Có một dòng nhạc Hà Nội mang tên Phú Quang

Ngọc An
Ngọc An
09/12/2021 07:00 GMT+7

Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long nhìn nhận, không quá lời khi nói có một dòng nhạc Hà Nội mang tên Phú Quang.

Một cách kỳ lạ, nhạc sĩ Phú Quang bắt đầu viết ca khúc về Hà Nội và viết mỗi lúc một da diết hơn kể từ lúc ông đi xa Hà Nội.

Viết cho nỗi nhớ Hà Nội

Bước vào con đường nghệ thuật với cây kèn cor cùng sự dìu dắt của hai người anh trai, khi đã là một nghệ sĩ kèn cor xuất sắc của Nhà hát Giao hưởng - Hợp xướng - Nhạc vũ kịch Việt Nam (bây giờ là Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam), Phú Quang vẫn muốn trở thành nhạc sĩ. Ông tiếp tục theo học chỉ huy và sáng tác. Vài năm sau khi tốt nghiệp, ông quyết định chuyển vào TP.HCM (năm 1986).

Nhạc sĩ Phú Quang

FACEBOOK NHẠC SĨ

Theo nhạc sĩ Phú Ân, anh trai nhạc sĩ Phú Quang, vào thời điểm đó, nhạc sĩ Phú Quang cảm thấy không thoải mái trong môi trường có nhiều ganh ghét, đố kỵ với mình nên ông quyết định vào Nam. “Phú Quang sáng tác nhiều đề tài về thanh niên, quê hương. Nhưng sau này, nỗi nhớ Hà Nội, nhớ bố mẹ, anh chị em, bầu bạn… khiến Phú Quang viết triền miên về Hà Nội”, nhạc sĩ Phú Ân nói. Nhà thơ Nguyễn Thụy Kha cho rằng: “Dòng chảy âm nhạc về Hà Nội trong Phú Quang bắt đầu tuôn trào từ lúc đó. Và những tình khúc về Hà Nội lại trở thành điểm đặc trưng trong sự nghiệp sáng tác của anh”.

Ca khúc đầu tiên nhạc sĩ Phú Quang viết về Hà Nội là Em ơi! Hà Nội phố, phổ thơ Phan Vũ. “Phan Vũ là anh bạn thân của chúng tôi. Lúc đọc bài thơ này của Phan Vũ, Phú Quang xúc động lắm và hứa: Em sẽ viết cho nỗi nhớ Hà Nội của anh và của em. Sau ca khúc đầu tiên về Hà Nội này, với sự tích lũy của bản thân và tình cảm chân thật với Hà Nội mà Phú Quang viết càng sâu nặng hơn”, nhạc sĩ Phú Ân nói.

Nghệ sĩ nghẹn ngào tiễn biệt nhạc sĩ Phú Quang

Ca sĩ Tấn Minh, người đã gắn liền tên tuổi với nhiều ca khúc của nhạc sĩ Phú Quang và cũng là nam ca sĩ được nhạc sĩ đặt nhiều lòng tin khi hát tác phẩm của ông, bày tỏ: “Hát nhạc Phú Quang, tôi cảm thấy rõ chất Hà Nội. Đó cũng là điều tôi nhận thấy ở ông, một người trai Hà Nội thanh lịch”. Theo nhìn nhận của nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long, những ca khúc về Hà Nội của Phú Quang có thể tạo nên màu sắc âm nhạc riêng, rõ nét là bởi ông đã tạo nên dấu ấn mạnh mẽ trong những mô típ âm nhạc, phương thức, bố cục trong ca khúc của mình.

Sau những năm tháng xuôi ngược ở đất Sài thành, nhạc sĩ Phú Quang trở về Hà Nội vào năm 2008, khi ông 59 tuổi. Đó là khi ông đã thỏa nguyện mong muốn mà lúc sinh thời nhạc sĩ từng chia sẻ với Thanh Niên: “Hà Nội là nơi mà tôi yêu mến nhất trong cuộc đời. Dù đến nơi đâu, tôi cũng chỉ muốn về sống tại Hà Nội”.

