1,5 triệu hỗ trợ tốt nghiệp
Viện Phát triển nguồn lực, Trường ĐH Trà Vinh vừa có thông báo về việc đăng ký và nộp kinh phí hỗ trợ tốt nghiệp lớp ĐH Luật (LTV1) theo hệ đào tạo từ xa trực tuyến E-Learning (ĐH Trà Vinh - Topica). Theo đó, mỗi học viên sẽ nộp kinh phí hỗ trợ tốt nghiệp là 1,5 triệu đồng.
Kinh phí này bao gồm: lệ phí hội đồng thi, hồ sơ xét công nhận tốt nghiệp, văn bằng, bảng điểm, ghi và phát hành kỷ yếu, biểu trưng tốt nghiệp, lễ phục tốt nghiệp và tổ chức tốt nghiệp. Học viên phải đóng trước ngày 16.10, chậm trễ sẽ không được giải quyết.
Một học viên tại lớp này cho biết khi nhà trường thu học phí, nghĩa là nhà trường đã phải có trách nhiệm lo cho học viên những công việc tối thiểu như văn bằng, bảng điểm, hồ sơ công nhận tốt nghiệp… Thậm chí, việc tổ chức buổi lễ tốt nghiệp là trách nhiệm của nhà trường. Nếu đóng, học viên chỉ cần đóng một khoản ít ỏi để hỗ trợ. Đằng này, hỗ trợ tốt nghiệp đến 1,5 triệu đồng để tổ chức tốt nghiệp là quá cao.
Trả lời về kinh phí tổ chức lễ tốt nghiệp này, tiến sĩ Nguyễn Văn Nguyện, Viện trưởng Viện Phát triển nguồn lực, Trường ĐH Trà Vinh, cho biết gần đây cũng có một số người học hỏi về mức phí này. Nhưng ngay từ đầu chương trình, trường đã đưa ra thông báo công khai tất cả các khoản phí, từ học phí, hồ sơ tuyển sinh, kinh phí tốt nghiệp… Số tiền này là trường đã tính tất cả các khoản chi phí liên quan đến việc tốt nghiệp. Học viên tham gia học là đồng ý các khoản phí này. Số tiền này, học viên đã đóng từ trước, ngay khi tham gia thi tốt nghiệp.
Cũng theo ông Nguyện, khác với đợt tốt nghiệp trước tổ chức ở TP.HCM, đợt này trường sẽ tổ chức ngày 1 - 2.10 tại trụ sở chính của trường ở tỉnh Trà Vinh. Tốt nghiệp chỉ có một lần nên nhiều học viên đề nghị được làm lễ tại trường. Đợt này có đến 600 học viên tốt nghiệp, trong đó hiện tại có khoảng 300 học viên đăng ký tham dự. Những học viên chưa có điều kiện tham dự có thể ký nhận bằng trước và tham gia lễ tốt nghiệp đợt sau.
Thông báo của Viện Phát triển nhân lực, Trường ĐH Trà Vinh
Tuy nhiên, việc thu tiền hỗ trợ tốt nghiệp như vậy từ lâu đã thành chuyện bình thường, nhất là đối với những lớp học không chính quy và sau ĐH. Theo anh Hoàng Tùng, một cán bộ trường ĐH, anh đã từng học lớp thạc sĩ tại một trường ĐH công lập và cũng phải đóng 1,5 triệu đồng cho việc tốt nghiệp. Anh Hoàng Tùng cho biết chuyện này đang được xem là bình thường ở các lớp thạc sĩ, vừa học vừa làm… Nhiều người cũng thắc mắc nhưng sau đó đều “tặc lưỡi” cho qua vì đã đi làm, không quá khó khăn, muốn nộp tiền để lấy bằng cho xong.
Nên thu tiền hay không?
Việc nên thu tiền để làm lễ tốt nghiệp hoành tráng hơn hay không nhận được rất nhiều ý kiến khác nhau.
