Có nên để thí sinh tham gia vào quá trình xét tuyển

01/05/2005 23:10 GMT+7

Như Thanh Niên đã đưa tin, vừa qua, các cơ quan chức năng liên tục phát hiện ra việc sử dụng giấy chứng nhận điểm giả để xét tuyển vào các trường đại học (ĐH). Đây là một hình thức gian lận mới hình thành và có nguy cơ trở thành vấn đề lớn ở mỗi kỳ thi tuyển sinh mà nguyên nhân chính là do quy trình tuyển sinh cho phép thí sinh (TS) được tham gia vào quá trình xét tuyển.

Ai cũng biết việc thi chung đề vào ĐH, CĐ trong mấy năm gần đây đã giảm được áp lực căng thẳng của kỳ thi. Tuy nhiên, đến giai đoạn xét tuyển thì đã nảy sinh không ít phức tạp. Sự phức tạp bắt đầu từ quy trình xét tuyển với hàng loạt khâu rườm rà. Đơn cử, Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) quy định: TS có kết quả thi bằng hoặc cao hơn điểm sàn CĐ sẽ được cấp hai giấy chứng nhận kết quả thi (số 1 và số 2). Nếu không trúng tuyển đợt 1, TS dùng giấy số 1 để nộp hồ sơ xét tuyển đợt 2. Nếu không trúng tuyển đợt 2 thì dùng giấy số 2 để xét tuyển đợt 3. TS có kết quả thi thấp hơn điểm sàn được cấp phiếu báo điểm nhưng không được tham gia xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ sử dụng kết quả thi theo đề thi chung để xét tuyển.

Như vậy, sau khi có kết quả thi, TS đã trúng tuyển NV1 thì thôi, nhưng những TS chưa trúng tuyển NV1 phải hồi hộp theo dõi xem điểm sàn của Bộ GD-ĐT là bao nhiêu. Điểm trên điểm sàn thì lại phải nghe ngóng xem có trường nào còn xét tuyển NV2 hay không, chỉ tiêu là bao nhiêu để nộp đơn xin xét tuyển. Gửi rồi lại hồi hộp chờ đợi xem có trúng tuyển không. Nếu không lại phải tiếp tục gửi giấy chứng nhận số 2 để xét tuyển NV3. Thời gian xét tuyển thì có hạn, mà thí sinh thì phải hồi hộp chờ các trường gửi giấy chứng nhận kết quả thi rồi mới gửi đến trường có nhu cầu xét tuyển. Đây là cả một quá trình hồi hộp, căng thẳng vì TS phải tự tìm kiếm các thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng. Cũng chính vì thế mà cơ hội chỉ đến với những TS sớm nắm bắt được thông tin. Hàng loạt tiêu cực cũng từ đó mà phát sinh như chuyện cò mồi, chuyện nhờ vả, gửi gắm và mới đây nhất là chuyện TS sử dụng giấy chứng nhận kết quả thi giả để được xét tuyển. Tất cả đều nảy sinh từ việc để TS tham gia vào quá trình xét tuyển. Ai cũng biết rằng việc này là dành lợi thế cho TS vì được đăng ký sau khi đã có điểm thi thì cơ hội trúng tuyển sẽ cao hơn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy với quy trình này đã nảy sinh rất nhiều tiêu cực và còn tạo ra áp lực căng thẳng cho TS, gia đình và xã hội. Nên chăng Bộ GD-ĐT cần xem xét lại phương án này?

Có một giải pháp thực hiện rất đơn giản và giảm bớt được rất nhiều khâu, đó là việc thay đổi việc nộp hồ sơ đăng ký dự thi. Chỉ cần Bộ GD-ĐT cho phép TS được đăng ký cả 3 nguyện vọng ngay từ đầu ở 3 bộ hồ sơ như nhau và gửi tới 3 trường mà TS có 3 nguyện vọng xét tuyển thì tất cả các trường mà TS có NV đều có dữ liệu về TS này. Sau khi có kết quả thi, các trường có thể đồng loạt xét tuyển cả 3 NV của TS. Ví dụ sau khi xét NV1, dữ liệu những TS không trúng tuyển NV1 sẽ được gửi đến trường TS đăng ký NV2, sau khi xét tuyển NV2, dữ liệu về TS không trúng tuyển NV2 sẽ được gửi tới trường TS có NV3. Việc trao đổi dữ liệu này có thể thông qua Bộ GD-ĐT. Bộ sẽ đảm nhận khâu trung gian để cung cấp dữ liệu. Đây là phương án cũng đã từng được thực hiện ngay năm đầu của việc cải tiến tuyển sinh, nhưng do lúc đó Bộ cũng không quy định TS được nộp hồ sơ xét tuyển trước khi thi nên những trường có TS đăng ký NV2, 3 vào trường mình như “mò kim đáy bể” và không biết căn cứ vào đâu để biết xét tuyển bao nhiêu phần trăm NV1, bao nhiêu cho NV2, 3. Do đó, việc trao đổi dữ liệu trở nên rối ren. Nhưng hiện nay việc này hoàn toàn có thể khắc phục được. Vậy có nên tiếp tục để TS tham gia vào quá trình xét tuyển nữa không?

Vũ Thơ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.