Có nên quy định bắt buộc công chứng với giao dịch bất động sản?

25/10/2024 17:37 GMT+7

Có ý kiến đề nghị quy định bắt buộc công chứng đối với giao dịch bất động sản và một số giao dịch khác ngay trong luật Công chứng. Ngược lại, có ý kiến đề nghị không nên quy định như vậy.

Chiều 25.10, tiếp tục chương trình kỳ họp 8 Quốc hội khóa XV, các đại biểu sẽ thảo luận tại hội trường về những nội dung còn ý kiến khác nhau đối với dự án luật Công chứng sửa đổi.

Một trong số này là việc có nên quy định "cứng" về các loại giao dịch bắt buộc phải công chứng ngay trong luật?

Có nên quy định bắt buộc công chứng với giao dịch bất động sản?- Ảnh 1.

Hiện đang có 2 luồng quan điểm xung quanh việc có nên quy định bắt buộc công chứng đối với giao dịch bất động sản và một số giao dịch khác ngay trong luật Công chứng

ẢNH: T.N

Có nên quy định "cứng"với giao dịch bất động sản?

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hiện đang có 2 luồng quan điểm khác nhau về nội dung trên.

Một số ý kiến tán thành với dự thảo luật do Chính phủ trình, theo đó không quy định về các loại giao dịch phải công chứng trong luật Công chứng.

Ngược lại, một số ý kiến đề nghị dự thảo luật bổ sung quy định về các loại giao dịch phải công chứng, gồm: giao dịch đối với bất động sản, giao dịch đối với tài sản có đăng ký, giao dịch liên quan đến doanh nghiệp và các giao dịch khác mà pháp luật quy định bắt buộc phải công chứng.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, tương tự như nhiều quốc gia khác trên thế giới, pháp luật Việt Nam cũng quy định công chứng bắt buộc đối với một số giao dịch quan trọng liên quan đến quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, một số loại tài sản khác phải đăng ký quyền sở hữu, sử dụng và một số giao dịch quan trọng khác.

Các giao dịch phải công chứng hiện được quy định trong các luật có liên quan như bộ luật Dân sự, luật Hôn nhân và gia đình, luật Đất đai, luật Nhà ở, luật Kinh doanh bất động sản và một số văn bản dưới luật…

Dự thảo luật Công chứng sửa đổi do Chính phủ trình tại kỳ họp thứ 7 kế thừa quy định của luật Công chứng hiện hành, không quy định các loại giao dịch phải công chứng mà tập trung điều chỉnh các vấn đề về công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng.

Loại ý kiến nào cũng có ưu điểm và hạn chế

Đối với 2 luồng ý kiến đã nêu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận định loại ý kiến nào cũng đều có ưu điểm và hạn chế.

Với phương án không quy định cụ thể các loại giao dịch phải công chứng trong luật Công chứng, điều này sẽ tạo linh hoạt hơn cho việc sửa đổi quy định về giao dịch phải công chứng tại các văn bản quy phạm pháp luật khác nhằm phù hợp với thực tiễn, bảo đảm tính ổn định của luật Công chứng.

Nhưng mặt hạn chế là các giao dịch phải công chứng được quy định trong nhiều văn bản pháp luật khác nhau, gây khó khăn cho người dân trong việc nắm bắt để tuân thủ đúng quy định của pháp luật.

Tương tự, với phương án quy định cụ thể danh mục các giao dịch phải công chứng trong luật Công chứng, ưu điểm là bảo đảm minh bạch, thuận lợi trong áp dụng pháp luật. Tuy nhiên, hạn chế là sẽ luật hóa một số quy định của nghị định, thông tư là nội dung thuộc thẩm quyền của Chính phủ, các bộ, không bảo đảm tính ổn định của luật khi cần điều chỉnh nội dung, phạm vi các loại giao dịch phải công chứng.

Có nên quy định bắt buộc công chứng với giao dịch bất động sản?- Ảnh 2.

Các đại biểu tại kỳ họp 8 Quốc hội khóa XV

ẢNH: GIA HÂN

Phương án "tích hợp"

Trên cơ sở như đã phân tích, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho tiếp thu theo hướng kết hợp các điểm tích cực của cả 2 loại ý kiến để chỉnh lý nội dung này.

Theo đó, dự thảo sẽ bổ sung quy định về tiêu chí xác định các giao dịch phải công chứng như sau: "Giao dịch phải công chứng là giao dịch quan trọng, đòi hỏi mức độ an toàn pháp lý cao và được pháp luật quy định phải công chứng".

Đồng thời, dự thảo luật giao Chính phủ chỉ đạo rà soát các giao dịch phải công chứng đang được quy định trong các luật, nghị định, thông tư hiện hành để sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền và kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung trong thời hạn 1 năm kể từ ngày luật mới có hiệu lực thi hành. Bộ Tư pháp có trách nhiệm rà soát, cập nhật, đăng tải các giao dịch phải công chứng trên cổng thông tin điện tử của bộ.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội khẳng định phương án "tích hợp" nêu trên sẽ bảo đảm tính ổn định của luật Công chứng vì không quy định cụ thể các loại giao dịch phải công chứng, đồng thời kiểm soát chặt chẽ các loại giao dịch này do phải phù hợp với tiêu chí quy định tại luật Công chứng, bảo đảm công khai, minh bạch, thuận lợi trong việc áp dụng pháp luật.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.