Trong chương trình tư vấn trực tuyến "Chọn ngành học cho tương lai: Công nghệ thông tin, những điều thí sinh chưa biết" do Báo Thanh Niên tổ chức ngày 10.3, các chuyên gia cung cấp cho thí sinh nhiều thông tin cụ thể về ngành học này khi trong giai đoạn sắp tới.
Sinh viên ngành CNTT của một trường đại học ở TP.HCM |
Đ.N.T |
Các chuyên gia trong chương trình tư vấn trực tuyến "Chọn ngành học cho tương lai: Công nghệ thông tin, những điều thí sinh chưa biết" do Báo Thanh Niên tổ chức ngày 10.3 |
LÊ THANH HẢI |
Mọi ngành nghề đều cần ứng dụng CNTT
Tiến sĩ Trần Thiện Lưu |
"Dù dịch Covid-19 làm ảnh hưởng rất nhiều lĩnh vực nhưng riêng nhóm ngành công nghệ thông tin (CNTT) vẫn phát triển mạnh mẽ và có tốc độ phát triển lớn nên nhu cầu nhân lực cũng rất lớn. Bên cạnh đó, chính sách chuyển đổi số của chính phủ đang đặt ra yêu cầu các doanh nghiệp phải chuyển mình nên cần một đội ngũ nhân sự CNTT lớn. Doanh nghiệp nào không ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong sản xuất kinh doanh sẽ dần mất đi năng lực cạnh tranh. Mọi ngành nghề đều cần ứng dụng CNTT", tiến sĩ Trần Thiện Lưu, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, chia sẻ.
Tiến sĩ Lưu thông tin Trường ĐH Nguyễn Tất Thành có các ngành thuộc lĩnh vực CNTT như mạng máy tính và truyền thông dữ liệu, kỹ thuật phần mềm, công nghệ thông tin…
Thạc sĩ Nguyễn Kim Tuấn |
Tương tự, thạc sĩ Nguyễn Kim Tuấn, Trưởng Khoa Mạng máy tính và Truyền thông Trường ĐH Duy Tân, cho biết nhu cầu nguồn nhân lực CNTT là rất cao. "Hiện nay chúng tôi đưa ra nhiều ngành nghề đào tạo trong nhóm ngành CNTT để đáp ứng cho nhu cầu người học. Nếu thí sinh đam mê thì hãy đến với CNTT vì có rất nhiều ngành nghề để lựa chọn", ông Tuấn chia sẻ.
Mức lương 2.000 - 3.000 USD/tháng
Tiến sĩ Lê Đình Phong |
Tiến sĩ Lê Đình Phong, Trưởng khoa Công nghệ thông tin Trường ĐH Hoa Sen, chia sẻ: "Lâu nay chúng ta vẫn nghe thông tin sinh viên CNTT tốt nghiệp đi làm với mức lương 2.000 - 3.000 USD/tháng. Tuy nhiên, qua tiếp xúc, doanh nghiệp cho biết họ chủ yếu thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao. Doanh nghiệp vẫn than phiền ứng viên còn nhiều hạn chế về chuyên môn và kỹ năng làm việc khiến phải đào tạo lại rất nhiều".
Do đó, theo ông Phong, Trường ĐH Hoa Sen luôn cố gắng tạo điều kiện cho sinh viên trải nghiệm bằng 2 kỳ thực tập. Bên cạnh đó, kỹ năng phản biện, kỹ năng làm việc nhóm, tác phong, thái độ công việc được lồng ghép vào các môn học. Tiến sĩ Phong cho biết thêm: "Trường hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Ngành mạng máy tính, truyền thông dữ liệu, trí tuệ nhân tạo, hệ thống thông tin quản lý đều có hợp tác với các tập đoàn lớn về công nghệ và chuyển đổi số trên thế giới và Việt Nam".
Nhiều nhóm ngành cho thí sinh lựa chọn
Thạc sĩ Đinh Công Viễn Phương |
Thạc sĩ Đinh Công Viễn Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh - Truyền thông Trường ĐH Văn Hiến, cho biết thí sinh cần lựa chọn ngành nghề phù hợp với năng lực và sở thích của bản thân.
