Có nên viết lại truyện cổ tích?

Đăng Nguyên
Đăng Nguyên
22/04/2019 12:25 GMT+7

Chuyện tranh cãi có nên viết lại truyện cổ tích hay không có lẽ sẽ tiếp tục bùng phát sau khi có một đơn vị ra mắt bộ truyện theo hướng này.

Ngày 21.4, những người khởi xướng dự án Thần tích Việt truyện đã tổ chức ra mắt. Qua đó, dự án này cũng xuất bản tập sách đầu tiên gồm 9 tập. 

Viết lại theo hướng nhân văn hơn

Theo giới thiệu, Thần tích Việt truyện là nhóm dự án cộng đồng phi lợi nhuận, nhằm khôi phục và phát triển phương pháp giáo dục trẻ em thông qua truyện cổ tích; giúp cho trẻ thăng hoa về trí tưởng tượng trong thế giới thần tiên và cổ tích; giúp trẻ nhận biết về thiện, ác, tốt xấu; truyền tải những thông điệp tốt đẹp mang tính nhân văn...
Hình thức thực hiện dự án sẽ là "viết lại, điều chỉnh lại các tình tiết trong truyện cổ tích có nội dung xấu, ảnh hưởng đến tinh thần và nhân cách của trẻ, như chuyện Tấm Cám, chuyện Ăn khế trả vàng...". Ngoài ra, nhóm dự án sẽ sáng tác mới và viết truyện dưới dạng chuyện cổ tích, chuyện thần kỳ, diễn kịch, kể chuyện trong trường học và cộng đồng, tổ chức hoạt động trên kênh online, chuyển thể nội dung thành phim...
Những người khởi xướng là giảng viên, luật sư, kỹ sư... và cũng là những bố mẹ. Họ quan niệm rằng việc xây dựng nền tảng cốt lõi cho một con người phải bắt đầu từ lúc còn bé, từ khi trẻ bắt đầu học nói, học viết, học đọc. Muốn vậy, phải xuất phát từ việc giúp cho trẻ nhận biết thế nào là thiện ác, thế nào là đúng sai và thế nào là tốt xấu. Trong đó, phương thức giáo dục trẻ thông qua chuyện cổ tích, chuyện thần tiên nhẹ nhàng nhưng hiệu quả. Nhưng lựa chọn chuyện nào là phù hợp để giáo dục trẻ và truyền tải được giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc đến với trẻ? Đó là lý do nhóm này khởi xướng dự án Thần tích Việt truyện. 
Là người trao đổi trên sân khấu tại buổi ra mắt, doanh nhân Lâm Minh Chánh cho biết cổ tích Việt Nam hay nhưng đôi khi bị lệch. Kết cục của nhiều chuyện khá nặng nề. Những tình tiết như trong truyện "Ăn khế trả vàng", người anh giàu có lại cho người em ra ngoài ở hay các truyện có triết lý "cứu vật vật trả ơn, cứu nhân nhân trả oán"... không thể kể cho con trẻ và cần được chế biến lại. Cần đưa truyện thế nào để hợp lý với thời hiện đại và thu hút trẻ em. 
Tra đổi với ông Chánh, bà Nguyễn Thị Kim Oanh, Giám đốc chuỗi nhà hàng Wrap & Roll, cũng cho biết mình hay đọc truyện cho con. Truyện cổ tích làm trẻ ấn tượng và qua đó, cha mẹ dễ giúp hướng dẫn trẻ nên làm điều này, không nên làm điều kia. Tuy nhiên, bà ít đọc truyện cổ tích Việt Nam vì nhiều chuyện kết thúc căng thẳng, thiếu vị tha, nhiều khi phải tự mình thay đổi kết cục khi đọc cho con. 
"Truyện cổ tích có từ rất lâu với bối cảnh và nền tảng xã hội khác. Thời ấy trẻ em chưa phải đối diện nhiều chuyện của xã hội như bây giờ. Vì vậy, một số truyện cổ tích nên viết lại", bà Oanh cho biết.

Thật ra, chuyện viết lại cổ tích không phải mới. Nó từng là trào lưu thịnh hành trong giới xuất bản và cũng gây rất nhiều tranh cãi. Đặc trưng của truyện cổ tích là nhân vật không có sự phát triển về tính cách. Thiện và ác rất rõ ràng. Vì vậy, nhiều kết cục của truyện cổ tích được rất nhiều người xem là không phù hợp với tiêu chí giáo dục của thời hiện đại. Kết cục của truyện Tấm Cám, khi Tấm giết Cám rồi làm mắm gửi cho dì ghẻ, là chi tiết gây tranh cãi nhiều nhất và được nhiều người phản ứng mạnh, đề xuất viết lại. 

