Báo động về không gian diễn xướng
Bảo tồn văn hóa cồng chiêng đã được đề cập đến trong khá nhiều hội nghị, hội thảo, nhưng sao đến nay vẫn được đặt ra? GS-TS Tô Ngọc Thanh - Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian VN đã đưa ra câu hỏi trên trong phát biểu đề dẫn và cũng tự trả lời: "Hiểu biết về cồng chiêng của chúng ta thực ra chưa hoàn toàn đầy đủ, vẫn còn nhiều dân tộc có cồng chiêng nhưng chưa được nghiên cứu thấu đáo. Mặt khác, không gian văn hóa cồng chiêng đang bị đe dọa do những biến đổi to lớn của đời sống xã hội và tư tưởng nhưng chưa được đánh giá đúng mức. Vì lẽ đó, cần phải tiếp tục tìm giải pháp bảo tồn".
Cồng chiêng đang giảm dần về số lượng cũng như mất dần vị trí của nó trong tâm thức và đời sống cư dân bản địa. Ở Đắk Lắk, năm 1993 thống kê được 4.675 bộ cồng chiêng nhưng năm 2007 chỉ còn 3.375 bộ. Gia Lai hiện còn 5.126 bộ cồng chiêng, nhưng phân bố không đều, nhiều vùng cồng chiêng rất ít hoặc có nguy cơ biến mất...
Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên bao gồm: nhà dài, bến nước, nương rẫy, khu nhà mồ, khu rừng sinh thái cạnh buôn làng... Nhưng những không gian đó giờ đây đã biến đổi, thu hẹp, thậm chí có phần mất hẳn. Thiếu môi trường diễn xướng, cồng chiêng như "cá thiếu nước". Già làng Ama H'de ở buôn Kô Sia, phường Tân Lập, TP Buôn Ma Thuột, được mời dự hội thảo, nói như than: "Bây giờ buôn mình không có bến nước, không còn lễ cúng bến nước; không làm lúa rẫy nữa nên cũng không có lễ cúng cơm mới. Do đó, cồng chiêng hiếm khi được đưa ra đánh lắm. Còn thanh niên trong buôn thì thích cưỡi xe máy dạo phố, nghe nhạc ngoại nhiều hơn nên ít chịu nghe cồng chiêng".
Đội chiêng M'nông (tỉnh Đắk Nông) biểu diễn tại hội thảo - ảnh: N.Quyền |
Hội thảo đã được nghe nhiều tỉnh trong khu vực Tây Nguyên "khoe" về thành tích giữ gìn, bảo tồn cồng chiêng, mỗi nơi một cách. Có địa phương tìm cách "san sẻ" cồng chiêng từ chỗ nhiều sang chỗ ít, nơi thì mở hàng loạt lớp dạy đánh chiêng cho lứa tuổi thiếu nhi, nơi thì mua chiêng tặng các buôn làng, mở các hội thi chiêng... Thậm chí có nơi tìm cách cải tiến chiêng theo kiểu mới để có thể tấu các bản nhạc hiện đại.
Những cách "bảo tồn" như thế có thể làm chậm đà suy giảm số lượng cồng chiêng nhưng vẫn có điều không ổn. Tại hội thảo, GS-TS Trần Văn Khê nhận xét: "Một khi muốn phát huy vốn cổ bằng cách thêm vào một vài yếu tố mới trong ngôn ngữ âm nhạc, chúng ta nên thận trọng. Phải có người nắm vững truyền thống để biết rõ yếu tố mới đó có phù hợp với căn bản truyền thống hay không. Nếu không phù hợp sẽ dẫn đến chỗ đào thải như cách ghép cây hay ghép cơ quan nội tạng trong một con người".
GS-TS Trần Văn Khê cũng đồng ý với những ý kiến về khôi phục môi trường diễn xướng của cồng chiêng, nhất là không gian lễ hội ở các buôn làng. Ông đã đề xuất một hướng bảo tồn khác: "Cần đưa nghệ thuật cồng chiêng vào học đường, nhưng không phải đào tạo học sinh trở thành diễn viên biểu diễn mà giúp lớp trẻ hiểu và thưởng thức cái hay, cái đẹp về nghệ thuật cồng chiêng". Bên cạnh đó, GS Trần Văn Khê tỏ ý không đồng tình với việc đưa cồng chiêng hòa tấu cùng dàn nhạc giao hưởng như một cách để cồng chiêng "hội nhập". Ông thẳng thắn: "Cồng chiêng có đời sống riêng, nó là âm thanh phóng khoáng của núi rừng, của thác reo, suối chảy... Sao lại có thể để cồng chiêng "nương nhờ" vào nhạc giao hưởng mới nổi bật lên được? Ghép chung trình diễn với nhạc giao hưởng là làm "chết" cồng chiêng. Nếu đây là hoạt động thử nghiệm thì có thể chấp nhận nhưng nếu lấy đó làm cơ sở để nhân rộng, phát triển thì hoàn toàn không nên".
Hoàng Thu - Ngọc Quyền
Bình luận (0)