Khoảng 40% xe phải thay mới
Trong dự thảo, Bộ GTVT đề xuất sửa đổi khoản 2 điều 6 về xe tập lái trong quy định điều kiện về cơ sở vật chất kỹ thuật của cơ sở đào tạo lái ô tô như sau: Có xe tập lái các hạng thuộc quyền sử dụng hợp pháp của cơ sở đào tạo lái xe; được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xe tập lái; trường hợp cơ sở đào tạo có dịch vụ sát hạch lái xe, căn cứ thời gian sử dụng xe sát hạch vào mục đích sát hạch, được phép sử dụng xe sát hạch để vừa thực hiện sát hạch lái xe, vừa đào tạo lái xe nhưng số lượng xe sát hạch dùng để tính lưu lượng đào tạo không quá 50% số xe sát hạch sử dụng để dạy thực hành lái xe.
Ô tô tải sử dụng để dạy lái xe các hạng B1, B2 phải có trọng tải từ 1.000 kg trở lên với số lượng không quá 30% tổng số xe tập lái cùng hạng của cơ sở đào tạo.
Đáng chú ý, xe tập lái hạng B1, B2 và FB có niên hạn không quá 20 năm (tính từ năm sản xuất); xe tập lái hạng C, FC, D, E, FD và FE có niên hạn theo quy định tại Nghị định số 95/2009/NĐ-CP quy định niên hạn sử dụng đối với ô tô chở hàng và ô tô chở người. Nếu chiếu theo quy định hiện hành, các loại xe này sẽ có niên hạn tối đa từ 17 - 25 năm.
Lý giải đề xuất này, phía cơ quan tham mưu trực tiếp là Cục Đường bộ VN cho rằng việc sử dụng ô tô cũ (chất lượng kém) trong đào tạo, sát hạch lái xe tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn. Quy định niên hạn nhằm giải quyết tiềm ẩn nguy cơ này, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông. Theo tính toán của Cục Đường bộ, số lượng xe hạng B (xe 4 chỗ) cần thay thế là rất lớn, chiếm khoảng 40% ở các cơ sở đào tạo lái xe. Điều này sẽ gây ảnh hưởng đến kinh phí đầu tư của các cơ sở đào tạo lái xe và trung tâm sát hạch.
Đúng theo ước tính của Cục Đường bộ, ông T.H, Giám đốc một trung tâm đào tạo sát hạch lái xe ở TP.HCM, nhẩm tính trung tâm của ông sẽ phải thay thế khoảng 40% số lượng phương tiện nếu đề xuất áp dụng niên hạn nói trên được thông qua, tương ứng với số tiền đầu tư trên 20 tỉ đồng. Đây là số chi phí rất lớn bởi theo ông T.H, từ sau đại dịch Covid-19 đến nay, liên tiếp rất nhiều quy định mới về đào tạo sát hạch lái xe được ban hành đã khiến các trung tâm lái xe phải bỏ thêm rất nhiều tiền đầu tư. Riêng khoản lắp cabin đã "ngốn" hơn 5 tỉ đồng. Tiền xăng xe, dầu nhớt, nhiều thầy dạy bỏ nghề nên lương nhân công… cái gì cũng tăng, khiến ông T.H buộc phải nâng học phí từ 18 triệu đồng lên 20 triệu đồng/học viên.
"Bần cùng lắm mới phải tăng học phí bởi ngay như trong nhà tôi cũng có họ hàng vì thấy học phí cao quá nên tạm ngưng ý định đi học. Trước đây mọi người có thể coi lái xe như một kỹ năng cần phải có nhưng giờ thì ai nhắm có đủ khả năng mua xe mới đi học. Vì học phí mắc quá. Tự nhiên bỏ ra 20 triệu đi học lái xe thì họ sẽ phải cân nhắc. Nhu cầu giảm mà chi phí đầu tư ngày càng cao nên nếu tiếp tục áp dụng thêm quy định niên hạn, các trung tâm đào tạo sát hạch sẽ càng thêm khó khăn, thậm chí nhiều nơi phải phá sản", ông T.H lo ngại.
