Có nên ép bổ sung vi chất vào muối, bột mì?

12/07/2024 06:23 GMT+7

Mặc dù Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo về việc xem xét sửa đổi quy định bắt buộc bổ sung i ốt vào muối và sắt, kẽm vào bột mì, nhưng đến nay Bộ Y tế vẫn "ngó lơ" khiến cộng đồng doanh nghiệp thực phẩm bức xúc.

Việc của Bộ lại bắt doanh nghiệp làm

Câu chuyện về quy định bắt buộc doanh nghiệp (DN) chế biến thực phẩm phải bổ sung i ốt vào muối và sắt, kẽm vào bột mì không phải là mới, nhưng gây bức xúc trong cộng đồng DN thực phẩm vì chưa được Bộ Y tế giải quyết. Trao đổi với Thanh Niên, một DN sản xuất nước mắm truyền thống tại TP.HCM cho biết: "Bản thân sản phẩm đã có nhiều i ốt tự nhiên do nguyên liệu là muối và cá. Khi có quy định về muối dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường i ốt, DN đã sản xuất thử một lô nhưng kết quả là nước mắm không đạt về cảm quan, màu bị đen. Quá trình sản xuất, DN sử dụng muối i ốt bị đội về chi phí, nhưng thành phẩm cuối cùng không có khác biệt về thành phần i ốt so với dùng muối thường".

Có nên ép bổ sung vi chất vào muối, bột mì?- Ảnh 1.

Quy định bắt buộc bổ sung i ốt vào muối và sắt, kẽm vào bột mì đang gây tranh cãi giữa DN và Bộ Y tế

Khả Hòa

Một DN khác đang sản xuất xuất khẩu mì gói chia sẻ: "Hiện nay sản phẩm mì ăn liền của VN được tiêu thụ phổ biến trong nước và xuất khẩu đi hàng trăm thị trường, trong đó có những thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản…Ở các nước này có quy định riêng, nghiêm ngặt đối với các vi chất, trong đó họ cấm luôn i ốt, sắt, kẽm vì người dân đã quá dư thừa. Trong khi đó quy định của Bộ Y tế lại bắt buộc DN phải bổ sung i ốt vào muối và sắt, kẽm vào bột mì là điều khá bất cập, gây khó khăn cho DN. Với DN lớn, có khả năng đầu tư dây chuyền máy móc riêng biệt để sản xuất mì gói dành cho các thị trường khác nhau. Nhưng đối với các DN tiềm lực tài chính thấp hơn, phải dùng chung hệ thống dây chuyền sản xuất, cứ mỗi lần xong lô hàng nội địa là phải vệ sinh, lau dọn kỹ lưỡng mới sản xuất lô hàng xuất khẩu vì sợ bị nhiễm chéo".

Một số DN khác trong lĩnh vực chế biến hạt điều rang muối thông tin, đã thử nghiệm các sản phẩm có dùng muối bổ sung i ốt thì thấy hàm lượng i ốt được giữ lại rất thấp. Ví dụ như đưa muối đầu vào có 10 phần i ốt thì ở đầu ra chỉ còn giữ lại được 1, 2 phần, chưa kể đến vi chất này gây ảnh hưởng đến màu sắc của sản phẩm. Chính vì vậy lâu nay nhiều DN đã ngó lơ quy định khá dư thừa này.

Có nên ép bổ sung vi chất vào muối, bột mì?- Ảnh 2.

Quy định bắt buộc bổ sung i ốt vào muối và sắt, kẽm vào bột mì đang gây tranh cãi giữa DN và Bộ Y tế

Quang Thuần

Trả lời Thanh Niên, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực TP.HCM, phân tích: "Quy định bắt buộc bổ sung i ốt vào muối và sắt, kẽm vào bột mì đã được cộng đồng DN thực phẩm lên tiếng từ khá lâu. Thực tế không phải người dân nào cũng bị thiếu i ốt, thậm chí có nhiều người sống ở thành thị hay vùng ven biển còn thừa i ốt dẫn đến bệnh cường giáp. Với những bằng chứng khoa học được các DN dẫn giải, Chính phủ đã có những chỉ đạo theo hướng sửa đổi để tạo thuận lợi, phù hợp với thực tế. Tuy nhiên, sau thời gian chờ đợi, các DN được biết Bộ Y tế vẫn không tiếp thu kiến nghị này mà vẫn giữ nguyên quy định bắt buộc bổ sung các vi chất nói trên. Điều này khiến cho cộng đồng DN thực phẩm rất bức xúc và phải tiếp tục kiến nghị".

