Có nên bổ nhiệm thẩm phán không thời hạn?

29/10/2023 06:47 GMT+7

TAND tối cao đề xuất từ nhiệm kỳ thứ hai trở đi, thẩm phán sẽ được bổ nhiệm đến khi về hưu, thay vì chỉ 10 năm rồi lại bổ nhiệm lại như hiện hành.

Đầu tháng 11 tới, kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV sẽ thảo luận về dự án luật Tổ chức TAND sửa đổi. Luật này do TAND tối cao chủ trì soạn thảo, với rất nhiều đề xuất mang tính đột phá liên quan đến chức danh thẩm phán.

Có nên bổ nhiệm thẩm phán không thời hạn ? - Ảnh 1.

TAND tối cao đề xuất từ nhiệm kỳ thứ hai trở đi, thẩm phán sẽ được bổ nhiệm đến khi về hưu, thay vì chỉ 10 năm rồi lại bổ nhiệm lại như hiện hành

PHÚC BÌNH

Theo quy định đang có hiệu lực tại luật Tổ chức TAND năm 2014, nhiệm kỳ đầu của thẩm phán là 5 năm; trường hợp được bổ nhiệm lại hoặc được bổ nhiệm vào ngạch thẩm phán khác thì nhiệm kỳ tiếp theo là 10 năm. TAND tối cao cho rằng nhiệm kỳ như vậy là tương đối ngắn, khiến đội ngũ thẩm phán chịu tác động và sức ép rất lớn khi xét xử; chưa kể quy trình bổ nhiệm cần nhiều thủ tục, thời gian, tạo tâm lý không yên tâm công tác. Những yếu tố này phần nào ảnh hưởng đến sự độc lập của thẩm phán.

Để khắc phục, TAND tối cao đề xuất nhiệm kỳ đầu của thẩm phán vẫn là 5 năm, nhưng nếu được bổ nhiệm lại thì nhiệm kỳ tiếp theo sẽ đến khi nghỉ hưu hoặc chuyển công tác khác. TAND tối cao kỳ vọng rằng sự thay đổi này sẽ giúp thẩm phán tăng tính độc lập, không bị yếu tố bên ngoài tác động, hạn chế tình trạng thôi việc…

Sẽ không còn "vừa xử vừa lo"

Đồng tình với đề xuất của TAND tối cao, GS-TS Lê Hồng Hạnh, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp), nói rằng với cơ chế tái bổ nhiệm sau 10 năm như hiện hành, nhiều thẩm phán sẽ có tâm lý vừa xử vừa lo, "lo vì xử mà không đúng theo ý chỉ đạo hoặc cuộc điện thoại của lãnh đạo thì tới đây liệu có được tái bổ nhiệm hay không", "như vậy sao mà độc lập được". Trong khi đó, nếu bổ nhiệm không thời hạn, đây là sẽ yếu tố quan trọng giúp mục tiêu độc lập xét xử trở nên khả thi hơn.

Cùng quan điểm, trung tướng Trần Văn Độ, nguyên Phó chánh án TAND tối cao, nhận định cơ chế bổ nhiệm vừa gây tốn kém về thời gian, công sức, tiền bạc, vừa khiến thẩm phán luôn trong tâm thế "rón rén". Ông cho rằng đề xuất của TAND tối cao là khả thi, bởi nhiều nước trên thế giới đã làm; hơn thế dự thảo khá chặt chẽ khi quy định bổ nhiệm không thời hạn chỉ áp dụng với nhiệm kỳ thứ hai, sau khi thẩm phán đã trải qua nhiệm kỳ đầu 5 năm. Đây là giai đoạn coi như "tập sự", thử thách đối với thẩm phán, nếu họ làm tốt thì hoàn toàn xứng đáng được bổ nhiệm không thời hạn.

Ở góc nhìn khác, ông Trương Việt Toàn, nguyên Phó chánh tòa hình sự (TAND TP.Hà Nội), cho rằng việc thay đổi nhiệm kỳ của thẩm phán phải xem xét trên nhiều khía cạnh, gốc rễ là yếu tố con người. Bằng kinh nghiệm thực tiễn, ông Toàn đánh giá năng lực của thẩm phán ở nhiều nơi còn hạn chế, nhất là vùng sâu, vùng xa. Một số trường hợp tòa ra quyết định thỏa thuận giữa các đương sự nhưng phải sửa đi sửa lại, rồi nhiều bản án sau khi tuyên phải giải thích thì mới thi hành được. Đặc biệt, trước sự biến động và phát triển của KT-XH, nhiều hình thái, khái niệm, thuật ngữ mới xuất hiện, nhưng đôi khi thẩm phán chưa cập nhật kịp.

Vì vậy, theo ông Toàn, trước khi tính toán chuyện thay đổi nhiệm kỳ, trước mắt cơ quan quản lý cần tập trung và dành nguồn lực để đào tạo, nâng cao năng lực chuyên môn của đội ngũ thẩm phán. Khi năng lực thẩm phán đã tốt, đây sẽ là tiền đề, nền móng vững chắc cho sự thay đổi, bứt phá.