"Trường ĐH Văn Hiến sẽ trang bị cho sinh viên những kiến thức cơ bản và cần thiết nhất, nhưng cái quan trọng vẫn là ở thái độ của người học. Các em phải xác định được rằng mình có thực sự yêu thích hay không, và phải có thái độ chuyên tâm, chuyên cần để học tập ngành này. Hiện nay các trường đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp để hạn chế tình trạng các em ra trường không có việc làm", ông Phương chia sẻ. Theo ông Phương, Trường ĐH Văn Hiến có nhiều nhóm ngành để thí sinh lựa chọn như thiết kế đồ họa, an toàn thông tin, khoa học máy tính, trí tuệ nhân tạo…
Tổ hợp môn xét tuyển khá đa dạng
"Hiện nay nhân lực CNTT thiếu thì rất thiếu, mà thừa vẫn rất thừa, nghĩa là doanh nghiệp cần những kỹ sư giỏi", tiến sĩ Trần Thiện Lưu, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, cho biết.
Hiện tổ hợp môn xét tuyển khá đa dạng, trung bình mỗi ngành là 4 tổ hợp môn. "Đa dạng tổ hợp môn cũng là một hướng để lựa chọn chất lượng người học. Tuy nhiên, trong tất cả tổ hợp môn của các ngành CNTT đều phải có môn toán vì đây là lĩnh vực yêu cầu tư duy logic. Nếu thí sinh giỏi toán thì có lợi thế để lĩnh hội kiến thức một cách tốt nhất", tiến sĩ Lưu chia sẻ.
"Tuổi nghề ngắn" trong ngành CNTT
Tiến sĩ Lưu cho rằng tuổi nghề của CNTT rất ngắn nên sinh viên phải liên tục học hỏi những kiến thức mới. Theo ông Lưu, sinh viên CNTT mới ra trường đi làm việc trái nghề rất thấp vì nếu chỉ cần các em làm trái nghề là rất khó để quay lại do cần sự theo đuổi xuyên suốt, bền bỉ.
Bên cạnh đó, thạc sĩ Tuấn chia sẻ: "Những thí sinh nào muốn tuổi thọ công việc dài thì CNTT có những nhóm ngành phù hợp để lựa chọn. Tôi hay nói với các em nữ là cứ yên tâm theo học ngành mạng vì có thời gian để chăm sóc gia đình nhiều hơn. Dù vậy, thí sinh phải thật sự đam mê và biết lượng sức mình khi chọn CNTT".
Giỏi toán mới thành công trong lĩnh vực CNTT?
Tiến sĩ Phong cho rằng, toán chỉ là điểm cộng giúp các em có xuất phát điểm tốt hơn người khác trong lúc đăng ký xét tuyển vào ngành CNTT, không phải cứ giỏi toán là thành công trong lĩnh vực này.
"Nhiều em học toán bình thường vẫn thành công. CNTT hiện diện trong rất nhiều ngành nghề, chẳng hạn ngân hàng và thương mại điện tử đang hút nhân sự IT nhiều nhất. Trong khi đó, Trường ĐH chỉ đào tạo kiến thức nền tảng nên các em cũng cần có khả năng tự học mới có thể đạt được thành tựu vì công nghệ thay đổi hàng ngày”, tiến sĩ Phong cho hay.
Tương tự, thạc sĩ Phương cho biết: "CNTT cần sự tư duy logic nên phải có môn toán, nhưng đây chỉ là yếu tố ban đầu. Khi sinh viên vào học chuyên ngành thì còn nhiều yếu tố và kiến thức khác cần học. Do đó, các bạn không phải quá lo sợ về môn toán vì toán ở đây không phải mang tính hàn lâm mà chỉ là môn toán như ở bậc phổ thông".
