ĐỔI TÊN ĐỂ NÂNG CAO ĐỊA VỊ PHÁP LÝ
TAND tối cao đang lấy ý kiến về dự thảo luật Tổ chức TAND sửa đổi. Cơ quan này đề xuất đổi mới mô hình tổ chức hệ thống tòa án, trong đó đổi tên TAND cấp tỉnh thành TAND phúc thẩm (ví dụ TAND phúc thẩm Hà Nội), TAND cấp huyện thành TAND sơ thẩm (ví dụ TAND sơ thẩm Hoàn Kiếm).
Lý giải về đề xuất của mình, TAND tối cao cho biết cách thức tổ chức và tên gọi của tòa án như hiện nay chưa theo thẩm quyền xét xử mà gắn với địa giới hành chính một cách chặt chẽ, dẫn tới nhận thức tòa án như một đơn vị chức năng thuộc đơn vị hành chính cùng cấp. Một số địa phương, UBND huyện hoặc tỉnh thường xuyên gửi văn bản yêu cầu tòa án báo cáo, phối hợp thực hiện một số nhiệm vụ của UBND. Điều này không đúng với địa vị pháp lý của tòa án, gây khó khăn cho việc tổ chức, hoạt động, chưa thực sự bảo đảm nguyên tắc "thẩm phán, hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật"; nhất là trong các vụ án hành chính, khi một bên là cơ quan nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước.
Do vậy, việc đổi mới (gồm đổi tên) TAND cấp tỉnh và TAND cấp huyện là cần thiết, để thể chế hóa nhiệm vụ "bảo đảm tính độc lập của tòa án theo thẩm quyền xét xử" đã được đề ra tại Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành T.Ư.
Vẫn theo TAND tối cao, hệ thống tòa án hiện chưa tổ chức tòa án chuyên biệt để chuyên môn hóa giải quyết các loại án khó, phức tạp như hành chính, phá sản, sở hữu trí tuệ, thương mại quốc tế… Điều này dẫn tới tính độc lập, khách quan trong án hành chính "dễ bị tác động"; trong khi đó các loại án đặc thù khác chưa đảm bảo hiệu quả, ảnh hưởng niềm tin của nhà đầu tư trong và ngoài nước.
TAND tối cao đề xuất thành lập các TAND sơ thẩm chuyên biệt, nhằm đảm bảo tính chuyên nghiệp trong tổ chức và hoạt động, phát huy trình độ chuyên môn sâu của đội ngũ thẩm phán, nâng cao chất lượng giải quyết vụ án. Số lượng, vị trí thành lập các TAND sơ thẩm chuyên biệt sẽ do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định trên cơ sở đề nghị của Chánh án TAND tối cao.
Tới đây, TAND phúc thẩm (thay cho TAND cấp tỉnh) sẽ xét xử phúc thẩm và sơ thẩm các vụ án theo quy định, chuyển thẩm quyền xét xử sơ thẩm một số vụ việc đặc thù và đòi hỏi tính chuyên môn sâu cho TAND sơ thẩm chuyên biệt; TAND sơ thẩm (thay cho TAND cấp huyện) tiếp tục xét xử sơ thẩm các vụ án theo quy định, trừ các vụ thuộc thẩm quyền sơ thẩm của TAND phúc thẩm và TAND sơ thẩm chuyên biệt.
TAND tối cao khẳng định, việc thay đổi hệ thống tổ chức như đã nêu giúp gia tăng niềm tin của người dân về tính độc lập, hiệu quả hoạt động của tòa án; giúp cán bộ, đảng viên, công chức và người dân nhận thức rõ tòa án là cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp chứ không phải một bộ ngành ở T.Ư hay tương đương với sở, phòng, ban ở địa phương.
BẢN CHẤT CHƯA CÓ GÌ MỚI
Hôm 18.9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án luật Tổ chức TAND sửa đổi. Trình bày báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết bên cạnh sự đồng tình, vẫn còn những ý kiến không đồng ý với đề xuất của TAND tối cao về việc đổi tên TAND cấp tỉnh và huyện. Bởi lẽ, dù đổi tên nhưng TAND sơ thẩm và TAND phúc thẩm vẫn gắn với đơn vị hành chính cấp huyện, cấp tỉnh; thẩm quyền xét xử và tổ chức không thay đổi, chưa thực sự đáp ứng yêu cầu "bảo đảm tính độc lập của tòa án theo thẩm quyền xét xử".
