Ủy ban phụ trách các vấn đề về trẻ em, trường học và gia đình của Anh là cơ quan đi đầu trong việc xúc tiến đưa vào áp dụng điều luật này với lý do: tính cạnh tranh gay gắt giữa các thí sinh trong những show THTT này có thể gây ra cho các em nhỏ những tổn thương tâm lý.
Lý lẽ này đặc biệt thuyết phục hơn sau sự kiện vào tháng 2 vừa qua, chương trình Boys and Girls Alone của Channel4 đã gây ra làn sóng bất bình trong các bậc phụ huynh khi cho 20 em học sinh trung học (cả nam lẫn nữ) ở cùng nhau 2 tuần trong một căn nhà mà không có sự giám hộ của người lớn. Qua truyền hình, hàng triệu khán giả đã chứng kiến các em này đánh nhau vì mâu thuẫn và cuối cùng cả nhóm tan rã trong nước mắt. Các nhà tâm lý học đã lên án rằng chương trình là một sự lạm dụng trẻ em. Sau đó, trong một buổi thi của Britain’s Got Talent, Hollie Steel (ảnh) mới 10 tuổi đã gục xuống khóc vì xấu hổ do quên lời bài hát. Những sự việc này càng khiến các nhà làm luật thêm quyết tâm trong việc siết chặt điều luật xung quanh việc cấp phép cho trẻ em tham gia show THTT. “Liệu chúng ta có muốn thấy con em mình bị máy quay phim dõi theo khi chúng đang khóc vì xấu hổ?” - một nhân viên chính phủ lên tiếng ủng hộ dự luật mới.
Từ 40 năm trước, Anh đã có quy định về việc các nhà tổ chức cần được chính quyền cấp phép khi tuyển trẻ em tham gia các hoạt động biểu diễn có trả thù lao. Nhưng hiện điều luật này đã khá lạc hậu. Các chương trình THTT dễ dàng “lách luật” khi tuyển trẻ em nếu chứng minh được rằng chương trình của họ không mang tính chất “biểu diễn” mà chỉ là một cuộc thi tài. Sự có mặt của trẻ em là một trong những yếu tố “câu khách” hiệu quả mà các nhà sản xuất không muốn đánh mất. Tại Việt Nam, tuy chưa xảy ra trường hợp nào đáng tiếc, nhưng các nhà sản xuất chương trình TH như show Bệ phóng tài năng của Let’s Việt, Đồ rê mí của VTV (chương trình có trẻ em tham gia) chắc chắn cũng nên lấy câu chuyện của nước Anh để xem như bài học cho chính mình.
Nguyên Chính (theo Times)
Bình luận (0)