Đa dạng phương thức xét tuyển
Nhiều thí sinh hỏi nếu không giỏi tiếng Anh có thể chọn tổ hợp môn là toán, lý, văn để xét tuyển vào ngành CNTT hay không. Ông Phương đáp có nhiều tổ hợp môn để lựa chọn và đáp ứng được nhu cầu đầu vào.
Tiến sĩ Lưu cho biết Trường ĐH Nguyễn Tất Thành xét điểm học bạ đợt 1 từ đầu tháng 5, có thể chọn điểm 3 học kỳ, 5 học kỳ theo tổ hợp môn; phương thức xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT, điểm kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM…
Theo ông Lưu, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành có các ngành như: kỹ thuật phần mềm, mạng máy tính và truyền thông dữ liệu, CNTT (có các chuyên ngành robot và trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu, logistics và kết nối vạn vật…).
Ngoài ra, tiến sĩ Lê Đình Phong, Trưởng khoa Công nghệ thông tin Trường ĐH Hoa Sen, cho hay thí sinh có thể nộp những sản phẩm bộc lộ năng khiếu để một hội đồng đánh giá xem các em có năng khiếu theo học CNTT hay không.
Còn về các ngành thuộc CNTT thì ngoài các ngành đào tạo lâu nay, Trường ĐH Hoa Sen có những ngành bắt trend theo xu hướng như: điện toán đám mây, hệ thống thông tin quản lý cũng đang rất hot. Bên cạnh đó, ngành trí tuệ nhân tạo là ngành mới mở năm nay, sẽ đào tạo theo hướng ứng dụng nên sẽ xây dựng những hướng ứng dụng để sinh viên theo học.
Nhiều chuyên ngành để thí sinh lựa chọn
Thạc sĩ Phương thông tin: "Sau chương trình đại cương tại Trường ĐH Văn Hiến, sinh viên sẽ đi vào chuyên ngành. Cụ thể, CNTT có chuyên ngành mạng máy tính truyền thông, an toàn thông tin, thiết kế đồ họa; còn khoa học máy tính có công nghệ phần mềm, hệ thống thông tin và khoa học dữ liệu; kỹ thuật điện tử viễn thông có kỹ thuật điều hành và điều khiển tự động hóa, kỹ thuật nhúng".
Trường ĐH Văn Hiến cũng xét tuyển bằng nhiều phương thức như điểm học bạ, điểm thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển thẳng. Riêng nhóm ngành nghệ thuật, trường có tổ chức kỳ thi năng khiếu. Trường còn có quỹ học bổng hơn 30 tỉ đồng cấp cho sinh viên, đặc biệt là những em có hoàn cảnh khó khăn, mồ côi cha, mẹ…
Lo ngại không đủ năng lực tiếng Anh để theo đuổi CNTT
Thạc sĩ Nguyễn Kim Tuấn chia sẻ, nhiều phụ huynh lo ngại con em không đủ năng lực tiếng Anh để theo học ngành CNTT. "Tuy nhiên, theo kinh nghiệm nhiều năm dạy song song 2 chương trình, tôi nhận thấy rằng đúng là muốn làm tốt CNTT là phải có tiếng Anh nhưng học CNTT là cơ hội để nâng cao khả năng tiếng Anh", ông Tuấn nói.
Do đó, nếu thí sinh cảm thấy khả năng tiếng Anh chưa tốt và thiếu tự tin thì vẫn có lựa chọn vào ngành học này để nâng cao hơn khả năng tiếng Anh, vì môi trường này buộc các em phải vào guồng và phải cố gắng để cải thiện năng lực tiếng Anh, theo ông Tuấn.
Bên cạnh đó, ông Tuấn cho hay Trường ĐH Duy Tân có ngành học mới như Khoa học máy tính là kết hợp giữa an toàn thông tin và phát triển phần mềm; ngành mạng máy tính và truyền thông. "Điều cuối cùng tôi muốn nhắn gửi là thí sinh đam mê nhưng phải lượng sức mình khi lựa chọn vào ngành công nghệ thông tin", ông Tuấn chia sẻ.
Bình luận (0)