TNO

Cỗ máy phá rừng của Mỹ thời chiến tranh Việt Nam

18/09/2015 06:00 GMT+7

(Tin Nóng) Thời chiến tranh Việt Nam, quân đội Mỹ ngoài việc dùng chất khai quang làm rụng lá cây, còn sử dụng cả những cỗ máy phá rừng “khủng” san bằng hàng loạt cánh rừng để đối phó với quân giải phóng.

(Tin Nóng) Thời chiến tranh Việt Nam, quân đội Mỹ ngoài việc dùng chất khai quang làm rụng lá cây, còn sử dụng cả những cỗ máy phá rừng “khủng” san bằng hàng loạt cánh rừng để đối phó với quân giải phóng.

Cỗ máy phá rừng của Mỹ thời chiến tranh Việt Nam - ảnh 1
Cỗ máy phá rừng của LeTourneau lúc thử nghiệm tại miền Nam Việt Nam - Ảnh: Quân đội Mỹ

Theo warisboring ngày 16.9, năm 1968, quân đội Mỹ nhận 2 cỗ máy phá rừng từ công ty LeTourneau và gửi chúng sang miền Nam Việt Nam. Lúc này lính Mỹ đã tràn ngập miền nam Việt Nam, và Lầu Năm Góc nhận thấy rằng cần phải phá huỷ các cánh rừng vốn là nơi trú ngụ và che chở quân giải phóng miền Nam.

“Các chỉ huy quân đội Mỹ sớm nhận ra rằng các cánh rừng là nơi thuận lợi che giấu hoạt động và vũ khí của quân giải phóng và bộ đội miền Bắc. Từ tháng 1.1965 tướng William Westmoreland yêu cầu bộ tham mưu của ông tìm cách khai quang các khu rừng”, thiếu tướng lục quân Mỹ Robert Ploger viết trong tài liệu Nghiên cứu Việt Nam: Các kỹ sư công binh Mỹ 1965-1970.

Trước khi những cỗ máy phá rừng này tới, Bộ Chỉ huy Mỹ tại Việt Nam (MACV) đã triển khai kế hoạch khai quang rừng Việt Nam. Trực thăng của lục quân và máy bay của không quân Mỹ phun thuốc diệt cỏ và sau đó thả bom lửa để đốt sạch lá cây.

Trên mặt đất, các đơn vị cơ giới đặc biệt sử dụng những chiếc máy ủi với lưỡi xúc khổng lồ gọi là Rome Plows do công ty Rome ở bang Georgia chế tạo để ủi cây cối. Còn các toán lính dùng cưa máy cưa các cây cối nhỏ, và đối mặt nguy cơ bị bắn tỉa.

Công ty LeTourneau thành lập năm 1929, chuyên về máy móc xây dựng, đốn gỗ. Bất chấp sự ủng hộ của các kỹ sư, ban đầu MACV ngần ngại trước việc sử dụng máy phá rừng của công ty này tại khu vực chiến tranh, theo ông Ploger.

Được thiết kế cho các công ty khai thác gỗ dân sự, các cỗ máy nặng 60 tấn của LeTourneau có ba "bánh xe" do 6 lưỡi xúc tạo nên, gồm hai “bánh” ở phía trước của cabin và một ở phía sau. Khi cỗ máy phá rừng này tiến về phía trước, một thanh đẩy lớn sẽ dùng sức mạnh của cỗ máy để làm gãy cây, và sau đó các bánh xe - lưỡi xúc sẽ xắn nát các thân cây, san bằng các bụi cây nhỏ.

MACV lo lắng về khối lượng và sự chậm chạm của cỗ máy này sẽ làm cho họ thiếu trang bị để chống lại các mối nguy hiểm từ các khu rừng Việt Nam - đặc biệt là du kích và quân giải phóng có thể bắn vào người điều khiển xe.

Tuy nhiên, các chỉ huy Mỹ đã hào hứng với giải pháp mới và nhanh hơn này để san bằng những khu rừng nhiệt đới. Ngay cả các loại thuốc diệt cỏ nhanh nhất cũng phải mất vài ngày mới cho hiệu quả tối đa, và có thể bị cuốn trôi trong mưa lớn.

Bộ chỉ huy tiếp vận số 1, đơn vị tiếp vận chính của quân đội Mỹ ở Nam Việt Nam, cuối cùng đạt được một sự thỏa hiệp. Thay vì mua bất kỳ loại xe chuyên dụng nào, nhánh chiến đấu mặt đất của họ chỉ đơn giản là thuê hai cỗ máy nghiền cây từ công ty LeTourneau và thử nghiệm chúng gần một năm.

Tháng 7.1967, quân đội Mỹ cho dùng cỗ máy nghiền cây này để khai quang địa hình xung quanh Long Bình, ở phía đông bắc của Sài Gòn. Ba tháng sau đó, hai cỗ máy này được Tiểu đoàn công binh 93 sử dụng ở gần Bến Cát.

