Hôm 15.4, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM tổ chức hội thảo góp ý dự thảo luật Tổ chức TAND (sửa đổi).
Tại điểm d khoản 3 điều 2 luật Tổ chức TAND năm 2014 thì tòa án có nhiệm vụ, quyền hạn: "Khởi tố vụ án hình sự nếu phát hiện có việc bỏ lọt tội phạm". Tuy nhiên, tại điều 3 của dự thảo đã bỏ đi quy định này.
Phát biểu tại hội thảo, bà Ung Thị Xuân Hương, Phó chủ tịch Hội luật gia TP.HCM (nguyên Chánh án TAND TP.HCM) thống nhất bỏ thẩm quyền khởi tố vụ án hình sự của toà án. Vì theo bà, việc ra quyết định khởi tố vụ án thuộc chức năng của cơ quan điều tra, công tố.
"Tòa án là cơ quan xét xử, nhưng ra quyết định khởi tố vụ án hình sự sẽ ảnh hưởng đến tính vô tư, khách quan trong quá trình xét xử vụ án đó. Thực tiễn 10 năm qua tòa án rất ít thực hiện việc khởi tố vụ án tại tòa", bà Hương chia sẻ.
Bà Hồ Thị Thanh Hương, Phó trưởng phòng kiểm sát dân sự, đại diện Viện KSND TP.HCM cũng tán thành với dự thảo là không nên quy định TAND có nhiệm vụ khởi tố vụ án hình sự tại phiên tòa.
"Trường hợp thiếu chứng cứ thì tòa án trả hồ sơ yêu cầu Viện kiểm sát điều tra bổ sung. Nếu phát hiện có việc bỏ lọt tội phạm, thì tòa án yêu cầu Viện kiểm sát khởi tố vụ án hình sự. Việc bỏ thẩm quyền của Hội đồng xét xử khởi tố vụ án hình sự tại phiên tòa góp phần phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của tòa án và các cơ quan tiến hành tố tụng khác", đại diện Viện kiểm sát nêu.
Trao đổi với Báo Thanh Niên về vấn đề trên, TS Trần Thanh Thảo (Đại học Luật TP.HCM) cũng cho rằng việc tòa án khởi tố vụ án, rồi sau đó lại xét xử vụ án đó thì yếu tố độc lập, khách quan của tòa án sẽ khó được đảm bảo.
Theo TS Thảo, để công tác xét xử của tòa án đạt hiệu quả cao, đòi hỏi tòa án phải hoàn thành tốt vai trò trung gian. Nghĩa là, tòa án phải là cơ quan xem xét các chứng cứ buộc tội và gỡ tội mà các bên đưa ra để làm rõ sự thật khách quan của vụ án, đảm bảo phán quyết của tòa án phản ánh kết quả tranh tụng của các bên tại phiên tòa.
Trong khi đó, để ra quyết định khởi tố vụ án tại phiên tòa, Hội đồng xét xử phải tập trung vào việc kiểm tra, xác minh nguồn thông tin về tội phạm mới, hoặc người phạm tội mới để đảm bảo quyết định khởi tố vụ án của mình là có căn cứ. "Việc này ảnh hưởng đến chất lượng xét xử của tòa án, cũng như hiệu quả của hoạt động tranh tụng tại phiên tòa", TS Thảo nhấn mạnh.
Ngoài ra, TS Thảo còn cho biết thêm, xuất phát từ sự khác biệt về hệ thống pháp luật và truyền thống chính trị - pháp lý của các quốc gia, nên không phải quốc gia nào cũng quy định cụ thể về nội dung khởi tố vụ án hình sự.
Tuy nhiên, một số quốc gia như: Mỹ, Nga... thì thẩm quyền khởi tố vụ án hình sự thường do cơ quan điều tra, hoặc cơ quan công tố thực hiện. Do đó, việc bãi bỏ quy định về thẩm quyền khởi tố vụ án hình sự của tòa án cũng phù hợp với các chuẩn mực pháp lý quốc tế.
Nên cho tòa án hủy bỏ văn bản quy phạm pháp luật trái với Hiến pháp?
Tại điểm d khoản 2 điều 3 dự thảo quy định tòa án có quyền: "Phát hiện, kiến nghị về tính hợp hiến, hợp pháp của văn bản quy phạm pháp luật trong xét xử theo quy định của luật".
Theo bà Ung Thị Xuân Hương, Phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM (nguyên Chánh án TAND TP.HCM), dự thảo mới chỉ dừng lại ở mức độ "phát hiện, kiến nghị". "Theo tôi, để tòa án thực sự thực hiện quyền tư pháp có hiệu quả thì đề nghị bổ sung thêm nhiệm vụ của tòa án xem xét tính hợp hiến, hợp pháp của văn bản quy phạm pháp luật", bà Hương nói.
Bởi theo bà Hương, hiện nay quy trình rà soát, kiểm tra văn bản được thực hiện tương đối khép kín trong nội bộ cơ quan hành pháp mà chưa có sự kiểm soát từ các cơ quan tư pháp. Do đó bà đề xuất bổ sung việc tòa án có thẩm quyền hủy bỏ văn bản quy phạm pháp luật trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy định của luật.
Bình luận (0)