Có nên dành cả tuổi trẻ để đi phượt?

24/06/2018 09:06 GMT+7

Trong không gian tiền sảnh của Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM, khi được hỏi: “Bạn nào đã từng đi phượt và vẫn muốn đi thật nhiều nơi nữa?”, hơn 80% cánh tay của người trẻ đưa lên.

Đi phượt hay sống xê dịch đã trở thành xu hướng và niềm đam mê của rất nhiều người trẻ.
Thế nhưng, làm thế nào để có một chuyến đi an toàn và không bị mọi người lên án, chỉ trích. Đây cũng là vấn đề mà nhiều bạn trẻ quan tâm tại một buổi nói chuyện “Trải nghiệm và kết nối” gần đây do Trung tâm hỗ trợ học sinh, sinh viên TP.HCM tổ chức.
Lâm Thị Loan, sinh viên Trường ĐH Luật TP.HCM, thắc mắc: “Bản thân mình đang chịu rất nhiều áp lực do vừa học vừa làm. Có lần mình mệt mỏi quá và thấy mình không thể cố gắng được nữa nên đã vay mượn tiền bạn bè để đi phượt. Mình không biết là làm như thế có đúng không vì luôn sợ mọi người nói rằng không có tiền mà cũng đi chơi”.
Phượt thủ, nhiếp ảnh gia Tâm Bùi hỏi ngược lại Loan: “Nhưng bản thân bạn có cảm thấy hài lòng từ sau chuyến đi đó không?”, Loan nhanh gọn: “Dạ có. Rất hài lòng ạ”.
Nghe Loan trả lời như vậy, anh Tâm Bùi nhìn nhận: “Thế là tốt rồi. Chỉ cần bản thân cảm thấy hạnh phúc, thấy hài lòng và có đủ năng lượng để lại tiếp tục công việc của mình, thì việc làm đó là ý nghĩa. Mình sống vì bản thân, chứ đừng chịu áp lực từ những suy nghĩ của người khác”.
Nói về câu chuyện “Dành cả tuổi trẻ chỉ để đi phượt”, anh Hoàng Lê Giang, phượt thủ đi qua 38 quốc gia và là người Việt đầu tiên chinh phục Bắc Cực, cho rằng nếu mới ra trường đi làm mà các bạn nghĩ đến việc bỏ việc chỉ để đi phượt thì cuộc sống của các bạn sẽ chật vật hơn. Mỗi người có một nền tảng và xuất phát điểm khác nhau, nhưng nếu muốn trải nghiệm thì nên đi làm 4 hoặc 5 năm rồi mới bắt đầu. Khi nào mình cảm thấy công việc của mình nhàm chán hoặc không có bứt phá gì thì lúc đó hãy nghĩ đến chuyện đi ra ngoài thế giới và trải nghiệm. Sinh viên thì nên ưu tiên việc học và việc đi làm sau khi ra trường. Từng thời điểm của cuộc đời sẽ có những mục tiêu khác nhau.
Đừng để hối tiếc
Là người dành rất nhiều thời gian để đi phượt nên anh Hoàng Lê Giang được các bạn trẻ đặt thắc mắc: “Có bao giờ cảm thấy chông chênh lo sợ khi mình đang ở đâu còn bạn bè thì thăng tiến trong công việc?”.
Anh Giang cho biết bản thân đã từng dành rất nhiều thời gian cho công việc, thậm chí làm sấp mặt trước khi anh bắt đầu những chuyến đi của mình.
“Mỗi người đều có một con đường và ước mơ khác nhau nên khi mình đã lựa chọn con đường của mình thì đừng so sánh nó với con đường của người khác. Giang quan niệm mình cứ làm công việc của mình, đam mê và cảm thấy hài lòng là được. Mình hãy nghĩ là những trải nghiệm này giúp mình học được những gì chứ đừng lấy thước đo xã hội là lương bổng hay địa vị để thấy mình bất tài hay vô dụng. Phải luôn nghĩ những gì là tốt nhất cho bản thân mình”.
Anh Giang cũng chia sẻ bản thân đã đi qua những trận bão tuyết, núi lửa nên anh thấy cuộc sống rất vô thường. “Vì thế Giang quan niệm mình không thể biết được ngày mai chuyện gì sẽ xảy ra nên hôm nay hãy làm hết mình vì những đam mê, đừng để về già ngồi nuối tiếc. Lúc đó có nuối tiếc cũng không mua lại được những năm tháng ta đã từng đi và trải nghiệm”.
Hãy đi cho “chất”
Trước câu chuyện của rất nhiều phượt thủ bị tử nạn trên các cung đường phượt, Lan Vy, sinh viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, hỏi: “Nếu như bị lạc trong rừng thì phải làm như thế nào? Hay đã từng có một phượt thủ bị lũ về đột ngột cuốn trôi. Vậy cách nào để nhận biết sẽ có lũ về?”
Anh Hoàng Lê Giang khuyên: “Khi biết mình bị lạc thì nên ngồi yên một chỗ, bình tĩnh và tìm cách giải quyết. Nên tải bản đồ về trên điện thoại, vì cho dù trong trường hợp nơi đó không có sóng điện thoại thì bản đồ đó vẫn có thể định vị được. Bên cạnh đó, nên mang theo các dụng cụ cần thiết như dao và đồ đánh lửa. Mùa mưa thì không nên đi rừng. Khi đi dọc sông suối, nếu thấy trời mưa hoặc chuẩn bị mưa thì ngay sau đó chắc chắn lũ sẽ đổ về rất nhanh, lúc đấy nên nhanh chóng tìm địa điểm cao để leo lên”.
Về vấn đề tai nạn khi đi phượt, anh Giang cho rằng dù đi phượt hay đi làm vẫn sẽ xảy ra tai nạn. Điều này nằm ở may rủi. Nhưng sự chuẩn bị chưa bao giờ là thừa.
“Điều đặc biệt là khi bạn muốn đi một nơi nào đó thì đừng chỉ nghe bạn bè rủ rê và đi theo phong trào. Hãy tìm hiểu thật kỹ về nơi đó, về thời tiết có phù hợp hay không, mình sẽ đi cùng ai, trong số đó, có những ai rành về địa bàn đó… Và gặp bất cứ trường hợp nào cũng bình tĩnh ngồi lại suy nghĩ mà giải quyết”, anh Giang nhấn mạnh.
Nhìn nhận về xu hướng đi phượt của người trẻ hiện nay, anh Trần Việt Anh (phượt thủ đi xe đạp qua các nước Đông Nam Á) chia sẻ: “Mình rất kỵ những quan điểm như đi phượt để sống ảo (chụp hình “cúng” mạng xã hội), vì như thế thật sự rất lãng phí thời gian và công sức. Một điểm đến có rất nhiều điều để khám phá và có rất nhiều trải nghiệm sẽ giúp ích cho các bạn trong những thời gian về sau, kể cả khi các bạn đã quay trở lại với công việc. Vì thế hãy đi cho chất, đi để có thêm nhiều kiến thức, kinh nghiệm sống, chứ đừng đi để lấy số lượng”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.