Có nên đổi tên tòa án tỉnh và huyện?: Phải mới cả 'chất' và 'lượng'

27/09/2023 06:30 GMT+7

Độc lập xét xử không chỉ phụ thuộc vào mô hình tổ chức của tòa án mà còn nhiều yếu tố khác. Trường hợp thực sự phải đổi mới mô hình hiện tại thì phải làm triệt để cả về nội dung lẫn hình thức.

ĐỘC LẬP CẢ "CHIỀU NGANG" VÀ "CHIỀU DỌC"

Theo GS-TS Đỗ Văn Đại, Trường ĐH Luật TP.HCM, sự quyết định đến tính độc lập xét xử của tòa án không phải là tên gọi mà nằm ở ứng xử của TAND cấp trên và chính quyền địa phương đối với hội đồng xét xử nói riêng, tòa án nơi xét xử vụ án nói chung.

Có nên đổi tên tòa án tỉnh và huyện ?: Phải mới cả 'chất' và 'lượng'   - Ảnh 1.

Các chuyên gia cho rằng yếu tố quyết định đến độc lập xét xử không nằm ở tên gọi mà do ứng xử của TAND cấp trên và chính quyền địa phương đối với hội đồng xét xử nói riêng, tòa án nơi xét xử vụ án nói chung

PHÚC BÌNH

Có 2 khía cạnh của độc lập xét xử. Thứ nhất là mối quan hệ chiều dọc "cấp trên - cấp dưới", thứ hai là mối quan hệ chiều ngang, tức là với chính quyền địa phương. Độc lập nghĩa là không có bất cứ tác động gì đến từ cả 2 phía.

"Liệu có thể độc lập không khi gần đến thời điểm tái bổ nhiệm mà cấp trên có động thái can thiệp?", GS Đại đặt câu hỏi, đồng thời nhận định nếu chỉ đơn thuần đổi tên tòa án như đề xuất của TAND tối cao thì chưa thể giải quyết bài toán này.

Cho rằng yếu tố con người mới là mấu chốt để tiến tới độc lập xét xử, GS Đại đặt vấn đề làm sao để thẩm phán khi xét xử không cần quan tâm đến "ông nọ, bà kia", chỉ biết tuân theo quy định pháp luật. Đáp án đưa ra, đó là bổ nhiệm phải thực sự độc lập.

Hiện nay, cơ chế bổ nhiệm đang trở thành rào cản đối với độc lập xét xử, bởi thẩm phán dù làm đúng, làm tốt thì đến thời hạn vẫn phải thực hiện quy trình này. Khi bổ nhiệm lại, cả cấp trên và chính quyền địa phương đều có tiếng nói quyết định đến tương lai của thẩm phán, cũng có nghĩa sự độc lập sẽ bị thử thách, ít nhất trong giai đoạn này.

Phải lấy tòa án sơ thẩm làm trung tâm, là biên thùy của tòa tháp công lý. Tòa án sơ thẩm phải che chắn, bảo vệ khỏi các con sóng phúc thẩm, giám đốc thẩm bởi đây là nơi người dân tiếp cận nhiều nhất, là nơi công lý đầu được khởi động trước, đầu tiên nhất.


GS-TS Lê Hồng Hạnh, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp)

GS Đại kể, ông từng sang Pháp giao lưu với một thẩm phán tòa phúc thẩm, ông đề cập tới lãnh đạo địa phương thì rất bất ngờ khi vị thẩm phán nói không biết đó là ai. Từ câu chuyện này, ông mong muốn có sự thay đổi mang tính đột phá trong cơ chế bổ nhiệm thẩm phán, ví dụ nghiên cứu việc bổ nhiệm suốt đời. "Phải lấy độc lập của thẩm phán là trung tâm, để họ xét xử mà không cần nhìn trước ngó sau, vậy mới thực sự độc lập", GS Đại nói và nhận định một khi độc lập trong bổ nhiệm thì kể cả với mô hình tổ chức như hiện nay, tòa án vẫn hoàn toàn có thể độc lập xét xử, "tên gọi là gì đi nữa thì cũng không ảnh hưởng", ông nói.

Đồng quan điểm, TS Cao Vũ Minh, Trường ĐH Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP.HCM), cho rằng không nhất thiết phải thay đổi mô hình tổ chức của hệ thống tòa án; độc lập xét xử hay không đều không phụ thuộc vào tên gọi mà nằm ở nội lực, chất lượng hoạt động của tòa. Để bảo đảm tính độc lập, cần có cơ chế ngăn chặn sự tác động từ các cơ quan, yếu tố khác đến tòa án. Các bản án mà tòa đã tuyên, nhất là án hành chính, phải được thi hành nghiêm túc, xử lý nghiêm tình trạng "chây ỳ, ngó lơ"; đồng thời thực hiện cơ chế truy cứu trách nhiệm những người can thiệp hoặc không thi hành bản án. "Phải thay đổi từ gốc rễ vấn đề, thay tên gọi nhưng tình trạng can thiệp, tác động đến xét xử vẫn còn thì đâu mang lại ý nghĩa gì", ông Minh nói.

