Sau khi mở diễn đàn “Có nên cấm học sinh mang điện thoại đến trường?”, rất nhiều ý kiến trái chiều của bạn đọc gửi về tòa soạn. Thanh Niên tiếp tục đăng ý kiến để cùng phụ huynh, nhà trường tìm ra giải pháp phù hợp.
Việc học sinh sử dụng điện thoại ở trường còn nhiều ý kiến trái chiều - Ảnh: Đào Ngọc Thạch |
Sao lại cấm?
Trước đây chúng ta không biết có bạo lực học đường, nhờ có điện thoại mà nhiều vụ ức hiếp, đánh nhau… trong trường học được tung lên mạng thì cha mẹ, xã hội mới biết để cùng vào cuộc giúp con trẻ học hành đàng hoàng. Vậy thì tại sao chúng ta lại cấm một việc làm hết sức lành mạnh như thế đối với học sinh (HS). Các em quay lại các hành động xấu, thì đó là sự giám sát rất hay, sao lại cấm? Vấn đề ở đây là chúng ta phải giáo dục các em việc tự mình xem xét nên quay, chụp như thế nào là hợp lý và những hình ảnh đó nên đưa cho ai, sử dụng vào mục đích gì.
Nguyễn Văn Ban (Phụ huynh học sinh một trường THCS, Q.3, TP.HCM)
Không ủng hộ!
Thực ra, vấn đề cho trẻ xài điện thoại cũng cần thiết trong những trường hợp trẻ gặp chuyện khẩn cấp, hay phụ huynh chậm trễ việc đưa rước. Tuy nhiên, không phải vì những cái đó mà tôi ủng hộ cho con sử dụng điện thoại di động. Bây giờ bắt mấy đứa nhỏ xài điện thoại “cùi” dễ gì chúng chịu. Thay vào đó, các cháu toàn xài điện thoại thông minh, có kết nối internet, nhắn qua nhắn lại thì không hay. Hiện nay, thông tin trên mạng tràn lan, trẻ khó có thể tự chọn lọc trong khi phụ huynh không có thời gian theo sát kiểm tra điện thoại của con mình. Bản thân tôi, ngoài việc gần gũi, chia sẻ với con, tôi luôn ghi sẵn những thông tin cơ bản để trong cặp xách của con như: bé học trường nào, số điện thoại liên lạc của gia đình… Ngoài ra, trong những trường hợp cần thiết, bé cũng đã biết chủ động mượn điện thoại của cô giáo hoặc chú bảo vệ, cô lao công gọi cho người thân.
Theo tôi, khi con bắt đầu vào lớp 10 và có ý thức tốt hơn, tôi mới cho con sử dụng. Lúc đó vào tuổi dậy thì, con có những mối quan hệ cần hòa đồng, cần kỹ năng giao tiếp xã hội và mặt bằng chung là những đứa trẻ khác ở tuổi đó cũng đã xài điện thoại rồi. Còn từ lớp 9 trở xuống là không nên.
Thái Thị Hoài Sơn (Phụ huynh học sinh lớp 2, ngụ ở P.2, Q.4, TP.HCM)
Tùy ý thức người sử dụng
Trong xã hội đông đúc như hiện nay, việc cho HS mang theo điện thoại cũng cần thiết vì nếu lỡ các em gặp sự cố gì, gia đình còn có thể liên lạc. Bên cạnh đó, các em có thể dùng điện thoại để tra tìm những thông tin học hành. Tuy nhiên, những mặt chưa tích cực cũng rất nhiều. Chẳng hạn, nhiều em chỉ dùng điện thoại để lướt web, chát chít, lên mạng xã hội cãi nhau, chia băng nhóm gây mâu thuẫn… chứ không chú ý đến việc học. Nói chung, nếu các em ý thức được tác dụng của điện thoại thì đó là điều tốt, còn nếu lạm dụng thì không hay.
Trường tôi có thông báo cấm HS sử dụng điện thoại trong trường. Nhưng trên thực tế, vẫn còn một số em sử dụng trái quy định để chụp hình tài liệu, quay bài thi…
Lê Đức Minh (Trường THCS Vân Đồn, Q.4, TP.HCM)
Nên sử dụng điện thoại như thế nào cho hiệu quả
Việc cấm HS sử dụng điện thoại di động là rất khó. Nhưng nếu cho phép sử dụng thì chúng ta cần giáo dục ý thức, tổ chức chuyên đề nói về tác hại của game, ảnh hưởng của mạng xã hội... để các em sử dụng điện thoại có chọn lọc và hiệu quả hơn. Điện thoại di động có thể làm cho người ta gần nhau hơn. Tuy nhiên, cũng rất dễ làm cho người ta trở nên vô cảm, nhiều khi nói chuyện với nhau bằng miệng nhưng tay và mắt lại tập trung vào điện thoại di động. Cần giúp các em hiểu rằng điện thoại di động là một phương tiện, phải sử dụng như thế nào, cách nào cho đúng. Bên cạnh đó, giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn khi dạy cũng nên lồng ghép việc giáo dục cách sử dụng điện thoại cho HS.
