Có một thượng úy công an nổi tiếng vì điều này...

19/08/2023 13:00 GMT+7

Phan Đức Lộc (27 tuổi) là thượng úy công an đang công tác tại tỉnh Điện Biên. Lộc nổi tiếng trong làng văn khi là nhà văn trẻ đầy nội lực, sở hữu hàng loạt giải thưởng ở nhiều thể loại từ thơ, truyện ngắn đến kịch bản văn học, tản văn, báo chí…

Nhà văn công an

Những năm còn là học sinh ở bậc THPT, Lộc liên tục đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi văn của tỉnh Nghệ An (quê Lộc). Bên cạnh đó, Lộc có những sáng tác đầu tay đăng tải trên những tờ báo uy tín dành cho tuổi học trò như: Áo trắng, Văn học và tuổi trẻ

Có một thượng úy công an nổi tiếng vì điều này... - Ảnh 1.

Thượng úy, nhà văn Phan Đức Lộc

NVCC

Lộc kể: "Tôi rất mê đọc sách. Thuở nhỏ, sách còn thiếu thốn, cứ vớ được cuốn nào là tôi say mê đọc đến ngấu nghiến. Bà nội tôi là nông dân có vốn ca dao tục ngữ vô cùng sâu rộng. Tôi sống bên bà. Nên những yếu tố ấy cộng hưởng lại giúp tôi bén duyên với con đường văn chương một cách vừa tự nhiên, lại vừa có định hướng".

Tình yêu văn chương cứ thế lớn dần lên khi chàng trai này là sinh viên của Học viện Cảnh sát nhân dân, cũng như cho đến lúc ra trường, công tác tại huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên.

Khi mới 26 tuổi, Lộc vinh dự trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam và được gọi là "nhà văn công an". Lộc đã có hơn 300 tác phẩm thơ, truyện ngắn, tản văn, lý luận phê bình văn học, bài báo đăng tải trên các báo và tạp chí. Chàng trai quê ở Nghệ An này cũng là đại biểu dự Đại hội Tài năng trẻ Việt Nam lần thứ III năm 2020.

Trả lời câu hỏi: "Nếu nhìn lại hành trình sống cùng con chữ vừa qua, bạn sẽ nói gì?", Lộc cho biết: "Tôi luôn cảm ơn văn chương đã chọn mình. Tôi biết rằng đó là hành trình rất nhiều trầm luân, khổ hạnh. Nhưng tôi luôn cảm thấy hạnh phúc, biết ơn. Đối với tôi, văn chương là điểm tựa. Cũng là liều thuốc giảm đau xoa dịu những tổn thương tâm hồn giữa cuộc sống xô bồ, khắc nghiệt. Văn chương giữ giùm tôi những kỷ niệm, tâm sự, dự cảm và cả bao bí mật riêng tư".

Lộc chia sẻ: "Mỗi lần cầm bút là tôi thấy mình đang làm điều gì đó có ý nghĩa nho nhỏ. Khấp khởi hân hoan và rưng rưng xúc động. Tôi tin rằng, như định luật vật lý, nếu ta tác động lên văn chương một tình yêu thì khi đó văn chương sẽ tác động lại trái tim ta một tình yêu tương tự. Nếu không viết văn, hẳn cuộc đời của tôi sẽ khô khan, tẻ nhạt và vô định lắm".

Thói quen bất ngờ

Lộc cho biết công việc của chiến sĩ công an rất bận rộn. Nên để tiết kiệm thời gian cho văn chương, Lộc đã "tinh giản" hầu hết các trò tiêu khiển. "Để duy trì mạch cảm xúc, tôi rèn luyện thói quen viết đều đặn mỗi ngày tầm 1 trang giấy trong khoảng dưới 2 tiếng đồng hồ. Tôi viết trong đầu mọi lúc mọi nơi như: trên xe buýt, khi đọc sách, nấu ăn… Hay thậm chí lúc đi tắm tôi cũng không ngừng suy nghĩ về nhân vật, cốt truyện, chi tiết. Và khi thấy bộ não không thể chứa những điều đó mãi, tôi giải phóng nó bằng cách viết ra", Lộc kể.

Trong làng văn, Lộc nổi tiếng vì có những tác phẩm để lại dấu ấn đặc biệt với người đọc. Có thể kể như: Xác đá, Mùa đông ở Sính Phình, Con chim lam về rừng, Thung lũng mưa, Pủa châng đậu trên ngực núi

Nói về những tác phẩm này, Lộc tâm sự: "Tôi đã dành nhiều thời gian, tâm sức để sáng tác nên những câu chuyện đó. Hơn thế nữa, những truyện ngắn ấy thể hiện rõ nét phong cách nghệ thuật tôi đang theo đuổi. Và theo mỗi truyện ngắn là những thông điệp nhân văn mà tôi muốn gửi gắm sau bề mặt câu chữ".

