Có nên tăng thuế nhập khẩu xăng dầu trong lúc này?

12/12/2014 09:00 GMT+7

Giá dầu thô thế giới vẫn tiếp tục giảm. Đến cuối giờ chiều hôm qua, tại Mỹ chỉ còn 61,43 USD/thùng. Theo các chuyên gia, cần phải có kịch bản hợp lý hơn cho kinh tế trong nước.

Không nên tăng thuế xăng dầu để bù thất thu do giá dầu thô giảm
Không nên tăng thuế xăng dầu để bù thất thu do giá dầu thô giảm - Ảnh: D.Đ.Minh

Ngân sách mất 40.000 tỉ đồng       

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành phân tích, ngân sách VN có phần đóng góp rất lớn từ xuất khẩu dầu thô. Vì thế, giá dầu thô giảm từ 100 USD/thùng xuống còn chưa đầy 62 USD chắc chắn sẽ khiến ngân sách thâm hụt. Về nguyên tắc, ngân sách thâm hụt sẽ tăng tỷ lệ bội chi và nợ công cũng sẽ tăng lên do VN có thể phải vay nợ để bù chi ngân sách. “Tiêu cực lên nền kinh tế là rõ ràng”, ông Thành phát biểu. Theo dự báo của cơ quan chức năng, tính chung cả hụt thu về giá xuất khẩu và thuế nhập khẩu, thì giảm thu ngân sách với giá dầu thô hiện nay là 40.000 tỉ đồng (áp với giá dầu 65 USD/thùng), trường hợp nếu giá xuống 40 USD/thùng ngân sách sẽ giảm 62.500 tỉ đồng.

 
Theo tính toán, thuế hiện nay chiếm hơn 35% trong giá thành một lít xăng. Tôi cho rằng, VN nên bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng dầu, giảm thuế nhập khẩu xăng dầu để có tác động tích cực hơn lên nền kinh tế. Cách thu thuế nhập khẩu xăng dầu như ở ta là cách tính “cùn”, người tiêu dùng chịu thiệt

Ông Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế

Theo ông Thành, ngân sách thâm hụt thì chúng ta buộc phải tiết kiệm, tích cực cắt giảm chi tiêu công, nhằm kiểm soát bội chi không vượt quá mức cho phép. Ngoài ra, phải mạnh mẽ cắt giảm đầu tư công, nghiêm túc xem xét những dự án đầu tư công nào có sức lan tỏa lớn thì làm, còn không thì thôi. Bên cạnh đó, cũng cần khẩn trương nghiên cứu việc giá dầu giảm sẽ khiến thu ngân sách giảm như thế nào và qua đó có chính sách giảm chi ngân sách tương đương với giảm thu.

“Nhưng quan trọng nhất lúc này là VN phải có giải pháp làm sao cho nền kinh tế phát triển để thu thuế của doanh nghiệp (DN) nhằm bù vào khoản thâm hụt. Trước mắt phải có các chính sách tốt hơn hỗ trợ DN phục hồi sản xuất, đặc biệt là tiếp tục giảm lãi suất vay ngân hàng và tạo điều kiện để DN tiếp cận tốt hơn với vốn vay”, ông Thành đề xuất.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhấn mạnh: Không phải đến khi giá dầu giảm mới đề cập đến kiểm soát chặt chẽ ngân sách, mà từ lâu chúng tôi đã kêu gọi tiết kiệm chi tiêu. Chi tiêu thường xuyên của VN hiện nay là rất lớn, hơn 70% ngân sách. Số ít ỏi còn lại để đầu tư. Vì thâm hụt ngân sách khiến Chính phủ phải vay để đầu tư, làm tăng nợ công là điều rất nguy hiểm trong bối cảnh hiện nay. Vì vậy, giải pháp căn cơ để giảm gánh nặng chi tiêu thường xuyên, theo bà Lan là phải quyết liệt tinh giản biên chế, sắp xếp lại lao động trong các đơn vị hành chính công quyền…

Còn TS Bùi Trinh, chuyên gia kinh tế, khuyến cáo: “Việc giá dầu thế giới giảm đáng lẽ ra là cơ hội cho nền kinh tế VN thì lại trở thành thách thức. Thách thức lớn nhất là phải chi tiêu công sao cho phù hợp để tránh thâm thủng ngân sách nặng nề. Nếu không có những chính sách điều chỉnh hợp lý, khủng hoảng kinh tế sẽ còn kéo dài”.

