Buổi chiều đứng ở cổng cơ quan xem họ ra về lúc mấy giờ. Bạn sẽ thấy phần đông là đi muộn về sớm, có mặt ở cơ quan thì cũng trà lá, chè thuốc, tán chuyện, người thực làm việc rất ít”. Tôi chưa thử điều tra, nhưng tin điều này là đúng. Bởi hàng xóm nhà tôi có anh chồng là công chức một bộ, đêm nào cũng thấy chong đèn làm việc rất khuya, hỏi: nhiều việc thế à? Bạn ấy thật thà bảo: việc không nhiều nhưng em phải mang về nhà làm, đến cơ quan anh em toàn uống nước chè, tán gẫu, rồi dắt nhau đi nhậu, mình mà làm việc lại bị đánh giá là “thích thể hiện”!
Điều này cũng phù hợp với thừa nhận của ông Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, được báo chí đăng tải, rằng 30% công chức tỉnh này chỉ “có mặt để lãnh lương”, 30% còn lại làm việc cầm chừng. Con số này cũng từng được một đại biểu Quốc hội đưa ra chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ tại phiên điều trần tại Thường vụ Quốc hội hồi tháng 3. Tuy nhiên, cả ông Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp và ông Bộ trưởng Bộ Nội vụ đều không đề cập đến việc giải quyết thế nào đối với 30% công chức kể trên.
Có một nghịch lý rằng, trong khi số cán bộ, công chức tự ý bỏ việc ngày càng nhiều vì đãi ngộ thấp thì việc đưa một công chức yếu kém ra khỏi hệ thống lại không đơn giản.
Nghị định 132/2007/NĐ-CP quy định đối tượng tinh giản biên chế là cán bộ, công chức, viên chức chưa đạt trình độ chuẩn theo quy định của vị trí công việc đảm nhận. Nhưng dựa trên cơ sở nào để đánh giá trình độ của cán bộ, công chức lại là vấn đề nan giải. Hầu hết cán bộ, công chức đều có bằng cấp hẳn hoi nhưng chất lượng bằng cấp đến đâu là điều khó xác định. Quy định công chức 2 năm liền không hoàn thành nhiệm vụ sẽ bị tinh giản cũng không thực tế. Hiệu quả làm việc thì kém như vậy nhưng hầu hết cán bộ, công chức khi đánh giá đều phân loại tốt, hoàn thành nhiệm vụ.
Theo báo cáo của Vụ Tổ chức - Biên chế (Bộ Nội vụ), 4 năm thực hiện tinh giản biên chế nhà nước (2007-2011), giải quyết tinh giản được hơn 50.000 người. Nhưng sau khi thực hiện tinh giản biên chế, bộ máy hành chính không những không giảm mà còn tăng thêm 25%, đưa số biên chế công chức hành chính cả nước lên tới 260.000 người.
Làm một phép tính đơn giản, với khoảng 30% (gần 80.000 người) cán bộ, công chức “ngồi mát” hưởng lương, với mức lương tối thiểu hơn 1 triệu đồng/tháng, thì mỗi năm nhà nước thiệt hại gần 1.000 tỉ đồng. Đó là những thiệt hại nhìn thấy, còn những thiệt hại không nhìn thấy hoặc chưa nhìn thấy thì không thể kể hết.
Câu chuyện đặt ra là cần tinh giản biên chế đối với những công chức lười biếng suy nghĩ, ít động não để đỡ lãng phí ngân sách nhà nước, có tiền trả lương xứng đáng cho những công chức làm việc thật sự. Đành rằng, cải cách con người là một việc khó, lâu dài nhưng không thể không làm vì với 30% công chức chỉ có mặt, ghi tên lĩnh lương thì không thể có một nền công vụ tốt.
An Nguyên
Bình luận (0)