Xe

Có nên bỏ trung tâm hành chính ngàn tỉ?

13/08/2016 05:44 GMT+7

Chủ trương dời trung tâm hành chính của TP.Đà Nẵng đang gây xôn xao trong dư luận.

Có ý kiến cho rằng công trình không phù hợp để đặt nơi làm việc của cơ quan công quyền vì thiếu tính uy nghiêm và nhiều bất cập. Nhưng cũng có nhiều ý kiến di dời sẽ gây lãng phí lớn...
Cũng cần làm rõ trách nhiệm của những
người liên quan đến tòa nhà này về tư vấn giải pháp kiến trúc, giám sát thực hiện, quản lý... Không thể muốn đổi là đổi ngay được. Hơn 2.100 tỉ đồng tiền thuế của dân đầu tư xây dựng tòa nhà này chứ không ít ỏi gì
TS Phạm Sĩ Liêm,  Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng VN
Trả lời Thanh Niên liên quan đến vấn đề này, thạc sĩ Nguyễn Bình Dương, Viện Quy hoạch xây dựng (trực thuộc Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM), cho rằng “rất bất ngờ” khi biết thông tin Đà Nẵng đặt vấn đề di dời trung tâm hành chính.
Theo ông Dương, xét về mặt chủ trương của nhà nước thì việc “gom” các đầu mối giải quyết hồ sơ hành chính về một địa chỉ là đúng, vì tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, tổ chức khi đến giải quyết các thủ tục với cơ quan chức năng. Tuy nhiên, từ chủ trương đúng đó đến phương án thực hiện là cả một quá trình và là một vấn đề lớn. Nếu làm thì buộc phải phù hợp với điều kiện thực tiễn và nhiều yếu tố khác, chứ không thể duy ý chí là có chủ trương rồi thì cứ xây. Việc bỏ ra hơn 2.100 tỉ đồng để xây dựng, đưa vào vận hành chưa được bao lâu, nay lại tính chuyện di dời, rõ ràng bộc lộ một hạn chế là những ẩn số liên quan đến các yếu tố kỹ thuật, xã hội… chưa được chuẩn bị kỹ, tính toán hợp lý.
“Một sai sót và phải rút kinh nghiệm”
Thông tin này được kiến trúc sư (KTS) Hoàng Quang Huy, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch VN, Chủ tịch Hội Quy hoạch -Phát triển đô thị TP.Đà Nẵng, xác nhận. Ông Huy cho biết kiến trúc công trình trung tâm hành chính hiện nay được xây theo phương án thiết kế của Hàn Quốc. Trước khi thi công, phương án này từng bị ông, với tư cách là thành viên hội đồng thẩm định, bác bỏ vì công năng sử dụng kém, không tạo ra sự uy nghiêm cần thiết của một cơ quan công quyền lớn nhất TP. “Tôi cho là khối nhà hành chính theo khối hình tròn như thế là nhiều bất lợi cho công chức làm việc trong đó. Nhiều người tập trung vào đó sẽ phát sinh tình trạng thiếu ô xy. Do bọc bằng kính cùng với khối tròn cố định nên kiến trúc này hoàn toàn không phù hợp với điều kiện thời tiết nóng như ở miền Trung”, ông Huy nói và cho rằng khi có sự cố thì việc thoát nạn sẽ rất khó khăn. “Công trình tòa nhà hành chính là một sai sót và phải rút kinh nghiệm”, ông Huy nói thêm.
KTS Hoàng Quang Huy cho rằng: “Tốt nhất là nếu có nhà đầu tư nào muốn tiếp nhận và trả lại tiền cho TP làm công trình mới. Đó chỉ là sự hoán đổi công trình cho nhau thôi. Có thể số tiền sẽ không bằng đầu tư ban đầu nhưng cần thiết phải lo sức khỏe cho cán bộ về lâu dài”, ông Huy ủng hộ quan điểm chuyển đổi công trình này: “Hoán đổi chứ không phải là đập bỏ, phá nó nên không lãng phí”.
Ông Nguyễn Cửu Loan, Chánh văn phòng Hội Quy hoạch - Phát triển đô thị TP.Đà Nẵng, cho rằng về nguyên tắc thiết kế một công trình thì phải đón được nắng, gió nhưng tòa nhà này lại kín bưng, không thoát khí được. “Công trình này sai lầm nằm ở chỗ là chỉ chú ý hình thái kiến trúc mà không chú ý đến công năng sử dụng”, ông Loan nói.
KTS Tô Văn Hùng, Trưởng ban Đô thị (HĐND TP.Đà Nẵng), Phó chủ tịch Hội KTS Đà Nẵng, cho biết công trình có tổng diện tích gần 65.000 m2, phục vụ cho khoảng 1.500 cán bộ là hợp lý. “Tuy nhiên, về mặt kỹ thuật, việc sử dụng vỏ bao che có diện tích lớn bằng chất liệu kính chưa thật sự phù hợp với địa phương nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới, có số giờ nắng bình quân trong năm là hơn 2.000 giờ như Đà Nẵng. Đặc biệt, đối với các tầng trên cao của khối tháp, do thu nhỏ dần nên góc chiếu mặt trời lớn tạo khả năng hấp thu bức xạ mặt trời cao”, KTS Hùng nhìn nhận. Theo ông Hùng, hình dạng mặt bằng tòa tháp được thiết kế với dạng mặt bằng hình tròn nên bất lợi về mặt tiện nghi cho thể loại trụ sở làm việc, khó khăn cho việc phân chia và bố trí không gian làm việc.
