Vào khoảng này, không khí Giáng sinh đã tràn ngập phố phường, quán xá. Nhạc ở mấy chỗ ăn chơi vốn đã ồn ã càng thêm rập rình. Người Mỹ thường tặng quà cho trẻ em vào dịp này ở sân nhà thờ, trường học, bệnh viện... Theo các tổ chức, hoặc quân sự hoặc dân sự cũng có. Mà mang tính gia đình hoặc cá nhân cũng có. Hình ảnh những ông tây bà đầm ngồi thụp xuống đất, ân cần và tươi tắn, trao quà cho bọn trẻ chúng tôi là rất thường. Cũng rất thường, cảnh tượng ném đồ hộp và bánh kẹo xuống lòng đường từ mấy chiếc xe cam nhông chở lính.
Xóm tôi cũng thế! Đồ Mỹ từ trong nhà ném ra và có khi, trúng cả vào người. Cho, như một cách bố thí kèm theo tiếng cười ngầy ngật hơi men của các cô gái làm tiền. Sao mà tôi căm ghét đến thế, những tiếng cười hùa. Và có lần, tôi đứng lại trước một căn nhà, trừng trừng, giương mắt phẫn nộ ngó vào. Có một ai đó níu nhẹ tay tôi, kéo đi với tiếng nói rất nhỏ: “Thôi mà con. Về nhà đi kẻo ba mẹ trông”.
Người nói với tôi câu ấy là cô. Cô, chẳng hề giống ai trong cộng đồng làm điếm của mình. Cô mướn riêng, một mình một nhà ở giữa hẻm. Mỹ đen, Mỹ trắng... ra vô. Nhà cô có mấy chậu cây kiểng đặt phía trước, mấy giỏ hoa treo trên hàng rào. Sáng sáng, đi học ngang qua thấy cô quét sân và tưới nước cho cây. Liếc xéo vô trong, thấy nhà cô rất ngăn nắp, sạch sẽ. Cô không mặc quần áo lòe loẹt, nói tục, đùm túm bạn bè, hút thuốc, uống rượu bia, chửi lộn. Cô đi chợ, nhẹ nhàng chào hỏi mọi người và rất hay cười khi gặp trẻ con.
Giáng sinh nào nhà cô cũng làm hang đá, có cây thông treo đầy thiệp với những gói quà nhỏ xinh. Và mấy ngày trước lễ, cô thường chặn mấy đứa nhỏ trong xóm lại để cho kẹo bánh, chocolate... Tôi đã bao lần lén nhìn cái cách cô trao quà cho từng đứa, từng đứa một. Sao mà nâng niu. Sao mà trìu mến. Cô đặt hộp kẹo, gói bánh vào tận lòng bàn tay người nhận. Và nói ngập ngừng như là có lỗi vậy: “Nhận cho cô vui nghen”. Tôi rất thích một loại kẹo có giọt rượu ở bên trong với lại chocolate nhân đậu phộng. Thích cái cách cô mở lòng bàn tay mình ra và đặt quà rồi siết nhẹ. Tay cô sao mềm và ấm lạ lùng. Thích câu cô nói bằng một giọng Nam bộ hơi đẽo đợt nhưng nhiều âm điệu.
Rồi, một ngày cô lặng lẽ rời khỏi cái xóm hỗn tạp và nhếch nhác ấy. Cô ra đi mang theo tuổi thơ tôi cùng những mùa Giáng sinh ấm và ngọt. Một cô gái điếm mà ngay cả tên, tôi cũng chưa kịp biết. Để bây giờ, càng lớn tuổi càng nghĩ nhiều về ngày xưa cũ, nhớ đến cô và thắc thỏm mỗi khi tháng mười hai trở lại.
Bình luận (0)