Có nên lập sàn giao dịch vàng quốc gia?

27/10/2023 06:29 GMT+7

Việc xem xét thành lập sàn giao dịch vàng quốc gia để huy động vàng trong dân cho phát triển kinh tế - xã hội một lần nữa lại được đặt ra.

Huy động vàng trong dân

Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, bà Nguyễn Thị Yến, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, đề nghị cân nhắc thành lập sở giao dịch vàng quốc gia để điều tiết thị trường vàng, phát hành chứng chỉ vàng, trái phiếu vàng để huy động vàng trong dân cho phát triển kinh tế - xã hội.

Có nên lập sàn giao dịch vàng quốc gia ? - Ảnh 1.

Cần cân nhắc việc cho thành lập sở giao dịch vàng

NGỌC THẮNG

Cách đây nhiều năm, Ngân hàng Nhà nước và Hiệp hội Kinh doanh vàng VN (VGTA) ước lượng con số vàng trong nước lên đến 500 tấn. Cho đến thời điểm hiện nay chưa có số liệu chính thức về lượng vàng trong dân còn bao nhiêu. Tuy nhiên, giá vàng trong nước luôn ở mức cao hơn giá thế giới trên 10 triệu đồng mỗi lượng, có thời điểm lên đến 20 triệu đồng mỗi lượng; nguyên nhân là do vàng trong nước không liên thông với vàng thế giới. Bên cạnh đó, nguồn cung vàng trên thị trường không có cũng là một trong những lý do dẫn đến tình trạng này.

Việc đề xuất thành lập sở giao dịch vàng quốc gia không phải là mới. Cách đây vài năm, VGTA đã đề nghị Ngân hàng Nhà nước trình Chính phủ ban hành nghị định thay thế Nghị định 24/2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng (Nghị định 24) có đề cập đến vấn đề này. Điểm cơ bản và quan trọng nhất của sở giao dịch vàng là tạo ra sự liên thông của giá vàng trong nước và quốc tế để đảm bảo không có chênh lệch lớn về giá, cũng như thị trường có tính thanh khoản cao, đẩy lùi hoạt động xuất nhập khẩu vàng lậu diễn ra phức tạp. 

Sở giao dịch vàng ra đời không chỉ góp phần giảm thiểu giao dịch vàng vật chất, huy động được nguồn vàng trong dân, mà còn tăng dự trữ vàng quốc gia, giảm thiểu tình trạng thanh toán mua bán vàng bằng tiền mặt, tăng thu thuế cho nhà nước và chắc chắn sẽ loại bỏ những sàn vàng chui hoạt động bất hợp pháp. Tuy nhiên, để sở giao dịch vàng phát huy tác dụng và không bị lợi dụng, cần có cơ sở pháp lý chặt chẽ như quy định về tiêu chuẩn, chất lượng vàng, hạn mức giao dịch, tỷ lệ ký gửi, quy trình thanh toán bù trừ, điều kiện thành viên... Sở giao dịch vàng có thể trước mắt cho làm thí điểm tại Hà Nội hoặc TP.HCM.

Dù dẫn ra nhiều ưu điểm, nhưng đề xuất này cũng rơi vào quên lãng và đến nay được tái đề xuất tại nghị trường Quốc hội.

Sàn giao dịch vàng sẽ hạn chế giao dịch vàng vật chất?

TS Lê Đạt Chí, Trưởng khoa Tài chính, Trường đại học Kinh tế TP.HCM, cho rằng câu chuyện thành lập sở giao dịch vàng quốc gia đã được đề cập từ nhiều năm trở lại đây nhưng vẫn còn bỏ ngỏ nên người mua vàng mang về nhà cất giữ thay vì gửi vào ngân hàng như trước đây. Cũng vì thế, một nguồn vốn trong xã hội chưa được khai thác, nằm im trong dân. Chưa kể, thị trường vàng có những diễn biến khó hiểu. 

Các đơn vị kinh doanh vàng mỗi ngày đều công bố giá, và cơ sở nào để đưa ra mức giá đó thì rất khó có thể biết được. Nhưng ai có thể lý giải tại sao người Việt phải mua vàng với giá cao hơn thế giới, lên hơn 10 triệu đồng mỗi lượng trong nhiều năm qua? Hơn nữa, các đơn vị kinh doanh vàng cũng để giá mua và bán ở mức chênh lệch cao, nên rủi ro hoàn toàn thuộc về người mua. Rồi nhiều vụ việc "bất thường" được phát hiện như có những đơn vị kinh doanh vàng nhỏ nhưng doanh thu thì lại "khủng".

