Có nên đặt cửa ga tàu điện ngầm sát hồ Gươm?

Hà Nội có Văn bản số 312/TB-UBND, trong đó thống nhất về vị trí cửa lên xuống ga tàu điện ngầm sát hồ Gươm. Tuy nhiên nhiều nhà văn hóa vẫn tiếp tục phản đối phương án này.

Hà Nội vừa có Thông báo số 312/TB-UBND về kết luận của tập thể lãnh đạo UBND TP.Hà Nội đối với các nội dung thống nhất về ga ngầm C9 thuộc Dự án đường sắt đô thị số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo. Theo đó, UBND TP cơ bản thống nhất về vị trí khu vực lối lên xuống số 3, 4 là phía sau đền Bà Kiệu và khu vực nhà vệ sinh bờ hồ Gươm.
Cân nhắc vận tốc và tránh giải phóng mặt bằng quá nhiều
Theo ông Nguyễn Đức Nghĩa, Trưởng phòng Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, đã từng có 10 phương án cửa ga khác nhau nhưng TP vẫn muốn chọn hai phương án này. Chẳng hạn, phương án đặt lối lên xuống tại vỉa hè phố Hàng Dầu khó khả thi do vỉa hè quá hẹp, lại ít có khả năng giải phóng nhà dân. Hay phương án đặt cửa ra trên hè phố Đinh Tiên Hoàng đoạn gần trụ sở UBND TP.Hà Nội cũng không được vì khu vực này tập trung nhiều cơ quan, cần đảm bảo an ninh. Phương án đặt trên vỉa hè hồ Gươm, đoạn đối diện Sở VH-TT Hà Nội cũng không phù hợp. “Cuối cùng, phương án bố trí lối lên xuống ở phía sau đền Bà Kiệu và khu vực nhà vệ sinh ven hồ Gươm được lãnh đạo UBND TP.Hà Nội đồng ý cho nghiên cứu”, ông Nghĩa nói.
Trong khi đó, theo ông Lưu Xuân Hùng, Phó ban Đường sắt đô thị TP.Hà Nội, vị trí đặt cửa ga ở khu vực hồ Gươm đã được nghiên cứu lâu dài và thận trọng. Lý giải cho việc lựa chọn cửa ga tại khu vực hồ Gươm dù từng có nhiều ý kiến của các nhà văn hóa phản đối, ông Hùng cho hay là vì có rất nhiều phương án đã được tính toán nhưng đều có nhược điểm nhất định.
Chẳng hạn, theo ông Hùng, trước đây đã xem xét vị trí cửa ga phía Lý Thái Tổ nhưng không xây dựng được. Lý do là nhà dân phía đó khi xây dựng đã đóng cọc hết, nếu muốn đủ kích thước cửa ga thì phải khoan cọc, chưa tính tới giải phóng mặt bằng khối lượng lớn. Một phương án khác là bến xe điện cũ Bờ Hồ. Trước đây Pháp đã chọn vị trí này làm trung tâm xe điện, rộng, tiện lợi, tiếp cận nhiều tuyến phố. Nhưng khác với xe điện, tàu metro chạy vận tốc trung bình là 40 - 45 km/giờ, chiều dài một tàu 6 toa là 120 m, nếu chạy nhanh không thể cua gấp được. Vị trí này cũng phải giải phóng mặt bằng 100 - 200 nhà phố cổ thì tàu mới đủ bán kính để lượn vòng, do đó khó khả thi, người dân cũng không ủng hộ.
Hết sức thận trọng
Ông Khuất Việt Hùng, bộ môn di sản kiến trúc, Trường Kiến trúc cũng nhấn mạnh khu vực dự kiến đặt cửa nhà ga là khu vực bảo vệ di tích quan trọng. “Quan điểm của tôi là động đến khu vực đó thì hết sức phải thận trọng. Vì nó động chạm cả về lịch sử và văn hóa. Về quan điểm bảo tồn thì tôi nghĩ khu vực này thuộc diện nếu đã bị ảnh hưởng rồi thì không khắc phục được. Vì thế cần phải có nghiên cứu đánh giá kỹ lưỡng, rõ ràng. Chẳng hạn trước chúng ta từng phá bỏ đường tàu điện, bỏ sạch đi nhưng đến bây giờ đã thấy tiếc rồi. Thậm chí tôi biết còn có cả nghiên cứu để phục hồi dần từng vùng cho tàu điện hồ Gươm”, ông nói.
