Có nên thành lập trung tâm khảo thí quốc gia ?

Hà Ánh
Hà Ánh
11/12/2018 10:31 GMT+7

Sau năm 2020, các trường ĐH sẽ tuyển sinh ra sao? Có cần thành lập các trung tâm khảo thí để thực hiện việc xét tuyển cho các trường? Đây cũng là vấn đề được đặt ra tại hội thảo.

Theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ ĐH, cùng với việc tự chủ tuyển sinh và tự chủ ĐH, xu hướng sắp tới trong tuyển sinh sẽ có các trường lớn hoặc nhóm trường có thể đứng ra tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực, hoặc có các trung tâm khảo thí chuyên nghiệp đứng ra tổ chức kỳ thi này. Ở VN hiện đang ở giai đoạn đầu của xu hướng này qua kỳ thi đánh giá năng lực ở một số đơn vị như ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP.HCM hay một số trường đang muốn thành lập các nhóm tuyển sinh chung…
Cũng theo bà Phụng, trước các xu hướng này có ý kiến cho rằng Bộ nên chủ trì một trung tâm khảo thí để hỗ trợ các trường. Tuy nhiên, chủ trương của Bộ chủ yếu hỗ trợ về cơ chế chính sách và kiểm tra giám sát, còn những gì các trường làm được thì không coi là việc của Bộ.
“Tôi cũng đồng ý việc tuyển sinh phụ thuộc vào mục tiêu đào tạo của các trường, cần có đánh giá phù hợp với điều kiện trường mình. Nếu có thể thì các trường, nhóm trường có thể đứng ra tổ chức thực hiện. Hoặc các trường có thế mạnh cũng có thể thành lập trung tâm khảo thí để tổ chức thi cho trường mình và các trường khác”, bà Phụng nói.
PGS-TS Vũ Hải Quân, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, cũng cho rằng tuyển sinh phải phù hợp với mục tiêu đào tạo của trường mình. Về kỳ thi đánh giá năng lực, ĐH Quốc gia đi từng bước chậm chạp, năm nay chỉ tối đa 20% và năm tới tối đa 40%. Quy trình tổ chức kỳ thi rất phức tạp, chúng tôi có đo phổ điểm, phổ điểm kỳ thi đánh giá năng lực tương đồng với kết quả thi THPT quốc gia và kết quả học bạ của thí sinh.
Cũng theo ông Quân, ĐH Quốc gia TP.HCM sẵn sàng đồng hành với các trường ngoài hệ thống trong việc tổ chức kỳ thi tuyển sinh đầu vào. Đề thi cũng có thể hướng đến những tổ hợp nhất định như toán, tiếng Việt, tiếng Anh… để phù hợp xét tuyển thí sinh phù hợp với ngành nghề từng trường. Trong năm tới, kỳ thi sẽ tổ chức vào tuần cuối tháng 3 và chủ yếu tập trung ở TP.HCM và các tỉnh lân cận. Đợt 2 sẽ mở rộng ở nhiều địa phương khác ngay sau khi kỳ thi THPT quốc gia diễn ra.
Theo PGS-TS Vũ Hải Quân, trong năm 2019, ĐH Quốc gia TP.HCM vẫn chủ trương sử dụng 4 phương thức tuyển sinh chính: xét tuyển thẳng theo quy chế của Bộ GD-ĐT; ưu tiên xét tuyển theo quy định riêng của ĐH này dành cho các học sinh giỏi; kết quả thi THPT quốc gia và dựa vào kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH này tổ chức. Ngoài ra, các trường thành viên có thể xây dựng phương thức riêng, đưa các tiêu chí xét tuyển từ SAT… Phương thức giữ nguyên nhưng chỉ tiêu sẽ có những điều chỉnh, cụ thể là mở rộng tối đa 40% chỉ tiêu xét tuyển kết quả kỳ thi đánh giá năng lực.
Các trường không muốn tổ chức thi riêng
Nói về chuyện các trường tổ chức thi riêng, tiến sĩ Cổ Tấn Anh Vũ, Trưởng phòng Tuyển sinh Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, cho rằng nếu để các trường tổ chức các kỳ thi riêng là cực kỳ khó khăn, phức tạp cho xã hội và cho các trường. Ở giai đoạn hiện nay thì Bộ GD-ĐT đứng ra tổ chức kỳ thi làm căn cứ cơ bản để xét tuyển ĐH. Sau này, Bộ GD-ĐT không còn đứng ra tổ chức thì các trường nên ngồi lại với nhau để làm thành các nhóm, chứ không nên làm riêng lẻ, vì có thể gặp nhiều khó khăn. “Về lâu dài, nên có các trung tâm khảo thí của quốc gia, vì đó là hướng rất tốt, có thể tổ chức nhiều đợt thi chứ không tập trung thi 1, 2 đợt. Qua đó, việc thi cử sẽ nhẹ nhàng hơn, áp lực thi cử sẽ giảm đi rất nhiều”, tiến sĩ Vũ nhận định.
Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, cũng cho rằng để các trường xây dựng trung tâm đánh giá năng lực thì quá khó. Ngoài ra, mỗi trường tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực riêng thì hơi tốn kém và chưa chắc thành công.
Đ.Nguyên - X.Phương
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.