Trong khi đó, luật sư Bùi Đình Ứng (Đoàn luật sư TP.Hà Nội), cho rằng độc lập xét xử không nhất thiết phụ thuộc vào nhiệm kỳ của thẩm phán ngắn hay dài. Sự độc lập ấy nếu có bị tác động là do từ cấp trên hoặc lãnh đạo địa phương, hoặc do chính bản thân thẩm phán gục ngã trước các cám dỗ. Nếu cần và phải thay đổi, biện pháp căn cơ là minh bạch hóa, cụ thể hóa quy trình bổ nhiệm. "Thẩm phán mà làm tốt, không có đơn thư tố cáo, không bị kỷ luật… thì đương nhiên được bổ nhiệm lại, không cần phải xin ý kiến", luật sư Ứng gợi mở, đồng thời khẳng định quy định nhiệm kỳ như hiện nay sẽ là công cụ để giám sát, kiểm soát hoạt động công vụ của thẩm phán.

Cơ chế nào kiểm soát khi không còn bổ nhiệm lại?

Theo ông Trương Việt Toàn, việc kéo dài nhiệm kỳ của thẩm phán có thể giúp tăng tính độc lập, nhưng ngược lại sẽ dễ dẫn tới triệt tiêu động lực phấn đấu. Bởi lẽ, xu thế chung của nhiều người là khi yên vị ở một vị trí nào đó, nếu đòi hỏi họ rèn luyện, trau dồi sẽ rất khó. "Sau 5 năm và được bổ nhiệm đến khi nghỉ hưu, liệu năng lực của thẩm phán có theo kịp sự phát triển của thực tiễn, nếu không đáp ứng thì có biện pháp gì xử lý?", ông Toàn đặt vấn đề.

Tương tự, luật sư Bùi Đình Ứng cho rằng việc bổ nhiệm không thời hạn có thể khiến thẩm phán nảy sinh tâm lý ỷ lại, "yên tâm mà làm việc cho qua ngày". Trong trường hợp bắt buộc kéo dài nhiệm kỳ, vị luật sư đề nghị phải có quy định đủ chặt chẽ, nghiêm khắc để không xảy ra tình trạng này.

GS-TS Lê Hồng Hạnh nhìn nhận những lo ngại, băn khoăn mà luật sư Ứng và ông Toàn đặt ra là hoàn toàn có căn cứ. Tuy vậy, việc kiểm soát để buộc thẩm phán làm tốt và có động lực phấn đấu sẽ dễ hơn rất nhiều việc kiểm soát sự chi phối của "ông bí thư, ông chủ tịch". Song song với kéo dài nhiệm kỳ, việc tuyển chọn đầu vào đối với thẩm phán cũng phải chất lượng hơn, đảm bảo lựa chọn được những người đủ đức, đủ tài đứng trong hàng ngũ. Thêm vào đó, việc bổ nhiệm không thời hạn có thể tạm thời chưa áp dụng đại trà ngay lập tức, mà dần dần, thông qua các bộ tiêu chí khắt khe, lớp ưu tú trước rồi đến các lớp kế cận.

Cùng quan điểm, trung tướng Trần Văn Độ cho rằng các quy định hiện hành đã đảm bảo đầy đủ chế tài đối với thẩm phán vi phạm về mặt đạo đức hoặc pháp luật. Cụ thể, luật nêu rõ các hành vi bị nghiêm cấm đối với thẩm phán, các trường hợp bị miễn nhiệm, cách chức; thậm chí nếu vi phạm pháp luật thì xử lý bình đẳng như mọi công dân khác.

Về phía TAND tối cao, cơ quan này cho biết dự thảo luật đã bổ sung một số tiêu chuẩn bổ nhiệm đối với chức danh thẩm phán, nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Thẩm phán được bổ nhiệm không chỉ đòi hỏi có kiến thức sâu về pháp luật, giàu kinh nghiệm về chuyên môn mà phải có cả kinh nghiệm sống, tầm hiểu biết rộng về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Dự thảo còn bổ sung thêm một điều luật mới quy định về trách nhiệm của thẩm phán; cùng với đó là các quy định về việc miễn nhiệm, bãi nhiệm nếu thẩm phán không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm đạo đức hoặc vi phạm pháp luật.

Đừng để đương sự "nuôi dưỡng" thẩm phán

Tại Tọa đàm giáo dục về phòng, chống tham nhũng với yêu cầu xây dựng văn hóa liêm chính trong giai đoạn mới diễn ra hôm 19.10, trung tướng Trần Văn Độ nói rằng với mức lương của thẩm phán chỉ 8 triệu đồng/tháng, tương đương với nghề giúp việc, như vậy thì "liêm chính không nổi".

Trao đổi lại với Thanh Niên, trung tướng Độ tiếp tục khẳng định để thẩm phán thực sự độc lập khi xét xử, ngoài thay đổi về thời hạn bổ nhiệm thì cải cách tiền lương là điều vô cùng quan trọng; phải làm sao để thẩm phán có thể sống được bằng lương, yên tâm công tác, không dễ gục ngã trước cám dỗ vật chất. Ông cho rằng nhà nước phải có trách nhiệm nuôi dưỡng liêm chính cho đội ngũ thẩm phán, chứ đừng để đương sự "nuôi dưỡng", vì như vậy công lý sẽ không còn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.