Thuế tính "cùn"

Để đối phó với việc giá dầu thô giảm mạnh, dẫn đến nguồn thu xuất khẩu dầu thô và thu thuế nhập khẩu đều giảm, mới đây Bộ Tài chính lại ban hành Thông tư số 185 quy định kể từ ngày 6.12 điều chỉnh mức thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng xăng dầu theo hướng tăng lên để bù cho khoản thâm hụt ngân sách. Cụ thể, thuế nhập khẩu xăng các loại tăng từ 18 - 27%; dầu tăng từ 14 - 26% tùy loại. Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, cách điều hành này của Bộ Tài chính là không đúng, ngược với xu thế của thế giới. Bởi hiện tại, do thuế nhập khẩu xăng dầu cao, nên giá xăng dầu ở VN vẫn còn cao.

“Theo tính toán, thuế hiện nay chiếm hơn 35% trong giá thành một lít xăng. Tôi cho rằng, VN nên bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng dầu, giảm thuế nhập khẩu xăng dầu để có tác động tích cực hơn lên nền kinh tế. Cách thu thuế nhập khẩu xăng dầu như ở ta là cách tính “cùn”, người tiêu dùng chịu thiệt. Vì thế, Bộ Tài chính cần phải có cách tính thuế hài hòa lợi ích của ba bên, bao gồm nhà nước (thu thuế), DN (lợi nhuận) và người tiêu dùng (hưởng lợi về giá). Hiện nay, Bộ Tài chính đứng về phía nhà nước, vì muốn đảm bảo nguồn thu thuế, nhưng lại không đứng về phía người tiêu dùng và DN đang rất khó khăn”, ông Long phát biểu.

Theo TS Nguyễn Văn Ngãi, chuyên gia kinh tế, Bộ Tài chính không thể nghĩ ra việc bù khoản thâm hụt bằng giải pháp tăng thuế nhập khẩu xăng dầu. Vì thu thuế thì chắc chắn giá xăng dầu sẽ cao, và việc giá dầu thế giới giảm mạnh trong thời gian qua không còn ý nghĩa gì. “Theo quan điểm kinh tế, nếu giá xăng dầu thấp, DN sẽ tiết giảm được chi phí đầu vào, giá thành sản xuất thấp và giá sản phẩm sẽ rất cạnh tranh, không chỉ trong mà cả ở ngoài nước. Từ đó kích thích tiêu dùng của người dân và DN sẽ tiêu thụ được sản phẩm. Nguồn thu thuế vì vậy cũng dồi dào hơn. Đây chính là nguồn thu ngân sách bền vững, hơn là việc tăng thuế nhập khẩu có thể chặn đứng vòng quay sản xuất - tiêu dùng”, ông Ngãi phân tích. Ông cũng cho rằng, chính sách là do các cơ quan nhà nước làm ra, có thể điều chỉnh trở lại nếu nhận thấy không mang lại lợi ích rộng lớn.

“Trong bối cảnh hiện nay, tôi khẳng định không nên tăng thuế nhập khẩu xăng dầu, mà phải giảm thuế để kích thích kinh doanh, tiêu dùng”, ông Ngãi đề xuất.

Ông Long bổ sung, VN tăng cường kiểm soát vấn đề trốn thuế, lậu thuế, lách thuế, chứ không phải tận thu thuế. Thực tế, thất thu thuế ở VN là rất lớn. “VN cũng cần tái cân đối ngân sách. Tại sao không mạnh dạn cắt giảm chi tiêu, tinh giản bộ máy nhà nước hiện đang quá lớn, quá cồng kềnh mà phải tăng thuế nhập khẩu xăng dầu, khiến cả hệ thống xã hội phải chịu ảnh hưởng?”, ông Long đặt câu hỏi.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng đồng quan điểm với TS Long, cần xem xét lại việc điều chỉnh thuế nhập khẩu xăng dầu vừa qua và có giải pháp giảm thuế để kích thích sản xuất của DN, tiêu dùng của người dân. Đây là cơ sở của nguồn thu ngân sách vững chắc, có thể bù đắp cho thâm hụt từ xuất khẩu dầu thô.

N.Trần Tâm

>> OPEC dự báo nhu cầu dầu thô giảm trong năm 2015
>> Cấm xuất khẩu tất cả khoáng sản, trừ dầu thô và than đá
>> PV Oil xuất bán tấn dầu thô thứ 300 triệu
>> Dầu thô còn dưới 107 USD/thùng
>> Doanh thu từ dầu thô giảm, PVN vẫn lãi lớn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.