TÒA SƠ THẨM PHẢI LÀ TRUNG TÂM CỦA ĐỔI MỚI

Là người từng tham gia phản biện, góp ý luật Tổ chức TAND năm 2014, GS-TS Lê Hồng Hạnh, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp), cho rằng nếu thực sự phải đổi mới mô hình tổ chức của hệ thống tòa án thì cần tính toán sao cho mới về tổ chức, thẩm quyền chứ không nên dừng lại ở đổi tên gọi các cấp tòa.

Theo TAND tối cao, đổi tên TAND cấp tỉnh và huyện sẽ giúp nâng cao địa vị pháp lý của tòa án, bảo đảm nguyên tắc độc lập xét xử, nhất là các vụ án hành chính, khi một bên là cơ quan nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, GS Hạnh nhận định muốn đạt được mục tiêu đó, chỉ đổi tên là chưa đủ. "Trước mắt, khi có đủ điều kiện thì có thể nghiên cứu thành lập các TAND sơ thẩm khu vực thay cho TAND cấp huyện, xa hơn là TAND phúc thẩm khu vực thay cho TAND cấp tỉnh, bỏ TAND cấp cao vì có nhiều sự chồng chéo với TAND tỉnh", ông gợi mở.

Với mô hình TAND sơ thẩm khu vực, việc thành lập sẽ căn cứ vào số lượng các loại vụ án xảy ra trên địa bàn, quy mô về địa giới hành chính, đặc điểm địa lý và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội… Có thể nghiên cứu gộp vài huyện để thành lập một tòa, các huyện không nhất thiết phải trong cùng một tỉnh mà có thể gồm địa bàn giáp ranh của nhiều tỉnh, miễn sao thuận lợi cho người dân trong việc đi lại và tiếp cận công lý. "Tổ chức hệ thống tòa án phải theo bản đồ tư pháp chứ không phải theo bản đồ địa giới hành chính", GS Hạnh nói.

Cho rằng đổi mới hoạt động của tòa án là quy luật tất yếu, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM, nhấn mạnh đổi mới phải triệt để về cả "chất" và "lượng", không dừng lại ở việc đổi tên gọi. Sự triệt để được thể hiện qua thẩm quyền về địa hạt tư pháp và xét xử vụ án của tòa, cơ chế tuyển dụng, bổ nhiệm, tài chính…; làm sao để thẩm phán nói riêng và tòa án nói chung thực sự độc lập khi xét xử, đề cao tính công bằng, công minh, liêm chính, phục vụ người dân.

Cùng với đó, bộ máy của tòa phải được tổ chức tinh gọn, hoạt động hiệu quả, không phát sinh biên chế; đặc biệt là ứng dụng công nghệ để tăng cường công khai, minh bạch. Ngành tòa án cũng cần nâng cao chất lượng nghiệp vụ, tiếp cận với các xu hướng, thông lệ quốc tế, để đủ khả năng giải quyết tranh chấp không chỉ phạm vi trong mà cả ngoài quốc gia.

Do thành lập trên cơ sở gộp từ nhiều huyện, TAND sơ thẩm khu vực sẽ giải quyết được câu chuyện phụ thuộc vào các cơ quan hành chính ở địa phương. Số lượng thẩm phán TAND sơ thẩm khu vực cũng ít hơn rất nhiều so với số lượng thẩm phán TAND huyện hiện nay, góp phần tập trung nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng hoạt động; tránh đầu tư dàn trải, lãng phí.

Đề cập đến một số quan điểm cho rằng cấp sơ thẩm thì chỉ cần những thẩm phán có trình độ sơ thẩm xét xử, GS Lê Hồng Hạnh cho rằng nhận thức này là sai lầm, phải thay đổi.

Theo GS Hạnh, xét xử ở cấp tòa nào, thẩm phán vẫn là thẩm phán; trình độ của thẩm phán không phụ thuộc vào nơi họ xét xử, mà ở năng lực, đạo đức và chất lượng bản án đã tuyên. Vì thế, dù có đổi mới mô hình tổ chức hay không, hơn đâu hết, cấp sơ thẩm phải là nơi được tăng cường đầu tư, đặc biệt là đội ngũ thẩm phán giỏi, để nâng cao chất lượng hoạt động tòa án cao nhất có thể. Bởi lý do rất đơn giản, nếu tòa sơ thẩm làm tốt thì tòa phúc thẩm sẽ đỡ việc; nếu tòa sơ thẩm xét xử công minh, khách quan, tâm phục khẩu phục thì chẳng mấy ai kháng cáo làm gì…

"Phải lấy tòa án sơ thẩm làm trung tâm, là biên thùy của tòa tháp công lý. Tòa án sơ thẩm phải che chắn, bảo vệ khỏi các con sóng phúc thẩm, giám đốc thẩm bởi đây là nơi người dân tiếp cận nhiều nhất, là nơi công lý đầu được khởi động trước, đầu tiên nhất", GS Hạnh nhấn mạnh. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.