Chính vì vậy, ông Lê Đạt Chí cho rằng thay vì phải mua bán vàng vật chất như hiện nay, với việc thành lập sở giao dịch vàng, người nắm giữ vàng có thể mang lưu ký vàng ở những đơn vị được phép, mở tài khoản giao dịch và thực hiện mua bán trên đó. Sở giao dịch vàng sẽ chuẩn hóa thị trường vàng, tránh hiện tượng lợi ích nhóm trong hoạt động kinh doanh vàng. Khi có sàn giao dịch vàng hoạt động, thị trường sẽ phát triển minh bạch hơn, văn minh hơn.

"Có thể sở giao dịch vàng hoạt động thí điểm trong thời gian đầu với quy mô nhỏ. Lượng vàng được lưu ký, các đơn vị không được phép sử dụng vào việc khác. Nhà đầu tư muốn giao dịch thì mở tài khoản trên sàn. Từ từ điều này sẽ tạo thành thói quen và hạn chế giao dịch vàng vật chất", TS Lê Đạt Chí đề xuất.

Thận trọng hơn, chuyên gia tài chính Cấn Văn Lực cho rằng cần cân nhắc kỹ lưỡng về tính cần thiết. Bởi hiện nay chủ yếu là giao dịch điện tử và cần có chân rết, mạng lưới phù hợp. Vậy thì khu vực nông thôn, miền núi hoạt động như thế nào? Riêng hoạt động giao dịch vàng tài khoản, ông Lực đề nghị nên xem xét cho phép vì tiện lợi cho giao dịch, quản lý, giảm dùng tiền mặt và theo thông lệ quốc tế.

Bên cạnh đó, vị chuyên gia này đồng ý với quan điểm của một số đại biểu Quốc hội rằng Chính phủ cần sửa Nghị định 24 do đã ban hành hơn 10 năm và hiện có một số quy định bất cập. Trong đó phải bỏ tình trạng độc quyền sản xuất và nhập khẩu vàng, gia tăng nguồn cung hợp lý để tăng tính minh bạch cho thị trường. Điều này sẽ ngăn chặn tình trạng nhập lậu vàng do chênh lệch giá trong nước và thế giới quá lớn. Từ đó cũng góp phần quản lý ngoại tệ, tỷ giá tốt hơn. Tuy nhiên, Chính phủ cũng cần kiên định chính sách giảm vàng hóa vì đã thực hiện tốt thời gian qua như không cho vay mượn bằng vàng, tăng cường kiểm tra, giám sát các đơn vị kinh doanh trái phép…

Cùng quan điểm, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển nhận định: Hơn 10 năm qua nhà nước đã xem như thành công trong việc kiểm soát, dẹp các sàn vàng chui và chính sách vàng hóa trên thị trường. Chính vì vậy, cần phải đặt vấn đề liệu có cần thiết mở sàn giao dịch vàng quốc gia hay không? Điều đó có ích lợi gì cho người dân và nền kinh tế? Sàn vàng ở một góc độ nào đó có thể giúp cho nhà nước tăng thu được thuế, nhưng có nhiều hoạt động khác góp phần tăng thu tốt hơn như đua ngựa, cá cược bóng đá… Do đó ông Hiển cho rằng xét về góc độ kinh tế chung của VN thì không phù hợp để thành lập sàn giao dịch vàng quốc gia. 

Chính phủ sớm xem xét lại quy định về quản lý hoạt động vàng hiện nay. Đó là nhà nước chỉ kiểm soát chứ không phải độc quyền sản xuất. Vì vậy phải theo hướng thay đổi để cho phép có thêm nhiều đơn vị, tổ chức tài chính có tiềm lực nhập khẩu vàng miếng với mức thuế phù hợp. Việc cho phép nhập khẩu vàng miếng nằm trong sự kiểm soát về số lượng hằng năm của nhà nước để cân đối với tình trạng ngoại tệ của quốc gia. Điều này sẽ góp phần kéo giảm chênh lệch giữa giá vàng trong và ngoài nước đã kéo dài nhiều năm nay.

Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.