Đoàn Nhật Quang (Trợ lý thanh niên Trường THPT Marie Curie, Q.3, TP.HCM)
Dễ “làm mồi” cho kẻ xấu
Tôi không ủng hộ việc cho con mang điện thoại vào trường học, vì như vậy sẽ gây ra tình trạng mất trật tự trong lớp, không tập trung học hành; bạn bè nhắn tin qua lại, chọc nhau, chửi nhau... Mặt khác, đứa trẻ mang điện thoại bên mình rất dễ “làm mồi” cho những kẻ bắt cóc, cướp giật...
Tôi không đồng tình với ý kiến cho rằng HS có thể sử dụng điện thoại để quay lại những cảnh tiêu cực trong học đường, từ đó phản ảnh lại với nhà trường và các cấp. Bởi theo tôi, đó không phải là nhiệm vụ của các em. Chưa kể, làm như vậy đứa trẻ sinh ra tâm lý rình mò, cảnh giác người khác, vừa ảnh hưởng học hành vừa gây ra không khí thiếu thân thiện.
Phùng Tiến Như (Ngụ ở P.10, Q.Tân Bình, TP.HCM)
Bắt không đúng bệnh
“Theo tôi điện thoại chủ yếu chỉ liên lạc chứ không hỗ trợ nhiều cho việc học; đồng thời cũng không gây nhiều tác hại cho HS. Nếu nói có điện thoại thì HS sẽ nghiện game và mạng xã hội thì cũng không hoàn toàn đúng vì thời gian học ở trường chỉ có vài giờ. Trong giờ học đã cấm hoàn toàn, chỉ còn một khoảng thời gian rất ít là giờ ra chơi thì các em cũng không tới mức nghiện. Nếu vì lo ngại HS nghiện game, nghiện mạng xã hội mà cấm các em dùng điện thoại theo tôi nghĩ là bắt không đúng bệnh vì không sử dụng điện thoại, các em vẫn có thể sử dụng máy tính bảng và chơi game khi ra khỏi lớp”.
Huỳnh Tấn Thanh (Giám đốc Trung tâm giáo dục thường xuyên Chu Văn An)
Chỉ cấm học sinh thôi là… không công bằng
Theo em thì việc nhà trường cấm HS sử dụng điện thoại là không công bằng vì nhu cầu liên lạc, giải trí thì ai cũng giống nhau. Người lớn có nhu cầu liên lạc, giải trí thì HS chúng em cũng vậy. Nếu nói việc chính của HS khi tới trường là học, tiếp thu bài vở thì nhiệm vụ của giáo viên tới trường là dạy học trò. Vậy có cần cấm giáo viên sử dụng điện thoại trong trường học để đảm bảo công bằng.
Nguyễn Bá Hùng (Học sinh Trường THPT Trưng Vương, TP.HCM)
Tiện lợi hơn rất nhiều
Tôi nghĩ nếu HS mang điện thoại di động tới trường thì thuận lợi cho gia đình trong việc đưa đón. Nhiều hôm đợi ở cổng trường hơn 30 phút mà chưa thấy con, tôi chạy ra cả hai cổng chính và phụ cũng không thấy cháu đâu. Hỏi một số bạn cùng lớp cũng nói không biết, tôi rất lo lắng. Mãi sau mới thấy cháu và một số bạn cùng lớp đi ra. Lúc này HS trong trường đã về gần hết. Tôi mắng con thì cháu nói là phải ở lại phụ giáo viên tổ chức một số hoạt động cho trường. Tôi hỏi vậy tại sao không báo ba biết để bớt lo thì cháu nói có chạy ra tìm nhưng lúc ấy tôi chưa tới, sau đó phải chạy vào họp cùng các bạn ngay. Sau hôm ấy tôi mua cho con gái một chiếc điện thoại để phòng khi có việc gấp sẽ gọi cho thuận tiện.
Trần Văn Lai (Phụ huynh tại Q.3, TP.HCM)
Bình luận (0)