Trong thời gian thử nghiệm, hai cỗ máy phá rừng này đã xóa hơn 2.000 mẫu đất xung quanh căn cứ Long Bình (1 mẫu Anh, bằng 0,4 hecta). Và sau khi được biên chế vào Tiểu đoàn công binh 93, hai con quái vật này còn ủi bay thêm 1.200 mẫu nữa ở khu vực xung quanh đó.

Cây cối có đường kính thân lên đến gần 1 m và cao đến 15 m ít gây trở ngại lắm cho cỗ máy nghiền cây này, còn các bụi rậm và và cây có đường kính khoảng 30 cm chẳng là gì so với chúng, theo báo cáo của tiểu đoàn công binh 93.

Trong điều kiện bình thường, một cỗ máy nghiền cây này có thể phá 4 mẫu rừng (1,6 ha)/giờ, tức 32 mẫu cho một ngày làm 8 tiếng. Trong khi đó một đội quân phá rừng tiêu chuẩn của lục quân Mỹ với 30 xe ủi đất Rome Plow chỉ phá 150 - 200 mẫu/ngày, tức mỗi xe ủi chỉ phá ít hơn 7 mẫu/ngày, theo ông Ploger.

Cỗ máy phá rừng của Mỹ thời chiến tranh Việt Nam - ảnh 2
Cỗ máy này đi đến đâu là cây cối gục ngã và bị quét sạch đến đó - Ảnh: Quân đội Mỹ
Cỗ máy phá rừng của Mỹ thời chiến tranh Việt Nam - ảnh 3
Sơ đồ một cỗ máy phá rừng của LeTourneau - Ảnh: Quân đội Mỹ

Nhưng cỗ máy phá rừng của LeTourneau còn lâu mới hoàn hảo cho công việc. Dáng cao lênh khênh của nó trở thành một mục tiêu hoàn hảo cho đối phương nhắm bắn. Nếu hệ thống nước làm mát bị hư hỏng, động cơ sẽ không làm việc. Hệ thống điện được bố trí theo cách dễ dàng bị vô nước.

Và cỗ máy phá rừng hạng nặng này bị mắc kẹt trong các vùng đầm lầy, rừng... rất nhiều lần. Xe tải gắn cần cẩu khó có thể kéo chúng ra khỏi bùn. Các chuyên viên quân đội Mỹ cho rằng loại xe tăng công binh M-88 sẽ làm điều này tốt hơn.

Còn tổ lái thì chẳng được bảo vệ khi bị tấn công vì chẳng có vũ khí suốt 5 tháng đầu tiên triển khai phá rừng.

Đến tháng 4.1968, các kỹ sư trả lại hai cỗ máy phá rừng này cùng 1 danh sách gợi ý các cải tiến. Theo đó họ đề nghị bánh xe cấu tạo bằng 12 mấu đa chiều để di chuyển dễ trên địa hình gồ ghề, khung xe hạ thấp xuống, động cơ làm mát bằng không khí, dây điện bố trí lại để tránh chập mạch. Quan trọng hơn, xe nên gắn 1 khẩu đại liên trên nóc, mìn Claymore gắn hai bên thân xe để khi cần thì kích nổ cho bắn ra hàng trăm viên bi thép về phía đối phương phục trong các bụi rậm hai bên đường.

Nhưng MACV và Lục quân Mỹ không thích thú lắm. Thay vào đó họ quan tâm việc rải chất độc màu da cam xuống các khu rừng vì cách này vừa rẻ lại dễ làm. Còn xe ủi cứ tiếp tục ủi các bụi rậm dưới đất.

Công ty LeTourneau tiếp tục sản xuất các máy nghiền cây và khai mỏ sau đó. Đến năm 2011, công ty này được bán lại cho công ty Joy Global của Trung Quốc và Joy chẳng sản xuất thêm chiếc máy phá rừng nào nữa.

Xem cỗ máy phá rừng của LeTourneau lúc thử nghiệm tại miền Nam Việt Nam:

Anh Sơn

>> Mỹ từng dùng trực thăng vận tải làm pháo đài bay tại VN
>> Tiêm kích MiG-21: Khẩu AK biết bay
>> Hồ sơ: Bãi đáp trực thăng trên cây trong chiến tranh Việt Nam
>> Hồ sơ: Tù binh Mỹ ở Hoả Lò liên lạc ra ngoài như thế nào
>> Vũ khí Nga trong cuộc kháng chiến chống Mỹ tại Việt Nam
>> Hồ sơ: CIA từng dùng trực thăng siêu êm đột nhập Vinh
>> Hồi ức phi công trực thăng UH-1 Mỹ về chiến tranh Việt Nam
>> Quân đội Mỹ tiết lộ bị đĩa bay tấn công trong chiến tranh Việt Nam
>> Hải quân Mỹ từng triển khai 100 đầu đạn hạt nhân ở Vịnh Bắc bộ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.