Thu 1 USD/người
Tại buổi tọa đàm về “Luật Du lịch, động lực thúc đẩy du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn” mới đây, ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch VN cho hay, vốn ban đầu của Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch được nhà nước cấp là 300 tỉ đồng, con số này được bảo tồn suốt trong quá trình hoạt động. Ngoài khoản đóng góp tự nguyện, kinh phí quỹ sẽ thu từ các nguồn hợp pháp khác như trích một phần từ phí, lệ phí visa và phí tham quan tại các điểm đến. Song con số này là không nhiều. Vì thế, cần xem xét đến nguồn thu từ khách du lịch, có thể là 1 USD/người, “như thế quỹ mới có nguồn để chi cho hoạt động xúc tiến, quảng bá” ông Bình nói và cho biết hiện VN mới chi khoảng 2 triệu USD xúc tiến du lịch mỗi năm, chỉ bằng 2,9% của Thái Lan, 1,5% của Singapore và 1,9% của Malaysia.
|
Ông Trần Văn Long, Tổng giám đốc Công ty Du lịch Việt ủng hộ phương án mà Hiệp hội Du lịch VN đề ra. Ông cho rằng quỹ đầu tư cho phát triển du lịch của nước ta hiện nay là quá nhỏ, không đủ để thực hiện các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch như tổ chức hội chợ du lịch tại nước ngoài. Từ trước đến nay, doanh nghiệp (DN) luôn phải tự gánh các khoản phí khổng lồ nhằm quảng bá hình ảnh du lịch Việt. Như vậy vừa tốn kém cho DN, vừa chưa tạo sự đồng đều, xuyên suốt trong quá trình quảng bá. Nhà nước nên có chính sách xã hội hóa, kêu gọi đầu tư khoản chi phí này để góp phần cùng DN phát triển du lịch của nước nhà.
Đánh giá vai trò của việc thành lập quỹ hỗ trợ du lịch là rất quan trọng và cần thiết, PGS-TS Phạm Trung Lương, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch phân tích, các vấn đề phát triển sản phẩm thuộc trách nhiệm của DN, còn việc phát triển, đầu tư hạ tầng là thuộc quyền quản lý của nhà nước. Quỹ hỗ trợ du lịch nhằm sử dụng cho xúc tiến quảng bá, đào tạo nhân lực. Vốn nhà nước đầu tư cho quỹ hiện nay quá ít so với nhu cầu, đây lại là nguồn rất dễ để xã hội hóa nên “đáng ra phải làm từ lâu rồi”, ông nói. Tuy nhiên, ông Lương cũng lưu ý cách thu làm sao cho tế nhị, hợp lý để không gây sự khó chịu cho du khách.
Ông Phạm Xuân Du, Giám đốc Công ty TNHH thương mại dịch vụ du lịch Xuân Nam cũng cho rằng, thu thêm 1 USD/người để tăng nguồn thu hỗ trợ du lịch không ảnh hưởng gì, đặc biệt đối với các thị trường khách trung và cao cấp. Số tiền này nếu được đầu tư hiệu quả sẽ có thể dùng để “đánh bắt xa bờ”, quảng bá tại các thị trường cao cấp. “Tuy nhiên để thu thêm từ khách, DN buộc phải tăng giá bán tour hoặc giảm bớt lợi nhuận. Như vậy số tiền thu được sẽ hỗ trợ cho DN bao nhiêu? Ai quản lý, sử dụng ra sao, đầu tư cụ thể vào chỗ nào, cách thu làm sao vừa triệt để vừa khả thi? Tất cả đều phải được trả lời rõ ràng, minh bạch”, ông Du đặt vấn đề.
Bất lợi cho cạnh tranh
Nhưng không phải ai cũng ủng hộ việc thu thêm 1 USD/khách. Ông Phan Đình Huê, Giám đốc Công ty du lịch Viet Circle cho rằng đề xuất trên đang đi sai mục tiêu tập trung nâng cấp dịch vụ và giảm chi phí, tăng cạnh tranh điểm đến mà ngành du lịch đã đề ra. Ông Huê lý giải, VN nằm trong nhóm các nước có thuế du lịch cao trên thế giới so với chất lượng dịch vụ. Chưa hết, VN cũng có giá vận chuyển, giá các điểm tham quan cao nhất trong khu vực. Vì thế, hầu hết DN đang cố gắng cắt giảm chi phí tối đa các dịch vụ cấu thành một tour để đẩy giá tour xuống mức rẻ nhất có thể để kéo khách. Trong bối cảnh đó, thêm phí tức tự tạo bất lợi trong cạnh tranh.
|
“Nói nhà nước chi ít cho xúc tiến du lịch là không đúng. Cái gốc là cách tổ chức bộ máy quảng bá của chúng ta không hiệu quả, khiến số tiền trở thành nhỏ. Hiện nay, tiền chi cho các trung tâm xúc tiến địa phương nhiều nhưng các đơn vị này tổ chức theo địa giới hành chính, trong khi khách đi du lịch không quan tâm họ đi bao nhiêu tỉnh, vùng mà chỉ quan tâm đi được bao nhiêu điểm du lịch. Chính vì thế, cần một cơ quan xúc tiến liên vùng, tập trung đầu tư quảng bá tại cơ quan này, sẽ hiệu quả hơn nhiều so với cách đầu tư rải rác, manh mún như hiện nay”, ông Huê đề xuất. Đồng thời, ông Huê cũng yêu cầu việc làm rõ mục đích tiền thu dùng để làm gì, quy trình quản lý, vận hành rồi mới tính đến chuyện thu của ai, thu như thế nào.
Liên quan đến chi phí cho quảng bá du lịch, ông Nguyễn Minh Mẫn - Giám đốc tiếp thị Công ty TST Tourist nêu quan điểm không nên so sánh với các nước khác bởi mỗi quốc gia có điều kiện, mức đầu tư và cách làm khác nhau. Hiện mỗi DN đều có nguồn đầu tư phát triển thị trường, cộng với chi phí đóng góp của nhà nước thì con số này cũng không ít. Đầu tư xúc tiến không hiệu quả là do chúng ta chưa tập trung khai thác tốt chứ không phải vấn đề tiền ít hay nhiều. “Thái Lan, Hàn Quốc thành công là do họ đầu tư quảng bá tập trung theo chủ điểm, theo loại hình, địa phương, kết hợp sức mạnh một vùng, một thành phố, có định hướng, chính sách rõ ràng dựa trên cơ sở việc định hướng từng thị trường. Chúng ta nên nhìn theo và học tập phương pháp trước khi so sánh mức đầu tư”, ông Mẫn nói.
Đại diện một công ty du lịch cũng đánh giá việc tăng thêm phí sẽ tạo thêm gánh nặng cho DN, làm giảm nguồn khách trong tình trạng du lịch VN đang có sức cạnh tranh kém hơn so với các nước trong khu vực. Theo đó, “Có rất nhiều cách để quảng bá du lịch mà không tốn tiền, đó là cải thiện thái độ phục vụ du lịch từ hướng dẫn viên, các hộ kinh doanh, nhà hàng, khách sạn cho đến hải quan, người dân. Nụ cười là vũ khí lợi hại, quảng bá hình ảnh du lịch VN một cách hiệu quả nhất mà không phải tốn một đồng chi phí nào”, vị này đề xuất.
Bình luận (0)