Có một ‘Miền an yên’ như thế

24/08/2024 08:15 GMT+7

'Miền an yên' (NXB Hội Nhà văn, 2024) của Nguyễn Thị Thu Thủy là cuốn sách tập hợp những tản văn về tuổi thơ và một miền quê ngọt lành.

Ai cũng có một tuổi thơ, một nơi chốn để quay về. Quê hương, chỉ hai tiếng đó thôi đã đủ khơi gợi bao nhớ thương khắc khoải. Quê hương, nơi mỗi chúng ta đã trải qua những tháng ngày thơ bé êm đềm bên gia đình, người thân. Tất cả được gói gọn và cất giữ trong một ngăn hoài niệm, được gọi bằng những cái tên dấu yêu: Hồn quê, Miền ký ức, Góc nhớ… Tất cả đều là nơi chốn bình yên, nơi sinh ra và lớn lên để rồi sau những bôn ba mỏi mệt, đó cũng là nơi mỗi chúng ta ai cũng khao khát tìm về.

Với Miền an yên của Nguyễn Thị Thu Thủy, đó là những lần chơi trốn tìm quanh gốc rơm cuối vườn, là những lần nghịch ngợm đi móc trộm khoai rồi dùng đất sét bọc quanh chất rơm vào nướng mỗi khi ra đồng chăn trâu, giữ vịt. Là những buổi hoàng hôn trở về, nhìn những con cò bước lò dò, đơn độc, gầy guộc giữa cánh đồng xa…

Có một ‘Miền an yên’ như thế- Ảnh 1.

Bìa cuốn sách Miền an yên (NXB Hội Nhà văn VN, 2024) của tác giả Nguyễn Thị Thu Thủy

Thủy chia sẻ: Tuổi thơ là dòng sông kỷ niệm để mỗi khi quay về tôi soi mình vào đó, thấy cả một trời nhớ thương. Tôi trân quý thời ấu thơ bởi nơi ấy tôi được sống trong hoài niệm, được tìm về chút hương xưa, tìm lại niềm vui thời thơ dại… Để rồi tôi thêm yêu cuộc đời này, yêu những bình dị, ngọt lành mà một thời quê hương và tuổi thơ đã chắp cho tôi đôi cánh…

Đọc Miền an yên của Nguyễn Thị Thu Thủy, ta bắt gặp một con ngõ có rặng tre xanh rào rào trút lá, những đụn rơm vàng nơi chị mái mơ đẻ vội mấy quả trứng hồng hồng xinh xinh. Ta nghe mùi ổi chín sau vòm lá như giục đôi chân thoăn thoắt trèo để rồi mải níu cành hái trái to nhất, sơ ý ngã lộn phèo. Ta nghe mùi tóc con gái ngày xa xưa ấy thoang thoảng hương dứa khi thơ thẩn ra vườn sau nhặt nắm củi đun nồi nước gội đầu, hái chùm bồ kết nướng và cho vào đôi chiếc lá dứa. Ở đó ta như thấy lại bóng dáng mình chân trần trên cánh đồng chiều đuổi theo những cánh cò trong buổi hoàng hôn.

Con bé gầy gò đen nhẻm ngày xưa ấy bỗng một sớm mai thức dậy giật mình nhận ra vạt hoa cải trước nhà đã trổ bông, cái màu hoa vàng tưởng như chỉ khẽ chạm đã tan vào gió nhưng đi xa lại thành nỗi nhớ. Ta bắt gặp một mùa hoa xoan khẽ bừng lên trong sớm mai giăng giăng mưa bụi khi bông cúc cuối vườn đã rã cánh. Cái sắc hoa tim tím lặng lẽ và khiêm nhường ấy ta dễ dàng bắt gặp khắp đường làng, giữa những màu hoa rực rỡ. Mùa xoan về, tụi con nít trong làng lại rủ nhau nhặt những chùm quả rụng, những quả xoan màu vàng như nắng ấy lại là những trò chơi không thể thiếu của tuổi thơ miền thôn dã, chơi ô làng, ném hạt... Để rồi ta lại nhớ những ngày hè nắng cháy, khi cánh đồng đã cạn, ta cùng chúng bạn theo cha xuống đìa tát cá. Trong những thú vui ngày nắng của trẻ đồng quê ngoài những chiều đi bắt châu chấu, thả diều; những đêm trăng rộn ràng với các trò chơi đá banh, u mọi còn có thú bắt cá hôi ngày tát đìa. Những bữa ăn của trẻ đồng quê được cải thiện hơn với nồi chả cá thác lác chiên giòn thơm lừng, bát cá tràu nấu ám rắc nắm hành ngò, hay dĩa cá giếc ngọt ngào kho rau răm phi với củ nén.

Đọc Miền an yên của Nguyễn Thị Thu Thủy ta như được hưởng trọn một cái Tết đầm ấm nơi quê nhà dù ta xa xứ hay còn phiêu du ở một nơi nào đó trên dải đất hình chữ S thân yêu này. Những cánh mai vàng, những màu lá mới và những luống rau xuân cùng hương vị gừng của bánh, của mứt đã cho ta trọn vẹn một cái Tết quê xưa. Và ngoài kia điệu hát bài chòi xứ Quảng cứ mộc mạc, hồn nhiên kéo ta về với đồng bãi, triền sông…

Chẳng thể nào quên những lần lon ton chạy theo bà giữa đêm trừ tịch, dùng xẻng xúc những cục than còn đỏ lửa thả vào lòng giếng khơi để khử phèn làm sạch lòng giếng, sửa soạn đón một năm mới tinh tươm. Sắp lúc giao thời ấy tiếng xèo xèo của đám than khi bỏ vào lòng giếng đến tận hôm nay ta vẫn nhớ như in, không biết có phải vì đã trải qua cơn đau quặn mình mà những ngày đầu năm giếng lại cho dòng nước trong, ngọt và thơm hơn vậy?

Giếng mang nặng hồn quê và giếng cũng biết dỗi hờn. Những cô thôn nữ ngày đó đi gánh nước với chiếc đòn gánh kĩu kịt, cong võng xuống vì sợi dây thừng nối hai thùng nước đầy ăm ắp nay tóc cũng đã điểm sương, chiếc đòn gánh trơn láng tưởng như vô tri đó lại chứng kiến bao tuổi xuân con gái vì phải đổi qua vai người chị khác khi chị Cả đi lấy chồng. Gánh nước, một công việc tưởng như đơn giản nhưng phải có điệu, chạy bước nhỏ, nhịp nhàng thì nước có đổ đầy vẫn không tràn ra thùng. Còn nếu bạn gánh trong trạng thái bực dọc, vùng vằng, nước trong thùng sẽ sánh ra đầy đường; có khi về đến nhà, mỗi đầu thùng đã vơi đi một phần.

Tuổi thơ cứ trải dài trong Miền an yên của Thủy, nơi giấc mơ thơm mùi của khói bếp, của rơm rạ đồng bãi và cả mùi của những giọt nắng hanh hao. Mỗi góc vườn, mỗi bờ cỏ, mỗi triền sông là những bức tranh đầy sống động. Từng con chữ của Thủy cứ da diết, đầy vơi như thể cuộc sống đã lấy đi và trả lại cho Thủy những kỷ niệm tròn đầy và nguyên vẹn, nhưng cũng có những kỷ niệm chẳng bao giờ còn chạm vào được nữa, bởi lẽ, có những thứ trong cuộc sống vốn dĩ khi mất đi sẽ chẳng bao giờ còn gặp lại…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.