Đánh giá cao tuyển Anh vì đội bóng của HLV Southgate có những màn trình diễn thuyết phục nhưng đừng quên rằng, nếu xét thành tích ở các Vòng chung kết EURO thì Đan Mạch rất đáng được tôn trọng. Thắng CH Czech ở Tứ kết, tuyển Đan Mạch đã lần thứ 4 góp mặt tại Bán kết các kỳ EURO. Thậm chí, họ từng nâng cao chiếc cúp vô địch vào năm 1992, tạo nên một câu chuyện thần kỳ nhất trong lịch sử giải đấu này- điều mà người Anh chưa một lần nếm trải.
Chính vì vậy, những ngày qua người ta mang “hào quang cổ tích Andersen” ấy ra để “soi đường” cho Đan Mạch tiến vào bán kết. Dư luận, truyền thông cũng lấy hình ảnh Eriksen kiên cường vượt qua sự cố trụy tim để xem đó là sự khơi nguồn cho sức mạnh tinh thần, tạo nên tuyển Đan Mạch khó bị đánh bại của hiện tại. Và đến giờ này nhiều người chỉ xem Đan Mạch là một hiện tượng, một câu chuyển cổ tích được viết lại nhưng rồi cũng sẽ bị “ dang dở ” bởi cản ngại từ người Anh- một ứng cử viên sáng giá của chức vô địch. Nhưng nếu chỉ có vậy, chúng ta thật sự đã bỏ qua sức mạnh khó lường của các học trò HLV Hjulmand.
Đừng quên trong lần gặp nhau gần nhất ở Nations League, tuyển Đan Mạch từng khiến “ Tam sư” phải “trắng răng” với thất bại 0-1 ngay tại thánh địa Wembley vào ngày 15/10/2020. Trước đó không lâu ở lượt đi, tuyển Anh của ông Southgate với đội hình “ thiện chiến” cũng chỉ cầm hòa 0-0 khi làm khách của đội bóng xứ Bắc Âu này.
|
Đan Mạch tại EURO 2020 cũng chẳng khác gì “ Những chú lính chì” ở Nations League. Nhưng kể từ khi vắng Eriksen, họ thật sự nguy hiểm hơn rất nhiều so với " phiên bản cũ".
Về chiến thuật, có vẻ HLV Hjulmand buộc phải “làm mới” tư duy chiến thuật để Đan Mạch chuyển sang sơ đồ 3 trung vệ, bố trí nhân sự đông ở tuyến giữa, tránh hiệu ứng phụ thuộc vai trò thủ lĩnh vì không còn một “key player” đúng nghĩa có đủ tầm gánh vác trọng trách như Eriksen. Nhưng thực chất đó cũng chỉ là cách HLV Hjulmand đưa Đan Mạch trở lại với những phương án sẵn có, thứ mà ông kế thừa, rồi phát huy rất tốt những giá trị mà nhà cầm quân tiền nhiệm người Na Uy, Age Hareide để lại. Với phương án ấy, ngày 16/11/2020 tuyển Đan Mạch của ông Hjulmand từng đánh bại Iceland với tỷ số 2-1. Đó là trận đấu mà Christensen, Kjer và Vestergaard đã sát cánh cùng nhau theo sơ đồ 3 trung vệ như hiện nay và Eriksen là người “kết liễu” đối thủ với 2 bàn thắng khá ngọt ngào.
Quan sát Đan Mạch, người ta thấy đội bóng này chuyển sang kiểu vận hành khác hơn từ khi vắng Eriksen và cứ ngỡ đó là cái gì quá mới mẻ! Nhưng thật ra, ông Hjulmand đã xem nó như là thứ “cẩm nang bỏ túi” mà khi có “biến” ông sẽ mang ra áp dụng. Với " bí kiếp" này, đội bóng của ông đã đánh bại tuyển Nga, Wales và mới nhất là CH Czech để trở thành 1 trong 4 gương mặt ghi tên mình ở vòng Bán kết EURO 2020.
|
Nhìn vào những cái tên đã “nổ súng” cho “Những chú lính chì” như Dolberg, Mæhle, Poulsen, Braithwaite, Delaney, A. Christensen, ai cũng thấy chỉ thiếu mỗi thủ môn là chưa bỏ khung thành lao lên ghi bàn. Còn lại các cầu thủ từ hàng tiền đạo, tiền vệ, hậu vệ đều đã “ bừng sáng”. Rõ ràng, khả năng “đánh hơi” bàn thắng ở tất cả các tuyến của Đan Mạch thật đáng sợ! Họ có thể ghi bàn ở bất kỳ vị trí nào, điều này khiến các đối thủ dễ bị phân tán hơn là một Đan Mạch có Eriksen trong đội hình.
