ cho bà con dưới quê mình”.
Anh bảo đó là một sự trả ơn mảnh đất đã sinh ra mình. Còn đối với tôi, không có suy nghĩ nào điên rồ, ngớ ngẩn hơn. Tôi dằn giọng: “Anh phải đồng ý. Em đang cần thêm vốn để trữ hàng Tết. Nếu anh không đồng ý, em thế chấp nhà để vay tiền ngân hàng”. Sau “tối hậu thư” đó, anh trầm ngâm giây lâu: “Được. Em chờ anh vài hôm để anh tính lại”. Tôi thấy lòng nhẹ hẳn và thầm nghĩ, thằng cha Hai Lúa này ít ra cũng còn có chỗ để thương…
Công bằng mà nói, ngày mới quen nhau, tôi cũng biết anh thích hát cải lương, thích những câu hò điệu lý của vùng đồng chua nước mặn Kiên Giang quê mình. Anh đi đâu cũng kè kè cái đài để lúc nào rảnh rỗi lại mở ra nghe ca nhạc cải lương hoặc dân ca Nam Bộ. Thật lòng, tôi yêu anh vì anh là Hai Lúa rặt ròng, không mồm mép ba hoa như mấy gã trai thành phố.
Thế nhưng, khi cưới nhau rồi, mọi việc bỗng thay đổi, nhất là từ lúc tôi mang thai. Khi đó, anh chỉ toàn phải lén nghe cải lương, dân ca 1 mình vì mỗi lần mở đài ra là tôi lại khó chịu: “Thời này là thời nào mà anh còn mê cải lương?”. “Thì cũng giống như em mê nhạc mới thôi mà”- anh cười xòa. “Anh đừng có so sánh với em. Bây giờ chẳng còn được mấy người dở hơi như anh”- tôi lại nói như hét. Đến đây thì Tiến giận thật. Anh đem cái casettese bỏ vô tủ khóa lại.
Nhưng chỉ được vài hôm anh lại thấy buồn. Đi dạy thì thôi, về tới nhà không nghe cải lương, anh lại bức bối khó chịu. Anh lại lấy cái máy hát ra. Và những lúc ấy thì tôi lại giận dỗi bỏ ra khỏi nhà…
Bé Vân lớn lên trong những câu hò, điệu lý, những bài vọng cổ của cha. Cứ mỗi lần dỗ con ngủ, anh hết hát “biên cương lá rơi Thu Hà em ơi...” lại ru “chiếu Cà Mau nhuộm màu tươi thắm...”. Tôi nghe những câu hát ấy như những mũi kim nhọn chích vào tai và nhìn anh như người đến từ hành tinh khác.
Đến bây giờ, chính tôi vẫn không hiểu tại sao mình lại thay đổi như vậy. Có lẽ một phần là vì những mối quan hệ mới của tôi, những người bạn mà tôi giao du khi làm ăn thuộc về một thế giới khác. Đó là nhà hàng, quán bar, vũ trường… Đi cùng với họ, tôi bỗng thấy anh chồng giáo viên của mình cù lần đến mức không chấp nhận được.
Rồi việc gì phải đến, đã đến. Câu trả lời của anh là một lá đơn ly hôn. Tòa đã mời hòa giải nhiều lần nhưng anh vẫn lắc đầu. Gần đây, anh đã dọn ra ở riêng. Trước khi đi, anh ôm con vào lòng, mắt rưng rưng: “Xin lỗi con. Lần này ba đi hơi lâu... Con ở nhà ngoan ngoãn, nghe lời mẹ. Có thể sau này cha con mình không còn được sống bên nhau, nhưng ba yêu con... ba rất yêu con...”.
Tòa lại gọi.
Và thôi lại thắc thỏm.
Có lẽ là quá muộn để làm anh thay đổi ý định ly hôn của mình...
Theo Người Lao Động
Bình luận (0)