Có một Sài Gòn xưa thu nhỏ qua live show tiền tỉ của Đàm Vĩnh Hưng

06/08/2017 07:41 GMT+7

Một liveshow mà người ta nhận ra có nhiều điều đặc biệt hơn so với các show ca nhạc khác thời gian qua mang tên Sài Gòn-Bolero và Hưng vừa diễn ra tối 5.8 tại Nhà hát Hòa Bình, TP.HCM.

Khác là bởi khán giả, khách mời đã chọn cho mình những chiếc áo theo phong cách bolero từ cổ điển đến hiện đại đi xem show, trên sân khấu không có MC giới thiệu theo cách "truyền thống" vốn dĩ thường thấy… Đàm Vĩnh Hưng đã tự mình làm MC với cách giới thiệu các tiết mục mang dấu ấn của những chương trình, gánh hát ngày xưa. Vẫn là Đàm Vĩnh Hưng khi tự nhận mình "hát bolero không hay nhưng lạ, giang hồ và… gan". Cái gì Hưng cũng dám thử dám làm. Và đúng như "chất" xưa nay của anh, một liveshow có đến gần 40 ca khúc phần lớn mang phong cách bolero đã đi vào lòng người được gửi đến khán giả. Tuy nhiên, cái khó nhất của Đàm Vĩnh Hưng cùng dàn khách mời là phải làm sao để những khán giả khó tính yêu bolero sâu đậm gật gù theo từng bài hát.
Mr. Đàm tự làm MC với cách giới thiệu các tiết mục mang dấu ấn của những chương trình, gánh hát xưa
Có một chút xa hoa trong cách phục trang của ca sĩ nhưng lại dung dị khi kết hợp với những hoạt cảnh trên sân khấu. Khi tấm màn nhung được kéo lên, khán giả ngỡ như lạc về một Sài Gòn của những năm 1960 qua từng câu chuyện rất đời của các thế hệ và tầng lớp con người khác nhau. Những ký ức tưởng chừng bị lãng quên nay được tái hiện lại dưới nhiều góc cạnh mang đến nhiều cảm xúc khó tả.
Đó là góc phố cổ mà khi Xóm đêm, Lâu đài tình ái được cất lên là cả một khung cảnh Sài Gòn xưa cũ ùa về mang theo tình người hoan hỉ. Hay ca sĩ dẫn lối khán giả lạc vào những mê luyến của bolero nhưng vui tươi hơn qua: Khi đã yêu, Cô bạn học, Bên nhau ngày vui... Nhưng điều xa hoa của Sài Gòn thực sự được tái diễn khi khung cảnh sầm uất của Thương xá Tax được hiện lên. Đó là hình ảnh của những chàng trai, cô gái phố thị với mốt quần ống loe, áo hoa, váy đầm sặc sỡ nức tiếng một thời dạo chơi trên những chiếc vespa cổ hay tung tăng trên phố, những quán bar ánh đèn màu không ngớt. Trong Đêm đô thị ấy, Mr. Đàm đã gọi Kim một cách đầy say mê để rồi lắng lại với Về đâu mái tóc người thương, Huyền thoại một chiều mưa, Con đường xưa em đi và cuối cùng là Nghẹn ngào. Rồi khi đứng trước rạp hát Cao Đồng Hưng năm nào để hát Túy ca hay Đoạn buồn cho tôi, ca sĩ mang đầy chất tự sự.
Sau Sài Gòn là đến một Đà Lạt khó phai
Đàm Vĩnh Hưng chia sẻ, sau Sài Gòn, Đà Lạt (Lâm Đồng) giống như quê hương thứ 2 của anh nơi sân ga để lại bao nhiêu hoài niệm luyến lưu. Đà Lạt là miền đất nhiều hoài niệm với Đàm Vĩnh Hưng. Nơi đó, sau 30 năm chiếc áo khoác cũ chưa kịp trả lại tay cố nhân bởi những chuyến tàu đến rồi đi mà bóng người không thấy. Khi Người tình không đến bên Ga chiều phố nhỏ những - Kỷ niệm xa bay - Trong buổi mưa chiều kỷ niệm, mới thấm thía làm sao. Và để rồi Hồi tưởng về Chuyến tàu hoàng hôn, về Người ngoài phố và một Chuyện tình không dĩ vãng. Sân ga cũng như cuộc đời người nghệ sĩ, nhiều tâm sự mà đa phần là buồn. Vậy nên khi Mr. Đàm cất lên Hai vì sao lạc, Qua cơn mê, Thành phố buồn, Dấu chân kỷ niệm... làm cho những ai yêu Đà Lạt thấy lòng mình thổn thức.