Ông Hùng cũng cho rằng việc đặt vị trí cửa ga không chỉ phải xem xét vị trí đặt dựa trên hiện trạng mặt bằng, mà còn cần phải đáp ứng yếu tố kỹ thuật như các tiêu chuẩn bán kính quay vòng, tốc độ chạy tàu. Chẳng hạn, nếu đặt cửa ga ở Nhà hát Lớn thì tuyến đường tàu chạy khu vực này phải uốn lượn rất khó. Phương án đặt cửa ga Bát Cổ sẽ khiến tàu phải chạy phía bờ đê, như vậy lại không đảm bảo luật Đê điều, không tiếp cận trung tâm, không đúng yêu cầu của vận tải công cộng là đáp ứng nhu cầu và giải tỏa ách tắc. “Làm vận tải công cộng tốn cả tỉ đô mà cứ tìm chỗ trống, chỗ vắng mà làm cho dễ là không đúng, vì mục tiêu là thuận lợi cho người dân tiếp cận”, ông Hùng nói.
Vẫn trong khu vực bảo vệ di tích
Hồi tháng 3.2016, Bộ VH-TT-DL đã có văn bản yêu cầu TP có thêm phương án cho các cửa lên xuống này. Lý do là chúng nằm trong phạm vi khoanh vùng bảo vệ di tích quốc gia đặc biệt hồ Gươm và đền Ngọc Sơn. Đây là khu vực trọng yếu, gắn với truyền thuyết, lịch sử và văn hiến của thủ đô Hà Nội. Đồng thời, đây cũng là không gian có giá trị thẩm mỹ và cảnh quan, phục vụ nhu cầu sinh hoạt công cộng của nhân dân. Vì thế, các nhà khoa học được Bộ tham vấn không đồng tình.
GS Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội đồng di sản quốc gia cho biết: “Tất nhiên việc xây dựng ga tàu điện ngầm là chủ trương của TP thì tôi không có ý kiến gì. Nhưng phải có nguyên tắc. Thứ nhất khu vực đó rất hẹp. Từ đường Đinh Tiên Hoàng ra mép hồ rất hẹp. Khu để dành cho người dân người ta đi vãn cảnh chứ không phải để dồn dập người lên kẻ xuống. Chưa nói đây là khu vực mang tính chất tâm linh, và cũng là di tích quốc gia đặc biệt. Vì thế tôi cũng đã đề nghị đưa cửa nhà ga ra hẳn khỏi khu vực một, khu vực hai của di tích, gọi là khoanh vùng bảo vệ di tích theo luật”.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung, Phó phòng Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, cũng công nhận hai vị trí nêu trên đều có phần nằm trong ranh giới bảo vệ di tích đền Bà Kiệu (điểm gần nhất là 11 m) và hồ Gươm. Vì thế, các phương án kiến trúc sẽ được cân nhắc sao cho hài hòa cảnh quan.
KTS Trần Huy Ánh, Viện Nghiên cứu kiến trúc, Bộ Xây dựng, lại cho biết đơn vị tư vấn từng đề xuất phương án đặt cửa nhà ga vòng rộng ra ngoài 200 - 300 m so với hai điểm đang gây tranh cãi. “Phù hợp nhất là vòng rộng ra ngoài khoảng 200 - 300 m. Phương án này tư vấn đã đề xuất nhưng không dùng không rõ tại sao”, ông cho biết.
Họa sĩ Lê Thiết Cương đã theo dõi dự án này từ rất lâu và hoàn toàn không đồng ý việc đưa cửa lên xuống vào sát hồ Gươm đến như vậy. “Hà Nội đã quy hoạch vị trí đó thành phố đi bộ, mọi người phải gửi xe từ xa để đi vào. Thế thì hà cớ gì mà không khuyến khích đi bộ ở đó. Hoàn toàn có thể di chuyển cửa lên xuống ra cách hồ Gươm 500 m nữa. Tại sao cứ phải đưa tất cả vào tận vùng lõi của hồ Gươm như thế?”, ông nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.