Ủy ban Pháp luật của Quốc hội là một trong những cơ quan đề nghị giữ nguyên tên gọi các cấp tòa án. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nói TAND tỉnh và TAND huyện đổi tên gọi nhưng vẫn tổ chức theo đơn vị hành chính, về bản chất chưa có gì mới, vì thế chưa giải quyết được gốc rễ vấn đề, yêu cầu nêu trong Nghị quyết số 27-NQ/TW.
Theo ông Tùng, việc đổi tên hai cấp tòa sẽ dẫn đến thay đổi rất lớn trong các quy định pháp luật có liên quan, rồi chi phí để thay đổi con dấu, thay đổi tên gọi, bảng hiệu…, nhưng cơ quan soạn thảo chưa có phương án để xử lý những vấn đề này. "Nếu giải quyết được vấn đề về thực chất đảm bảo tính độc lập của tòa án theo thẩm quyền xét xử thì chúng ta nghiên cứu, còn nếu đây chỉ là một bước giải quyết về mặt hình thức, đề nghị cân nhắc", ông Tùng nói.
Trước đó, góp ý dự thảo, Bộ Tư pháp nêu quan điểm việc xây dựng một hệ thống tòa án độc lập theo thẩm quyền xét xử thay vì phụ thuộc vào đơn vị hành chính là điều cần thiết. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở việc đổi tên như đề xuất của TAND tối cao thì chưa thể chế hóa được toàn diện, đầy đủ chủ trương muốn hướng đến.
Tương tự, Văn phòng Chủ tịch nước nhận định việc đổi tên TAND cấp tỉnh và huyện trong khi thẩm quyền về địa hạt tư pháp và xử lý vụ án, vụ việc cơ bản vẫn giữ nguyên sẽ không giải quyết được triệt để nguyên tắc bảo đảm tính độc lập của tòa án. TAND cấp tỉnh đổi thành TAND phúc thẩm nhưng vẫn còn thẩm quyền giải quyết, xét xử sơ thẩm là không phù hợp ngay trong tên gọi.
Chưa kể, nhiều đơn vị có tên tỉnh và tên thành phố trực thuộc trùng nhau, nếu đổi tên mang tính cơ học sẽ dẫn đến sự bất cập trong nhận thức của người dân về phạm vi thẩm quyền sơ thẩm, phúc thẩm theo địa hạt tư pháp của tòa án, dẫn đến khó khăn khi có nhu cầu tiếp cận; ví dụ như TAND sơ thẩm Hưng Yên và TAND phúc thẩm Hưng Yên.
Một cơ quan khác cũng đề nghị TAND tối cao cân nhắc kỹ, đó là Bộ Công an, vì xét về bản chất, hệ thống tổ chức TAND theo như đề xuất của TAND tối cao vẫn còn gắn với địa giới hành chính, không làm giảm số lượng các tòa án, chưa thể hiện đặc thù của mô hình tổ chức tòa án theo thẩm quyền xét xử.
Đặc biệt, sự thay đổi này sẽ dẫn đến phải sửa đổi các văn bản pháp luật lớn về tố tụng như bộ luật Tố tụng hình sự, bộ luật Tố tụng dân sự, luật Tố tụng hành chính...; và có thể xảy ra vướng mắc về sự tương thích với mô hình, tên gọi, hoạt động của cơ quan điều tra và viện kiểm sát cùng cấp (vẫn thực hiện nhiệm vụ theo địa giới hành chính).
Tại phiên họp toàn thể của Ủy ban Tư pháp hồi đầu tháng 9.2023, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình khẳng định việc sửa đổi luật Tổ chức TAND là hết sức cần thiết, đã được "thai nghén" trong thời gian dài chứ không phải bộc phát, đã tham khảo kinh nghiệm của rất nhiều quốc gia trên thế giới.
"Không có một quốc gia nào trên thế giới này gọi là tòa án huyện hay tòa án tỉnh cả. Toàn thế giới này người ta gọi là tòa án sơ thẩm, tòa án phúc thẩm, tòa án cấp cao, tòa án tối cao", ông Bình nói.
Chánh án TAND tối cao cũng cho rằng việc tổ chức tòa án theo thẩm quyền xét xử, thay vì theo cấp trên - cấp dưới, sẽ đáp ứng được nhiệm vụ "độc lập theo thẩm quyền xét xử" mà Nghị quyết số 27-NQ/TW đã đề cập. Việc đổi tên các tòa án như đề xuất là hợp lý.
Bình luận (0)