Xe tập lái càng phải "siết" an toàn ?
Cũng nhắm phải đầu tư thêm vài chục tỉ đồng để thay mới phương tiện nhưng ông Nguyễn Anh Dũng, Phó hiệu trưởng Trường trung cấp Giao thông Tiến Bộ (TP.HCM), lại cho rằng việc đầu tư nâng cấp phương tiện, cơ sở vật chất là điều kiện cần thiết đối với các trung tâm đào tạo lái xe. Thực tế, xe dùng trong công tác đào tạo có thể lâu xuống cấp do có người bảo dưỡng thường xuyên nhưng xe sát hạch sẽ xuống cấp rất nhanh bởi học viên tập tối ngày, sử dụng với tần suất cao. Do đó, ngay cả khi các phương tiện này không phải áp dụng niên hạn nhưng Trường Tiến Bộ trước nay vẫn chủ động thay mới dần từng phương tiện. Nếu chủ động đầu tư dần dần thì áp lực chi phí cũng sẽ giảm xuống, không bị "dồn" một đợt. Ngoài ra, chi phí đầu tư nâng cấp phương tiện của cơ sở đào tạo sát hạch nếu đã được chủ động lên kế hoạch bài bản ngay từ đầu thì cũng sẽ không ảnh hưởng nhiều tới học phí của học viên, mức chênh lệch không quá lớn.
Xe tập lái càng cần phải được ưu tiên kiểm soát chất lượng hơn bởi người sử dụng là những học viên chưa thành thạo kỹ năng. Trường hợp điều khiển chưa đúng kỹ thuật thì xử lý trên phương tiện tốt sẽ dễ hơn một phương tiện cũ, không đảm bảo đủ chất lượng. Tuy nhiên, niên hạn cần áp dụng ngang hàng với các loại xe thông thường.
PGS-TS Phạm Xuân Mai
"Thực tế thì vấn đề học phí hãy để cho thị trường tự điều tiết. Anh đầu tư xe tốt, thầy dạy tốt, chất lượng tốt, thì học viên cũng sẵn sàng trả học phí mắc hơn chút. Tôi không ngại khi nói học phí ở Tiến Bộ luôn cao hơn các trường khác nhưng chúng tôi vẫn có rất nhiều học viên. Họ sẵn sàng trả thêm vài triệu để được ngồi trong xe tốt, cầm cái vô lăng thấy "sướng" hơn hẳn. Còn ai muốn học phí thấp hơn thì chấp nhận phương tiện cũ hơn. Đó là thị trường. Tuy nhiên, yếu tố cơ bản nhất là an toàn thì phải tuyệt đối chấp hành. Tôi cho rằng việc áp niên hạn với xe tập lái, xe sát hạch là bước tiến mới của xã hội", ông Dũng nêu quan điểm.
PGS-TS Phạm Xuân Mai, nguyên Trưởng khoa Kỹ thuật giao thông, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cũng nhận định việc áp niên hạn cho các loại xe tập lái, xe sử dụng thi sát hạch là cần thiết vì xe tập lái hay xe sử dụng trong công tác đào tạo, thi sát hạch lái xe thực chất cũng là phương tiện đang lưu hành. Ngay cả khi không áp dụng niên hạn như hiện nay, một phương tiện ô tô cũng chỉ chạy được trong một khoảng thời gian nhất định, tùy theo vòng đời do nhà chế tạo quy định có thể được tính theo số ki lô mét lăn bánh, tính theo tuổi thọ động cơ hay tuổi thọ của một cụm quan trọng trên xe như hộp số. Trung bình theo các điều kiện này thì số ki lô mét xe chạy đến kỳ phải loại bỏ sẽ nằm trong khoảng 200.000 - 300.000 km. "Đơn cử, tuy cùng là hạng lái xe B1 nhưng ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi cũng phải áp theo loại xe tương tự bên ngoài, ô tô tải, khách hay xe du lịch khác cũng vậy. Cần áp niên hạn thống nhất các loại xe", PGS-TS Mai lưu ý.
Bình luận (0)