Nhạc sĩ Phú Quang và ca sĩ Tấn Minh

Thơ ca và giai nhân

Bên cạnh ca khúc Em ơi! Hà Nội phố phổ thơ Phan Vũ, nhiều ca khúc nổi tiếng của Phú Quang cũng được phổ thơ như: Hà Nội ngày trở về (thơ Thanh Tùng), Nỗi nhớ mùa đông (thơ Thảo Phương), Đâu phải bởi mùa thu (thơ Giáng Vân), Dương cầm lạnh (thơ Dương Tường), Một dại khờ một tôi (thơ Nguyễn Trọng Tạo), Im lặng đêm Hà Nội (thơ Phan Thị Ngọc Liên)… Nhà thơ Nguyễn Thụy Kha nhìn nhận, phổ nhạc cho thơ chính là điều tạo nên sự khác biệt cho âm nhạc của Phú Quang. Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long cho rằng: “Chỉ là từ một ý thơ, một vài câu thơ, hay chỉ là nhặt tứ trong trường ca, với những rung cảm riêng, ông phát triển thành một ca khúc và lại mang màu sắc riêng của mình. Đó là cái tài của Phú Quang”.

Sinh thời, nhạc sĩ Phú Quang từng chia sẻ: “Nếu không có mẹ, không có giai nhân, không có tình yêu… thì nhạc sĩ như tôi khó có cảm hứng để cho ra đời những tình khúc”. Và, có lẽ cũng bởi vậy, hình ảnh của những người phụ nữ xuất hiện nhiều trong âm nhạc của Phú Quang. “Có thể hình ảnh này không nổi bật bằng hình ảnh Hà Nội nhưng lại là điểm thú vị trong âm nhạc Phú Quang”, ông Nguyễn Quang Long nói và lý giải: “Nhắc đến Phú Quang người ta thường hay nghĩ đến chất thanh lịch, phố phường, đô thị nhiều hơn, nhưng trong nhiều ca khúc, ông đã gắn hình ảnh người phụ nữ với những nét truyền thống, chẳng hạn như câu hát: Yếm rách còn ngăn được gió, tình em dang dở, yếm nào che/Thương lắm tóc dài ơi, cánh chim chiều đã mỏi (bài Thương lắm tóc dài ơi)”.

Một điểm nữa, theo ông Long, là hình ảnh người phụ nữ trong âm nhạc Phú Quang mang nhiều tính tự sự. Ca sĩ Tấn Minh cho hay, nhạc sĩ Phú Quang thường lấy cảm hứng từ những người phụ nữ gắn bó với cuộc đời ông hoặc mang đến những trải nghiệm trong cuộc sống của ông. “Ông luôn tìm đến sự đẹp đẽ. Dù một số tác phẩm của ông đề cập sâu đến sự đau đớn, nhưng luôn có lối thoát và sự tích cực chứ không u uất. Đấy là vẻ đẹp âm nhạc của ông!”, ca sĩ nói.

Nhạc sĩ Phú Quang đã đi xa, trong lòng những người ở lại khôn nguôi niềm thương nhớ người “vội vã trở về, vội vã ra đi”. Tưởng như ông trở về Hà Nội vừa mới đây thôi mà đã lại vội ra đi. Nhưng có lẽ rằng khi bất chợt nghe tình khúc Hà Nội của Phú Quang, người ta sẽ vẫn cảm thấy như “người nghệ sĩ vẫn lang thang hoài trên phố…”.

Nhạc sĩ Phú Quang sinh năm 1949, quê ở H.Thạch Thất (Hà Nội), tên đầy đủ là Nguyễn Phú Quang.

Theo chia sẻ của bà Trịnh Anh Thư, vợ nhạc sĩ Phú Quang, ông qua đời lúc 8 giờ 45 ngày 8.12 tại Bệnh viện Việt - Xô (Hà Nội) sau thời gian lâm bệnh nặng. Từ khoảng tháng 3.2020, ông bị biến chứng tiểu đường, phải nhập viện và có tiên lượng xấu.

Nhạc sĩ Phú Quang đã có hơn 600 tác phẩm gồm cả ca khúc, tác phẩm giao hưởng, nhạc không lời, nhạc phim, nhạc múa, nhạc kịch… được phổ biến. Trong số những tác phẩm nổi tiếng của ông, có thể kể đến: Mẹ, Chiều phủ Tây Hồ, Em ơi! Hà Nội phố, Điều giản dị, Đâu phải bởi mùa thu, Mơ về nơi xa lắm, Nỗi nhớ mùa đông, Hà Nội ngày trở về…

Bà Trịnh Anh Thư mới đây đã làm hồ sơ đề nghị xét tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật cho chồng khi ông đang trên giường bệnh. 5 ca khúc của ông được đề nghị vinh danh gồm: Em ơi! Hà Nội phố, Điều giản dị, Hà Nội ngày trở về, Chiều phủ Tây Hồ, khí nhạc Solo Fute et orchestre Tình yêu của biển. Đây đều là những tác phẩm về Hà Nội.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.