Nhân dịp tết đến xuân về, tiến sĩ tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu (Trưởng Bộ môn Tâm lý học Ứng dụng, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) đã dành cho Thanh Niên cuộc trò chuyện về những cảm xúc ngày xuân.
Ảnh: NVCC |
Tết đã cận kề rồi, sắp về với gia đình, cảm xúc của thầy thế nào ạ?
Những ngày này là những ngày vô cùng hạnh phúc! Bởi khi ta có một nơi để về, đó là nhà. Có những người để yêu thương, đó là gia đình. Có được cả hai, đó là hạnh phúc.
Tuy nhiên, có những bạn trẻ tết bỏ gia đình đi chơi, thầy có cho rằng nhiều bạn ngày nay không quan tâm đến giá trị đoàn tụ ngày tết?
Cuộc sống ngày nay nhiều áp lực,nên nhiều bạn thích dùng ngày tết để bản thân sạc lại pin, xả trí não, dành thời gian cho chính mình. Tuy nhiên, nếu nhận thức được ý nghĩa sum vầy ngày tết, ta sẽ nhận ra rằng, về với gia đình là cách hữu hiệu nhất để nạp lại năng lượng cho trí não lẫn tâm hồn.
Có nhiều người nghĩ rằng, gửi tiền gửi quà về cho ba mẹ là một cách để bù đắp cho việc vắng mặt ở nhà. Thầy nghĩ sao về điều này?
Niềm vui của cha mẹ là được nhìn thấy cháu con sum vầy trong căn nhà nhỏ, chứ chưa hẳn món tiền mà con gửi về thay cho sự có mặt của mình. Dù nhà ta xây cho cha mẹ có to, có đẹp, nhưng ngôi nhà đó cũng chỉ là một ngôi nhà, chỉ khi chúng ta lấp đầy ngôi nhà đó bằng tình yêu, nó mới trở thành gia đình thật sự.
Nếu nhắn nhủ vài điều đến những bạn đang phân vân giữa việc về hay không về, thầy sẽ nói gì?
Gia đình là nơi rơi nước mắt nhiều nhất vì ta và cũng là nơi mang đến nụ cười cho ta nhiều nhất. Gia đình không phải là một điều quan trọng, mà nó là tất cả mọi thứ.
Chúng ta có nhiều nơi để đi, nhưng chỉ có một nơi để về. Còn về được bao lần thì nó lại tùy thuộc vào may mắn ở lại với chúng ta bao lâu. Đôi khi... chính chúng ta lại từ chối nó.
Xin chúc mừng nếu may mắn vẫn còn đang ở lại với những người con khi họ biết vẫn còn một nơi như thế, một nơi để mỗi khi bè bạn hỏi, thì con có thể nói là con “đi về”.
Thường thầy hay có góc nhìn khác với mọi người. Không biết thầy có góc nhìn nào khác về ngày tết?
Tết về, ai cũng vui, háo hức, đợi chờ. Không vui sao được: Tết tha hồ nghỉ ngơi, được ăn ngon, nhà cửa sạch sẽ...Chỉ có điều, có bao giờ ta tự hỏi: Thức ăn đó từ đâu mà ra? Nhà cửa sạch sẽ do ai dọn dẹp? Rèm ai giặt? Sân ai quét? Bàn ghế ai lau? Bếp núc ai làm? Là Mẹ.
Có những điều ở ngay gần nhưng chúng ta không hề thấy: Trong cái góc lặng lẽ của mình, mẹ vẫn âm thầm gánh trên vai gánh nặng lo toan ngày tết cho cả gia đình. Làm việc 365 ngày không lương, không nghỉ, làm việc cả những ngày cận tết, làm việc cả những phút giao thừa...
Thầy có kỷ niệm nào đó thật đáng nhớ về sự vất vả của mẹ trong ngày tết không ạ?
Mình còn nhớ ngày xưa và cả những năm gần đây, 28 tết mẹ còn phải ngồi chặt từng trái dừa, rửa từng miếng thịt, giặt từng tấm rèm, quét sạch sân vườn, rửa lại bộ chén, giặt tất cả rèm, lau sạch bàn ghế, đi chợ mua đồ, quần quật trong nhà cả ngày với hàng trăm những việc không tên như thế.
Thỉnh thoảng giữa chừng mệt quá mẹ ngưng tay ngồi nghỉ, vừa quệt mồ hôi vừa đấm đấm vào lưng, lâu lâu lại than đau, người mẹ dạo này nhức mỏi quá. Nghĩ lại thấy mình vô tâm lắm...
Thế rồi con cái thường nhắn tin chúc tết bạn bè trong lúc giao thừa, nhưng lại không bao giờ nhắn cho người thân yêu nhất!! Nghĩ đến đây mà nghẹn đắng...
Vậy trong trường hợp này, chúng ta nên làm gì ạ?
Nếu có thể, hãy về sớm nhất để phụ mẹ chuẩn bị cửa nhà chứ không phải đợi mọi thứ xong hết rồi mới về chỉ để lo "ăn tết". Chắc chắn nụ cười của đấng sinh thành sẽ trọn vẹn hơn khi được con cái trở về chung tay san sẻ, bởi điều chạnh lòng nhất của người phụ nữ trong gia đình chính là sự vất vả trong nỗi cô đơn.
Nếu nhắn nhủ với các bạn trẻ trong tết năm nay, thầy sẽ nhắn gửi điều gì ạ?
Bạn bè có nhiều, công việc có nhiều, nhưng cha mẹ thì mỗi người chỉ có một mà thôi. Hãy hiếu thảo và về với Người khi ta còn cơ hội...
Nhớ nhé: có một nơi để về, đó là nhà. Có những người để yêu thương, đó là gia đình. Có được cả hai, đó là hạnh phúc.
Bình luận (0)