Thực tế không phải người dân nào cũng bị thiếu i ốt, thậm chí có nhiều người sống ở thành thị hay vùng ven biển còn thừa i ốt dẫn đến bệnh cường giáp. Với những bằng chứng khoa học được các DN dẫn giải, Chính phủ đã có những chỉ đạo theo hướng sửa đổi để tạo thuận lợi, phù hợp với thực tế. Tuy nhiên, sau thời gian chờ đợi, các DN được biết Bộ Y tế vẫn không tiếp thu kiến nghị này mà vẫn giữ nguyên quy định bắt buộc bổ sung các vi chất nói trên.

Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực TP.HCM

Chỉ nên khuyến khích, không nên bắt buộc

Theo bà Lý Kim Chi, việc bổ sung i ốt vào muối hay sắt, kẽm vào bột mì hiện nay chỉ nên mang tính khuyến khích, không nên bắt buộc trong khi hiệu quả mang lại không cao, các đối tượng tiêu dùng hiện nay cũng đa dạng, có sự khác biệt chứ không phải ai cũng cần i ốt hay bổ sung thêm sắt, kẽm. DN nào muốn quảng bá, hay giới thiệu đặc điểm sản phẩm của mình, thì chủ động bổ sung i ốt, sắt, kẽm vào. DN nào không cần thì thôi. Quy định như vậy sẽ linh động hơn, dễ dàng thay vì áp đặt bắt buộc phải bổ sung sẽ khiến DN gặp rất nhiều khó khăn.

Mới đây, đại diện 5 hiệp hội trong lĩnh vực chế biến thực phẩm gồm: Hiệp hội Thực phẩm minh bạch, Hiệp hội Lương thực thực phẩm TP.HCM, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP), Hiệp hội Hàng VN chất lượng cao và Hiệp hội Nước mắm Phú Quốc vừa cùng ký tên vào công văn gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ Y tế về việc kiến nghị sửa đổi các quy định tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm. Các hiệp hội nhận định, đã 7 năm qua, cộng đồng DN và các hiệp hội ngành hàng thực phẩm vẫn luôn dõi theo và theo sát tiến trình này. Chính phủ cũng đã nhiều lần có ý kiến chỉ đạo giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Công thương và các bộ, ngành liên quan khẩn trương nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Nghị định 09/2016.

"Chúng tôi mong muốn sớm nhận được dự thảo theo kế hoạch chỉ đạo trên để góp ý xây dựng, nhưng đến nay đã là đầu quý 3/2024 nhưng chúng tôi được biết là chưa có dự thảo. Với tinh thần cầu thị và đồng hành với Chính phủ và Bộ Y tế trong đảm bảo sức khỏe người dân và sự phát triển ổn định, bền vững của các ngành kinh tế thực phẩm, bằng văn bản này, các hiệp hội ngành hàng thực phẩm xin được bày tỏ sự quan tâm và kính đề nghị Phó thủ tướng xem xét chỉ đạo vấn đề này theo tinh thần Nghị quyết 19/2018/NQ-CP và Văn bản 265/VPCP-KGVX", kiến nghị viết.

Theo TS Nguyễn Thị Hồng Minh, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm minh bạch (AFT), cộng đồng DN từ lâu đã rất bức xúc về các quy định trên. Nhiều DN phản ánh việc bổ sung các vi chất vào thực phẩm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm cũng như giá thành. Trong khi đó, người tiêu dùng chưa chắc được hưởng lợi. Thế nhưng, thay vì ban hành quy định mới theo tinh thần Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP của Chính phủ là "khuyến khích DN áp dụng" thì cơ quan tham mưu lại đang tiến hành khảo sát lại các DN thực phẩm với định hướng giữ nguyên quy định trên.

Được biết, vào đầu tuần sau, các hiệp hội sẽ tổ chức hội thảo tại TP.HCM với sự có mặt của đông đảo DN và các nhà khoa học để phản biện và góp ý sửa đổi nghị định.

Quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 điều 6 Nghị định 09/2016 của Chính phủ: "Muối dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường i ốt" và "Bột mì dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường sắt và kẽm", các hiệp hội ngành hàng cho là bất cập, đi ngược lại nguyên tắc quản lý rủi ro; thiếu cơ sở khoa học và không chính xác với hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới; không phù hợp với thông lệ quốc tế và các ngành sản xuất thực phẩm xuất khẩu; gây tốn kém, khó khăn cho sản xuất kinh doanh thực phẩm mà hiệu quả cho sức khỏe cộng đồng lại rất thấp vì yếu tố công nghệ trong chế biến thực phẩm hay vấn đề gây "cường giáp" đối với đông đảo người dân sống tại ven biển và các thành phố khi bị "thừa i ốt" mà không có các lựa chọn khác.

Trích công văn kiến nghị của 5 hiệp hội gửi Chính phủ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.