Trong đêm diễn, Đàm Vĩnh Hưng quyết định trích 500 triệu đồng để giúp đỡ đồng bào Mù Cang Chải đang gặp nạn lũ cuốn
Sài Gòn, Bolero và Hưng đưa khán giả ngược dòng ký ức trở về với khoảng gần 30 ca khúc (bao gồm cả đơn, song ca, tam ca và hát nhóm của riêng Đàm Vĩnh Hưng). Với khách mời Hương Lan, Mr. Đàm từng nói vui rằng anh thích gọi chị bằng cái tên “thần đồng âm nhạc bé Hương Lan”. Vậy nên chỉ vừa cất lên một câu trong Không bao giờ quên anh, người ca sĩ đã bước sang tuổi 60 làm khán giả... ''rớt tim". Hương Lan còn có phần tam tấu ba thế hệ với hai đàn em Lệ Quyên và Thu Hằng trong liên khúc Nếu đời không có anh Biển tình.
Ca sĩ Hương Lan
Lệ Quyên cũng làm khán giả say mê với Kiếp nghèo và Sương lạnh chiều đông. Giọng ca Quang Lê ngoài phần xuất hiện mở màn còn mang đến Đoạn cuối tình yêu Hai vì sao lạc. Còn Thu Hằng với Vùng lá me bay, Dương Triệu Vũ cùng Đàm Vĩnh Hưng hát Túy ca và hát đơn liên khúc Có nhớ đêm nào, Tình là sợi tơ.
Riêng Hoài Lâm, được trao trách nhiệm lãnh xướng câu hát đầu tiên mở màn cho live show với Xóm đêm. Đặc biệt bản mash up gồm 4 ca khúc: Hồi tưởng, Chuyến tàu hoàng hôn, Người ngoài phố, Chuyện tình không dĩ vãng qua phần kết hợp cùng Đàm Vĩnh Hưng hòa với tiếng nhạc của guitar dìu dặt, tiếng trống lục lạc và đàn muỗng để lại dấu ấn đẹp với người xem.
Liveshow còn mang đến những giây phút thực sự lắng đọng khi Đàm Vĩnh Hưng và Hương Lan cùng song ca Phận tơ tằm. Hình ảnh của những nghệ sĩ tài hoa bậc nhất của sân khấu miền Nam hiển thị trên tấm màn sân khấu.
Chính ca sĩ hải ngoại Hà Thanh Xuân đã hóa thân thành “nữ hoàng sân khấu" một thời
“Người đừng trách một kiếp cầm ca. Con tằm nào không muốn vương tơ” đó là tiếng lòng của sự đồng cảm, của sự tri ân đối với những bậc tiền bối đi trước. Đặc biệt khi câu hát của Mưa rừng vang lên, cả khán phòng như lặng đi và tiếng nói, hình hài của “bà hoàng sân khấu” nức tiếng một thuở Thanh Nga có mặt ở đây. Dù chỉ là phần hóa thân của nữ ca sĩ Hà Thanh Xuân, nhưng phần song ca đặc biệt với một bản phối đặc biệt này khiến khán giả như trôi về một miền ký ức.
Đàm Vĩnh Hưng tiết lộ anh và ê-kíp đã mất gần 1 tháng để tách giọng hát của nữ nghệ sĩ từ bản gốc rồi tinh chỉnh lại để phù hợp với phần hát live giữa anh và nữ ca sĩ Hà Thanh Xuân trong đêm liveshow theo đúng phong cách của mấy mươi năm về trước.
Sài Gòn, Bolero và Hưng có một cái kết lạ với Ngẫu hứng Bolero, ca khúc được nhạc sĩ Minh Vy viết bằng sự liên kết tiêu đề của 63 bản bolero nổi tiếng. Điều đặc biệt hơn cả đọng lại trong lòng khán giả là nghĩa cử của Đàm Vĩnh Hưng. Trước khi liveshow diễn ra, ca sĩ có một tâm nguyện, nếu được khán giả yêu thương ủng hộ ngồi kín khán phòng, anh sẽ dành 500 triệu đồng gửi đến bà con bị ảnh hưởng nặng nề từ vùng lũ. Nhất là bà con ở Mù Cang Chải (Yên Bái) và một số huyện ở Sơn La. Và anh đã làm điều đó.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.