“Theo tôi, giải pháp trước mắt đối với tòa nhà là cần áp dụng công nghệ xử lý bề mặt nhằm giảm thiểu tối đa bức xạ mặt trời, lắp đặt thêm quạt hút gió các tầng trên cao và các cửa lấy gió tươi cho các không gian làm việc”, ông Hùng kiến nghị và nói về lâu dài việc nghĩ đến một trung tâm hành chính mới cho TP là điều cần phải tính tới để giảm áp lực cho khu vực trung tâm. Bởi tương lai đô thị sẽ phình to cả về quy mô đất đai cũng như dân số, gấp 2 - 3 lần hiện nay.
Vội vàng di dời có thể gây lãng phí lớn
KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng đây là một bài học thực tiễn cho việc xây trung tâm hành chính cao tầng, cũng như việc xây dựng các tòa nhà cao tầng khác ở VN, vì công trình bọc quá nhiều kính, không phù hợp với khí hậu nắng nóng ở VN. “Những kiến trúc kiểu này khi vận hành sẽ rất tốn kém về điện năng để chạy điều hòa công suất lớn. Có thể khẳng định ngay rằng tòa nhà này không phải là kiến trúc xanh, kiến trúc bền vững, do đó phải cải tạo”, ông Sơn nói.
Về kiến nghị di dời, ông Sơn cho rằng “không nhất thiết phải di dời mà phải nghĩ đến nhiều giải pháp khả thi hơn về mặt kiến trúc, kết cấu công trình”. “Nếu như tòa nhà hiện hữu thiếu ô xy và nóng, có thể là do sợ tốn tiền điện nên vận hành hệ thống điều hòa không đủ công suất. Giải pháp khả thi nhất là cải tạo theo hướng kiến trúc xanh, trong đó có những nhóm giải pháp như lắp đặt một lớp kết cấu nhẹ chống nắng ở bên ngoài, đảm bảo ánh sáng vẫn vào nhưng giảm đáng kể bức xạ nhiệt; tạo thông thoáng tự nhiên và hợp lý hóa việc sử dụng năng lượng bên trong công trình. Nếu làm tốt thì chi phí vận hành giảm đi rất nhiều và chúng ta có không gian làm việc, sinh hoạt tiện nghi, đặc biệt là không cần di dời nữa”, ông Sơn phân tích.
Theo ông Sơn, trung tâm hành chính đặt ở khu vực trung tâm TP cũng có thế mạnh riêng. Giải quyết vấn đề kẹt xe hoặc nguy cơ kẹt xe, thì hoàn toàn có thể làm bãi giữ xe ở một khu vực khác, rồi sử dụng phương tiện công cộng để tiếp chuyển người dân đến làm thủ tục, liên hệ công tác. Trong khi đó, ông Bùi Văn Tiếng, nguyên Trưởng ban Tổ chức Thành ủy, Chủ tịch Hội Khoa học - Lịch sử TP.Đà Nẵng, nhận định: “Có khả năng gây lãng phí lớn nếu quyết định di dời vội vàng". Theo ông Tiếng, cần phải tìm giải pháp khắc phục các nhược điểm “thiếu khí tươi, nóng quá”, chứ không nên có một giải pháp duy nhất là di dời. “Di dời vội vàng sẽ gây lãng phí lớn hơn nữa", ông Tiếng nói.
Lý do không thuyết phục
KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc VN, cho biết nóng và thiếu không khí là những lý do không thuyết phục để dời bỏ tòa nhà xây bằng hơn 2.100 tỉ đồng tiền thuế của nhân dân. Theo ông Tùng, nếu thực sự tòa nhà bị nóng, thiếu không khí thì việc cải tạo lại để đỡ nóng, thông gió, đủ dưỡng khí không hề khó khăn, tốn kém gì nhiều.
TS Phạm Sĩ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng VN, cũng cho rằng, nếu TP.Đà Nẵng đổ tại tòa nhà bị nóng, thiếu không khí thì cần phải có báo cáo thật chi tiết về những khu vực nào bị nóng, bí thở, tỷ lệ có nhiều so với tổng diện tích không. “Bên cạnh đó, cũng cần làm rõ trách nhiệm của những người liên quan đến tòa nhà này về tư vấn giải pháp kiến trúc, giám sát thực hiện, quản lý... Không thể muốn đổi là đổi ngay được. Hơn 2.100 tỉ đồng tiền thuế của dân đầu tư xây dựng tòa nhà này chứ không ít ỏi gì”, ông Liêm nói.
Lê Quân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.