Có một không gian giao thông

21/07/2013 03:05 GMT+7

Đó là nhận xét của không ít người trẻ khi đến quán cà phê Biển Báo, không gian nghệ thuật sắp đặt của nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Văn Mỹ, hội viên Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam.

Đó là nhận xét của không ít người trẻ khi đến quán cà phê Biển Báo, không gian nghệ thuật sắp đặt của  nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Văn Mỹ, hội viên Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam.

Cà phê Biển Báo (TP.Đà Nẵng) đã trở thành điểm hẹn thú vị của rất nhiều bạn trẻ Đà Nẵng. Giới trẻ không chỉ bị hấp dẫn bởi không gian ấn tượng, độc đáo với từng chi tiết sắp đặt mà còn bởi những thông điệp về văn hóa giao thông được chuyển tải một cách tự nhiên, sinh động và trẻ trung.

Bùi T.T.Duyên (Q.Thanh Khê, TP.Đà Nẵng) chạy xe hơn 15 km để đến “nghiên cứu” cho được những cái “độc” của quán. Sau một hồi xem những biển báo giao thông được sắp đặt công phu trong quán, Duyên phán xanh rờn: “Em có bằng lái xe từ năm 18 tuổi. Vậy mà đến gần 50% biển báo giao thông ở đây... em không biết rõ. Em nghĩ cũng có nhiều bạn giống như em. Ý thức giao thông của người trẻ khá hạn chế hèn gì tai nạn giao thông ở khắp nơi...”, Duyên chia sẻ.   

 Có một không gian giao thông
Bạn trẻ uống cà phê Biển Báo - Ảnh: A.D

Hải Hoàng (sinh viên Trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng) nói: “Quả thật, quán đã thu hút mình từ ý nghĩa, nội dung biển báo, rồi chuyện tiếu lâm về 3 màu của những chiếc đèn xanh, vàng, đỏ… cho đến chuyện có người không để ý biển báo, đi vào đường cấm và bị tai nạn”.

Từ những ám ảnh kinh hoàng bởi các vụ tai nạn giao thông đã thôi thúc nghệ sĩ Mỹ Dũng phải làm một “cái gì đó”. Và “cái gì đó” sau gần 1 năm thai nghén, thực hiện nay đã thành hình. Một đoạn xe buýt bỏ đi được ông chủ quán cải tạo thành một quầy pha chế đẹp mắt. 3 bộ đèn tín hiệu giao thông (được đích thân Giám đốc Sở GTVT TP.Đà Nẵng mang đến tặng) được các kỹ thuật viên lắp đặt và chuyển màu ấn tượng như đang đứng ở ngã tư đường. Những chiếc vô lăng ô tô trong bãi phế liệu được ông sáng tạo thành những chiếc bàn xoay độc đáo. Yên xe làm thành ghế ngồi. Lốp xe được sắp đặt thành những chiếc ghế nệm êm ái mà ai cũng muốn thử nghiệm… “Trừ những chiếc ly, tách, đĩa ra thì tất cả mọi thứ ở đây đều được tận dụng từ những chi tiết của các phương tiện giao thông đã hỏng. Tôi muốn tạo cảm giác thực sự quen thuộc để các bạn trẻ dễ dàng nhớ đến khi các bạn tham gia giao thông. Trong không gian này, từng chi tiết đều mang một thông điệp chung: Tham gia giao thông với ý thức cao và có văn hóa. Mỗi người trẻ đến đây sẽ có những cách tiếp nhận khác nhau nhưng chắc chắn không gian mở này sẽ tác động ít nhiều đến ý thức của các bạn. Bởi vì người trẻ thì họ thích tự do cảm nhận, không thích tuyên truyền, giáo điều và đặc biệt là áp đặt chủ quan”.

Ngay giữa quán có một chiếc lồng sắt "giam giữ" trong đó một tổ hợp những chiếc còi xe đa dạng về kích cỡ và chủng loại. Đây có lẽ là sản phẩm sắp đặt thu hút nhất, trực quan và sinh động nhất trong không gian cà phê Biển Báo. “Lạm dụng tiếng còi xe là một trong những biểu hiện kém văn hóa nhất trong giao thông ở Việt Nam. Người tham gia giao thông đôi khi chủ quan, lạm dụng chiếc còi, sử dụng còi xe một cách tùy tiện và gây ra những tai nạn đáng tiếc. Thử nghĩ, nếu một ngày, không có tiếng còi xe (hoặc có ít đi), có lẽ người ta sẽ ý thức hơn, cảnh giác hơn khi tham gia giao thông và hạn chế được tai nạn”, nghệ sĩ Mỹ Dũng chia sẻ. 

An Dy

>> Cập nhật hệ thống biển báo giao thông TP.HCM qua GPS
>> Biển báo gây nguy hiểm
>> Cắm biển báo để... cấm lâm tặc
>> Biển báo te tua
>> Biển báo lạ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.