Có nên ứng dụng công nghệ vào sinh hoạt Đoàn?

11/12/2017 18:15 GMT+7

Tại phiên thảo luận tổ về Báo cáo chính trị, Báo cáo kiểm điểm, Điều lệ đoàn chiều nay 11.12, nhiều đại biểu bảy tỏ băn khoăn về hình thức sinh hoạt Đoàn trong thời đại mới, có nên ứng dụng công nghệ vào sinh hoạt Đoàn ?

Đại biểu Lâm Phước Toàn (Kiên Giang nêu ý kiến muốn quản lý cán bộ đoàn tốt, cần xây dựng kênh thông tin thống nhất của cả nước phạm vi lớn, phạm vi nhỏ là Đoàn cấp tỉnh, huyện. Trong hệ thống đó, cần xây dựng dữ liệu ghi rõ thông tin cá nhân từng đoàn viên chi tiết, số điện thoại liên lạc của từng đoàn viên. Qua hệ thống đó, có thể quản lý, kết nối từng đoàn viên trong các kế hoạch, chương trình hoạt động, truyền đạt chỉ đạo rất nhanh.
Cũng theo đại biểu này, Điều lệ Đoàn quy định Đoàn cấp cơ sở phải sinh hoạt 1 tháng 1 lần, nhưng thực tế điều này rất khó đảm bảo do nhiều yếu tố: địa hình, đoàn viên không ở địa phương... Do vậy, về hình thức sinh hoạt Đoàn, có thể ứng dụng công nghệ vào. “Có thể ứng dụng công nghệ chat trên mạng xã hội Facebook, Zalo... để tập hợp thanh niên. Điều này rất thuận lợi, nhất là ở những nơi khó tập hợp thanh niên. Như vậy có thể đảm bảo sinh hoạt Đoàn ở cấp chi đoàn 1 tháng 1 lần”, đại biểu Toàn cho biết.
Cũng theo đại biểu Toàn, thực tế, ở nhiều chi đoàn đã lập các nhóm chat, group kín để hỗ trợ hoạt động phong trào đoàn, mang lại rất hiệu quả.
Đại biểu Nguyễn Như Bảo (Liên bang Nga): có hơn 50 cơ sở Đoàn trải dài nhiều thành phố, thành phần chủ yếu là du học sinh. Địa bàn lớn, trải dài nên để sinh hoạt đoàn thường xuyên, họp mặt theo hình thức truyền thống thì rất khó, gần như không thể.
Bên cạnh đó, cán bộ Đoàn ở Liên bang Nga chủ yếu là kiêm nhiệm, không có cán bộ chuyên trách, đào tạo nghiệp vụ đoàn. Chủ yếu là du học sinh, thời gian học tập thường là 5 năm, tốt nghiệp về nước là thôi. Do vậy, sinh hoạt đoàn chủ yếu là qua email, mạng xã hội...
Đại biểu Nguyễn Như Bảo là cán bộ đoàn từ Liên bang Nga trở về dự đại hội Ảnh: Ngọc Thắng
Đáp lại đề xuất này, đại biểu Nguyễn Minh Triết (Trưởng ban Thanh niên trường học) cho biết vấn đề hình thức sinh hoạt Đoàn đã được lãnh đạo T.Ư Đoàn bàn thảo nhiều lần, đưa ra lấy ý kiến Đoàn cơ sở không ít. Xuất hiện nhiều luồng ý kiến, có ủng hộ, có phản đối. Tuy nhiên, nếu đưa hình thức sinh hoạt Đoàn từ xa qua ứng dụng công nghệ trở thành một hình thức sinh hoạt Đoàn trước mắt có thể mang lại hiệu quả, nhưng về lâu dài có thể gây ra hệ lụy.
“Sinh hoạt Đoàn không nhất thiết phải ngồi trong một phòng, qua bàn làm việc, hát một vài bài rồi thảo luận mới là sinh hoạt. Nhưng nếu chỉ lập nhóm trên mạng xã hội, chat với nhau thì e rằng không truyền tải được hết tinh thần, ý chí của tổ chức đoàn, khó đạt được hiệu quả như hình thức sinh hoạt đoàn truyền thống mang lại. Nên chăng, chỉ coi việc ứng dụng công nghệ, mạng xã hội vào hoạt động Đoàn là công cụ hỗ trợ để hoạt động Đoàn hiệu quả hơn”, anh Triết nói.
Nhiều đại biểu khác cũng nhất trí quan điểm chưa coi sinh hoạt đoàn từ xa qua ứng dụng công nghệ là hình thức sinh hoạt đoàn chính thức. Như vậy, lâu dần sẽ tạo ra hệ lụy, có thể làm phai nhạt tình cảm với tổ chức đoàn của đoàn viên. Có thể khiến Đoàn viên bớt “vận động” hơn, trong khi hoạt động Đoàn là phải sôi nổi, năng nổ.
Dù vậy, một số đại biểu cũng nêu thực tế rằng, tình trạng các chi Đoàn ở cấp cơ sở thường xuyên bỏ sinh hoạt, rất ít chi đoàn đạt được tiêu chí sinh hoạt 1 tháng 1 lần. Do vậy, T.Ư Đoàn có thể xem xét điều chỉnh Điều lệ đoàn từ 1 tháng sinh hoạt 1 lần thành 1 quý sinh hoạt 1 lần, như vậy có thể đảm bảo hơn. Hoặc thậm chí, nên bỏ luôn quy định 1 tháng sinh hoạt 1 lần như hiện nay do quy định này không phù hợp thực tế ở nhiều địa phương.
Tuy nhiên, đa số các đại biểu đều không đồng tình vì nếu điều chỉnh hoặc bỏ quy định 1 tháng sinh hoạt 1 lần sẽ có thể khiến phong trào đoàn ở cơ sở vốn yếu càng yếu hơn. Cần đặt ra mục tiêu, điều lệ sinh hoạt đoàn như vậy để mỗi đoàn viên, chi đoàn nỗ lực phấn đấu đảm bảo.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.