Có nên tiếp tục biểu diễn cải lương miễn phí?

Hoàng Kim
Hoàng Kim
09/01/2024 08:06 GMT+7

Mấy chục năm qua, có nhiều chương trình cải lương được tổ chức miễn phí cho khán giả xem, nhưng đằng sau đó là những dư luận, ý kiến đa chiều, thậm chí gây tranh cãi. Vấn đề cải lương có nên diễn miễn phí hay không hiện vẫn làm đau đầu những người quản lý.

Cải lương là bộ môn nghệ thuật truyền thống quý giá của dân tộc, cho nên nhà nước vẫn chủ trương phổ biến bộ môn này rộng rãi đến các tầng lớp nhân dân. Và một trong những cách phổ biến đó là tổ chức biểu diễn miễn phí phục vụ cho những khán giả không đủ tiền mua vé đi xem, phục vụ cho khán giả trẻ, giúp họ có điều kiện xem cải lương.

Có nên tiếp tục biểu diễn cải lương miễn phí?- Ảnh 1.

NSƯT Phượng Loan, NSND Ngọc Giàu, NSƯT Thoại Mỹ trong trích đoạn Thái hậu Dương Vân Nga

ẢNH: H.K

Các đơn vị cải lương công lập ở TP.HCM hằng năm được cấp kinh phí để tổ chức nhiều suất diễn miễn phí ở vùng sâu, vùng xa. Ngoài ra, những chương trình Sân khấu học đường cũng đem cải lương đến tận trường học cho các em học sinh, tạo nên hiệu ứng không nhỏ. Ít nhất, khán giả trẻ cũng biết được cải lương là gì, và khán giả người lớn cũng được đi xem trực tiếp thay vì chỉ ngồi nhà ôm màn hình ti vi.

Tuy nhiên, hiệu ứng tích cực ấy hình như cũng không bù đắp nổi những băn khoăn khác. Những người trong cuộc, đích thân làm nghề, đã phải thẳng thắn lên tiếng, đề nghị xem xét lại hình thức biểu diễn cải lương miễn phí.

Soạn giả Hoàng Song Việt đã có vài chục năm làm việc ở Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang (TP.HCM), từng quản lý trực tiếp nhóm cải lương Thắp Sáng Niềm Tin, và vài năm nay là ông bầu của sân khấu cải lương Đại Việt. Lăn lộn với cải lương từ đoàn công lập cho tới xã hội hóa, Hoàng Song Việt đã trải qua rất nhiều hình thức biểu diễn cải lương khác nhau. Ông nói thẳng: "Tôi không đồng ý làm cải lương miễn phí như trước nay. Điều kiện vật chất, kỹ thuật của các đêm diễn thường rất sơ sài, thậm chí nhếch nhác, gây tâm lý không tốt cho diễn viên lẫn khán giả. Đa số là sân khấu ngoài trời, có khi đó chỉ là chiếc xe tải, mở bung hông xe ra làm sân khấu, cảnh trí chẳng có, phông màn luộm thuộm… Diễn viên không thể cảm hứng với một không gian nghệ thuật như vậy. Có một nghệ sĩ nổi tiếng được mời đi diễn miễn phí ở một huyện ngoại thành, khi bà tới nơi, nhìn thấy sân khấu bà liền quay xe trở về. Không trách bà được, vì sân khấu ấy không đủ tiêu chuẩn cho bà làm nghề. Còn tâm lý chung của diễn viên là miễn phí thì diễn sao cũng xong, không có cạnh tranh, mục tiêu phấn đấu gì cả".

NSƯT Phượng Loan, người đã có hàng chục năm đi diễn miễn phí, nói: "Tôi cũng không đồng ý mô hình này. Nói thiệt, nhiều suất diễn chỉ là vài bài ca lẻ, vài trích đoạn, phông màn trắng bách, đèn đuốc lơ thơ mấy cái, làm sao nghệ sĩ làm nghề cho được. Chỉ là cố gắng làm tròn bổn phận mà thôi. Nhưng bụng đâu có vui, ai cũng muốn làm hết sức chứ đâu phải lười biếng. Chúng tôi cũng hiểu nhà nước cấp kinh phí có chừng mực, thì không thể đầu tư đàng hoàng, chỉn chu, nhưng sân khấu đã không chỉn chu thì nghệ sĩ khó có cảm hứng ca diễn thật hay".

Về phía khán giả, cũng không hẳn họ đón nhận các chương trình miễn phí một cách phấn khởi. NSƯT Phượng Loan kể: "Cách đây 10 năm, đoàn chúng tôi đến Củ Chi, mở màn ra chỉ thấy chừng chục khán giả, trong khi đoàn có đến gần 30 người vừa nghệ sĩ vừa công nhân, hậu đài. Tuột cảm xúc hết trơn, đành xin lỗi không hát. Mà nhiều suất như vậy lắm. Bởi chúng ta không đầu tư tốt cho cải lương, thì khán giả cũng không mặn mà đi xem, cái vòng luẩn quẩn". Ông Hoàng Song Việt nói thêm: "Nói là cho khán giả trẻ tiếp cận cải lương, nhưng tiếp cận kiểu tạm bợ như vậy thì họ cũng không mê cải lương nổi. Chưa kể, chúng ta tạo cho khán giả thói quen không mua vé, thật nguy hiểm, sau này họ chẳng thể nào có động lực cầm tiền đến rạp mà xem cho tử tế".

Trước đây, khi cuộc sống còn khó khăn và các hình thức giải trí chưa phong phú, các buổi diễn cải lương miễn phí vẫn còn thu hút được khán giả. Nhưng hiện tại, khi khán giả có thể lựa chọn nhiều hình thức giải trí hấp dẫn khác thì các chương trình cải lương miễn phí đầu tư sơ sài trong điều kiện kinh phí eo hẹp đã thiếu hẳn sức hút. Theo NSND Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM: "Bán vé hay miễn phí đều không quan trọng bằng tác phẩm đó có chất lượng hay không. Chất lượng kém thì miễn phí cũng chả ai coi. Nhược bằng cứ lấy tiền nhà nước đầu tư rồi làm chương trình cho xong bổn phận, lại càng không nên. Cần có sự đầu tư thích đáng để cải lương đẹp, hay, phù hợp, thì khán giả sẽ tìm đến".

Giải pháp cho vấn đề này có thể là đơn vị biểu diễn cứ bán vé bình thường, nhưng trong mỗi suất thì nhà nước mua một số vé với giá phải chăng để tặng cho học sinh, sinh viên, thầy cô giáo, công nhân viên chức, người lao động, người dân, như vậy vẫn bảo đảm quảng bá cải lương và bảo đảm chất lượng nghệ thuật, vì suất diễn được tổ chức tại ngay các rạp tử tế. Hoặc như ý kiến của soạn giả Hoàng Song Việt và NSƯT Phượng Loan ủng hộ diễn miễn phí trong các đợt tuyên truyền, lễ hội, nơi sân khấu được thiết kế chỉn chu, như vậy cải lương mới hiện ra rạng rỡ và chinh phục lòng người. Đã làm thì phải làm cho tới, chứ không nên miễn phí thì có thể qua loa!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.