Trả lời Thanh Niên về phản ứng của SV, PGS-TS Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM, cho biết: “Trường không tận thu để làm gì. Chúng tôi chỉ muốn làm đến nơi đến chốn, có lễ tốt nghiệp đàng hoàng, tôn vinh tân cử nhân, đúng với vị thế của các em. Trước giờ, đôi khi tôi còn thấy xấu hổ vì sự nháo nhào trong các lễ tốt nghiệp tại trường. Trường chỉ có hội trường chứa được 300 SV, lễ tốt nghiệp có khi như cái chợ. Mỗi em phải mặc áo một lần, chưa kịp làm gì thì đã phải thay, chuyển sang cho bạn khác. Nhưng muốn làm chuyên nghiệp thì không được vì với học phí 6 triệu đồng/SV hiện nay thì không thể tổ chức trang trọng tại một nơi khác”.
tin liên quan
Sinh viên phản ứng vì trường thu tiền làm lễ tốt nghiệpNgày 13.9, Trường ĐH Luật TP.HCM có thông báo về việc tổ chức trao bằng cử nhân hệ chính quy khóa 36 và 37.
Huyền Trang, một du học sinh tại Mỹ, cho rằng chuyện này là bình thường tại các trường ĐH của Mỹ. Nếu chỉ ký nhận bằng tốt nghiệp, SV sẽ không tốn tiền. Nhưng nếu muốn tham dự lễ tốt nghiệp, SV phải đóng tiền. “Dự một lễ tốt nghiệp được tổ chức long trọng, quy củ cũng là một dấu ấn đẹp trong đời SV và phụ huynh tham dự cũng thấy tự hào về con mình”, Huyền Trang nói.
Tuy nhiên, số ý kiến phản ứng cách làm của Trường ĐH Luật TP.HCM lại khá áp đảo. Nhiều SV cho rằng không phải ai cũng có nhu cầu mua đồ lễ phục, tốn 900.000 đồng chỉ để mặc một ngày rồi xếp vô tủ. Có nhiều SV khó khăn chưa tìm được việc hoặc mới ra trường lương còn không đủ trả nhà trọ, phí sinh hoạt.
tin liên quan
Sinh viên chụp ảnh dùm bạn ở lễ tốt nghiệp ĐH Cần Thơ bị rượt đánhNhiều sinh viên vào trường Đại học Cần Thơ chụp ảnh lễ tốt nghiệp đã bị một nhóm thợ chụp ảnh lao ra ngăn cấm, đập điện thoại, rượt đánh trước sự thờ ơ của bảo vệ nhà trường.
Vi Quan, một phụ huynh cho rằng: “Buổi lễ tốt nghiệp ra trường chỉ cần làm đầy đủ các thủ tục cần thiết, hình thức và nội dung gọn gàng lịch sự, để lại nhiều ấn tượng đẹp là được. Có nhất thiết phải nộp khoản tiền lớn như thế cho buổi lễ không? Trong khi các em ra trường còn phải đối mặt với biết bao nhiêu là việc phải làm. Trường không phải bày ra khoản thu này, rất bất hợp lý!”. Trước quá nhiều ý kiến phản đối, lãnh đạo Trường ĐH Luật TP.HCM đã hủy bỏ ý định này.
Thạc sĩ Võ Văn Tuấn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Văn Lang, cho biết việc tổ chức lễ tốt nghiệp nên tùy vào cam kết của nhà trường với SV. Nếu như trường cam kết ngoài học phí, SV sẽ không phải đóng bất kỳ khoản tiền gì nữa thì trong suốt quá trình học, trường cần tuân thủ điều này.
tin liên quan
Ai 'bảo kê' mà cấm sinh viên chụp ảnh lễ tốt nghiệp ở ĐH Cần Thơ?Trả lời báo chí, ông Trần Thiện Bình, trưởng phòng công tác chính trị ĐH Cần Thơ cho biết hai đợt gần đây theo chỉ đạo của nhà trường là không thu tiền, những đợt trước là có thu khoản đó với các thợ chụp ảnh.
Anh Hoàng Tùng, cán bộ một trường ĐH, cho rằng có thể so sánh việc này với việc tổ chức đám cưới. Tổ chức đám cưới ở nhà vẫn đảm bảo tính thiêng liêng của buổi lễ. Nhưng tổ chức tại nhà hàng sang trọng thì sẽ hoành tráng hơn. Điều quan trọng, cần lấy ý kiến của đối tượng chính là học viên, sinh viên. Họ nên là người quyết định mình sẽ đóng tiền dự lễ tốt nghiệp hoành tráng tại một nơi lộng lẫy hay trải qua giây phút ý nghĩa này tại ngôi trường mình theo học những năm qua.
Bình luận (0)