Có một thượng úy công an nổi tiếng vì điều này... - Ảnh 2.

Phan Đức Lộc là cây bút giàu nội lực nổi tiếng trên văn đàn

NVCC

Hỏi Lộc thường lấy chất liệu từ đâu để đưa vào những truyện ngắn? Lộc cho biết: "Chất liệu luôn có sẵn xung quanh chúng ta. Từ sự trải nghiệm cuộc sống, công việc hành chính thường nhật, đọc sách báo, xem phim, lướt Facebook… Bất cứ điều gì cũng có thể đưa vào văn chương. Miễn sao ngòi bút đủ khả năng truyền tải. Thậm chí, có những giấc mơ khi ngủ cũng đã cho tôi bao cốt truyện tròn trịa".

Không chỉ nổi tiếng trên văn đàn vì những truyện ngắn ghi dấu ấn mạnh trong làng văn, Lộc còn khiến nhiều người biết đến khi sở hữu hàng loạt giải thưởng danh giá qua các cuộc thi định danh về văn chương, cả truyện ngắn lẫn thơ hay biên kịch…

Có thể kể như: giải nhất cuộc thi Nhà biên kịch tài ba do Học viện đào tạo hoạt hình quốc tế Sconnect tổ chức năm 2022; giải nhì cuộc thi truyện ngắn 2018 – 2020 do Tạp chí Nhà văn và Tác phẩm (Hội Nhà văn Việt Nam) tổ chức; giải B truyện ngắn tại Trại sáng tác văn học về hình tượng cảnh sát nhân dân do Bộ Công an phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức 2022; giải nhì cuộc thi thơ Tôi yêu đất nước tôi của VTV tổ chức năm 2020; giải C truyện ngắn Cây bút vàng do Bộ Công an tổ chức năm 2021…

Lộc nói: "Có giải thưởng mang lại cho tôi kỷ niệm. Có giải thưởng mang đến cho tôi động lực. Có giải thưởng mang đến cho tôi tiền bạc. Lại có giải thưởng mang đến cho tôi sự khẳng định về một hành trình đầy nỗ lực. Mỗi giải thưởng đều là dấu mốc có một ý nghĩa riêng. Nên thú thật, tôi không biết mình thích nhất giải thưởng nào cả. Bởi tôi yêu cả những giải khuyến khích rất nhỏ bé, khiêm tốn của mình".

Thời gian vừa qua, Lộc còn thử sức ở mảng văn học thiếu nhi khi trình làng sách Tôi sẽ bay. Nói về điều này, Lộc kể: "Tôi yêu thích sự ngây thơ, trong sáng của trẻ em. Tôi cũng đã từng là trẻ em. Bởi vậy, tôi thử sức viết cho thiếu nhi như một cách gìn giữ những ký ức đẹp đẽ. Và cũng là cách để níu giữ những hoài niệm êm đềm. Hơn nữa, bản thân luôn khát khao hướng tới sự phong phú, đa dạng, không muốn bó buộc trong một thể loại hay mảng đề tài cụ thể nào đó, dù tôi biết rõ sở trường, sở đoản của mình".

Lộc nói: "Có lẽ sở trường của tôi là viết về đề tài miền núi. Bởi lẽ các truyện mà tôi tâm đắc cũng như được bạn văn phản hồi tốt đều viết về đề tài này. Hơn nữa, tôi đang sống và làm việc tại Điện Biên, một tỉnh thuộc vùng Tây Bắc có nhiều nét đặc trưng văn hóa dân tộc thiểu số. Nên viết về miền núi khiến tôi cảm thấy thuận tay và thật sự được đắm chìm trong không gian sơn cước đầy đẹp đẽ, thuần khiết, mộc mạc".

Khi nhà văn công an viết về công an

Phan Đức Lộc đoạt giải C truyện ngắn Cây bút vàng do Bộ Công an tổ chức năm 2021 với truyện ngắn Pảng Cò Moong. Theo Lộc, truyện ngắn này lấy bối cảnh vùng cao Tây Bắc vào những năm 80 của thế kỷ trước.

Truyện phản ánh hiện thực nhức nhối về những hủ tục lâu đời, tệ nạn ma túy và mua bán người. Trên cái nền hiện thực khốc liệt ấy, tình yêu vẫn nảy nở, dù dang dở nhưng rất đáng nâng niu, trân trọng. "Thông qua truyện ngắn này, tôi đã cố gắng khắc họa hình ảnh người chiến sĩ công an nhân dân "bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ. Pảng Cò Moong là "đứa con tinh thần" mà tôi đã "thai nghén" rất lâu, trăn trở, trau chuốt rất kỹ càng, tỉ mỉ", Lộc cho hay.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.