Căn hầm trong vùng bom tọa độ - những rễ cây đứt còn ứ nhựa - chiếc radio cũ kỹ phát giọng rè rè - căn phòng lạnh lẽo ở Leningrad bị vây hãm - mẩu bánh mì khô khốc - cái đói quay từng cơn chóng mặt
Minh họa: Văn Nguyễn |
trên nền xám đen mùa đông năm bốn mốt
trên băng giá hồ Ladoga
những giọt nước mắt đông cứng lại
Tổ quốc
tôi nghe tất cả rừng bạch dương nước Nga vặn mình
Chín đợt bom B52 bừa qua chương đầu bản giao hưởng
lúc bộ gõ vang lên tiếng trống tiếng giày đinh phát xít
bấy giờ
Leningrad là cánh rừng tôi đang ở
mùa khô cây trút lá - một khoảng thưa thoáng vàng rực trong tranh Levitan - tiếng ve chói sắc ngay trên những hố bom còn khét lẹt
Tổ quốc
tôi vụt thấy đáy sâu quằn quại tâm hồn Nga
miệng núi lửa dưới tầng tầng tuyết phủ
mùa đông chậm chạp nặng nề
có lúc tưởng chừng không chịu nổi
gió rít trên những giàn treo cổ
bầy trực thăng quạt trốc từng địa hình
ngỡ mình đi qua mùa đông khủng khiếp ấy
cùng với nước Nga
và cùng chúng ta
bản giao hưởng lăn vào đạn bom hầm hào bùn đất
cuộc chiến tranh dài hơn bốn chương nhạc
nhưng cuộc đời còn dài hơn chiến tranh
tôi thấy cô gái ra bờ sông gánh nước
màu trời xanh tiếng chim sơn ca
hoa anh đào thân yêu bên những ngôi nhà gỗ
cứ mùa xuân đàn sếu lại bay về...
giai điệu ấy cần thiết như chén cơm mẩu bánh mì
cho những người đang đói
trong thành phố chín trăm ngày phong tỏa
trong những căn hầm dưới vùng bom tọa độ
âm nhạc của thiên tài chia sẻ
với ta cách giữ gìn ngọn lửa
với ta những giây phút đắng cay khốn khổ
trước khi đến những tràng pháo hoa vinh quang
Tổ quốc
không chỉ hiện lên trong chói lọi tiếng kèn đồng
mà giữa quãng lặng im
giữa hơi thở sâu thẳm của dàn dây
hay nhịp nhanh vũ điệu vòng tròn
tôi nghe một giọng trầm trầm day dứt
“Mất nước Nga thì ta còn sống làm gì...” (**)
(*) Giao hưởng số 7 còn gọi là giao hưởng Leningrad, tác phẩm bất tử của nhạc sĩ thiên tài
Xô viết Dmitri Shostacovich được sáng tác ngay trong thời kỳ khốc liệt nhất của cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại.
(**) Một câu trong bài viết nổi tiếng của Ilya Ehrenburg - văn hào Xô viết.
Bình luận (0)