Ông Hjulmand đã tạo ra tuyển Đan Mạch với khả năng chơi pressing rộng khắp mặt sân. Các cầu thủ chạy cánh như Tryger Larsen, Mæhle... như là những “ người không phổi”. Những nhân tố ấy chẳng hề kém cạnh so với Luke Shaw hay Kyle Walker phía tuyển Anh. Riêng Damsgaard, Braithwaite dù có chút “lép vế” về kỹ thuật rê dắt nhưng tầm hoạt động rộng, khả năng đảo cánh, thể lực của họ so với các đồng nghiệp tuyển Anh như Sterling hoặc Sancho...thì chưa biết ai hơn ai.
Vắng Eriksen, người ta có cảm giác HLV Hjulmand “vừa chạy vừa xếp hàng” với những nhân sự ông có trong tay. Tuy nhiên giờ đây đã có một Đan Mạch rất ổn định khi vận hành sơ đồ 3-5-2 hay 3-4-2-1 và nó đã mang lại hiệu quả tức thì.
Đan Mạch rất nguy hiểm nhờ sự chuyển cánh liên tục lúc bên trái, khi bên phải của Damsgaard và Braithwaite khiến hậu vệ đối phương, những người vốn được “ đóng đinh” vị trí nên rất khó đeo bám. Ngoài ra, hai tiền vệ trung tâm Højbjerg - Delaney có thể “ cán mỏng ” hệ thống phòng ngự đối phương bất kỳ lúc nào do họ sẵn sàng dâng cao gây áp lực mỗi khi Đan Mạch chuyển trạng thái trong phản công hoặc chủ động pressing.
|
Tuyển Anh của ông Southgate thường thắng đối phương bằng những pha đánh biên, tạt ngang đánh đầu hoặc tận dụng các đường chọc khe để tiền đạo băng cắt ghi bàn. Tuyển Anh luôn thận trọng, chậm rãi vận hành đội hình một cách chặt chẽ. Đó là cách chơi thật sự khó chịu với những đối thủ mạnh, muốn đánh phủ đầu “thiên hạ”. Thế nhưng Đan Mạch của ông Hjulmand lại hoàn toàn khác! Họ là tập thể kiên nhẫn, chơi bóng “ nhặt khoan”. Thế công của Đan Mạch là khai thác sơ hở đối phương khá tinh tế, chắt chiu tối đa những cơ hội có được. Trong phòng ngự, họ có đủ khả năng bịt kín những ý đồ tấn công theo “phong cách Anh” với số đông nhiều tầng dựa trên dàn cầu thủ dồi dào thể lực và không chiến giỏi.
Đan Mạch vì thế không hề là một hiện tượng may mắn, tiến vào bán kết chỉ bằng sức mạnh tinh thần và niềm cảm hứng bởi hào quang quá khứ của năm 1992. Đan Mạch của hiện tại chính là “thùng thuốc súng” với nhiều “điểm nổ” tiềm ẩn buộc tuyển Anh phải hết sức dè chừng.
Người ta bảo rằng, Đan Mạch là đội bóng “không có ngôi sao” nhưng thực chất họ chính là “chòm sao” trên “vòm trời” EURO lần này.
Trong mỗi hành trình ở các kỳ EURO của đội bóng xứ Bắc Âu dường như có một sự sắp đặt nào đó của định mệnh rất khó lý giải. Nó giống như câu chuyện ông Hjulmand luôn tin vào “chiếc áo đen thủng lỗ” luôn mang lại may mắn cho Đan Mạch mỗi khi ông khoác nó lên người.
|
Lại nhớ, ông Hjulmand sẽ chẳng thể trở thành HLV tuyển quốc gia Đan Mạch nếu không vì dịch Covid.19 bùng phát và Vòng chung kết EURO 2020 phải bị lùi lại 365 ngày. Nhờ vậy ông được chọn thay thế HLV người Na Uy- Age Hareide hết hợp đồng trong “khoảng lặng thời gian” mà mà EURO 2020 bị trì hoãn.
Từ câu chuyện “Cổ tích version 1992” đến việc ông Hjulmand trở thành vị “Chỉ huy” của “Binh đoàn lính chì”, cho đến “sự kiện Eriksen” và “chiếc áo đen may mắn”, rõ ràng đó là những chỉ dấu “bí ẩn” đáng để Đan Mạch trở nên hấp dẫn hơn bao giờ hết cho những ai có tính hiếu kỳ.
Chúng ta đang chứng kiến một tuyển Đan Mạch với sức mạnh lúc ẩn, lúc hiện rất khó lường mà người Anh không thể xem thường trong cuộc đối đầu sắp tới
Bình luận (0)