Một cuốn truyện Tấm Cám đang bán trên thị trường

Có nên viết lại cổ tích?

Nhà văn Phan Nhật Chiêu cho biết: "Tôi chưa tìm hiểu kỹ về dự án Thần tích Việt truyện này. Nhưng chuyện viết lại cổ tích để phù hợp với trẻ em là chuyện rất bình thường và đáng làm. Không thể lấy lý do những chuyện đó là truyền thống, là của ông bà nên không thể thay đổi. Nathaniel Hawthorne, tác giả của tác phẩm nổi tiếng Chữ A màu đỏ từng viết lại Thần thoại Hy lạp để phù hợp hơn với các bạn trẻ. Không thể để những câu chuyện có tình tiết chỉ phù hợp với người lớn cho trẻ em đọc. Đặc biệt là những câu chuyện đề cao sự trả thù báo oán, có tính tàn bạo".
Tuy nhiên, tiến sĩ Nguyễn Ngọc Bảo Trâm, giảng viên khoa Văn học và ngôn ngữ, Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM, thì cho biết: "Tôi không nghĩ việc đọc những văn bản truyện cổ tích dữ dội sẽ làm cho đứa bé trở nên ác. Đời sống hiện thực còn ghê gớm hơn! Thời tôi cách đây mấy chục năm, nghe ông bà kể chuyện bị phù thủy bắt cóc ăn thịt người, ma cỏ... có dẫn tới lệch lạc đâu? Phải hiểu cách tư duy của trẻ con cũng như hiểu những giá trị mà truyện cổ tích đã tích lũy từ nhiều thế kỷ (nếu không nói là cả ngàn năm). Nhưng người lớn cũng phải am hiểu để lựa truyện cho phù hợp và diễn giải cho đúng để đứa trẻ không tiếp thu lệch lạc". 

Theo tiến sĩ Trâm, việc văn bản hóa truyện cổ tích ở Việt Nam diễn ra rất muộn. Mãi sau chúng ta mới có Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc, Nguyễn Đổng Chi, và một số tác giả hiện đại khác như Tô Hoài làm việc này. Nghĩa là tới thời hiện đại, chúng ta mới chú ý tới việc văn bản hóa văn học dân gian trong khi đối với các nền văn học khác, việc văn bản hóa truyện dân gian có từ sớm. Trong văn bản của Perrault thì truyện Cô bé Lọ Lem máu me không kém Tấm Cám. Truyện Cô bé Lọ Lem hiện nay đọc khá hiền, còn trong các bản cổ thì có các chi tiết như lấy dao gọt chân cho vừa giày, bồ câu mổ mù mắt... Có điều các bản kể Lọ Lem dù kể lại để giảm bớt đi thì cũng hấp dẫn còn hiện nay một số truyện cổ Việt Nam được kể lại thường theo hình thức giản lược, đến mức sơ sài...

Theo một nhà văn ở TP.HCM, lịch sử cũng cần xem lại liên tục thì truyện cổ tích cũng không ngoại lệ. Chuyện biến đổi truyện cổ tích là việc riêng của những người có ý định này. Nhưng gọi việc biến đổi này là vì trẻ em hay nói nội dung nào đó trong truyện xấu thì có lẽ không hiểu gì về cổ tích hay văn hóa dân gian. Ai cũng ủng hộ sáng tạo nhưng nên xem lý do sáng tạo là gì. Trẻ em không suy nghĩ như người lớn và ý nghĩa các chi tiết không phải áp suy nghĩ hiện tại vào được. 
Trước đây, sách "Công chúa tóc vàng" xuất bản tại Việt Nam từng gây xôn xao dư luận vì có chi tiết trong câu chuyện là vua cha đòi kết hôn với con gái. Nhưng thật ra đây chỉ là một tình tiết trong truyện vì sau đó công chúa khoác tấm da lừa trốn đi, gặp và tổ chức hôn lễ với một hoàng tử. Vua cha đến dự và hối hận về chuyện đã xảy ra. Nhân câu chuyện này, có ý kiến cho rằng, “viết lại” ở đây, chính là một cách đọc thông minh, vượt thoát văn bản, xuất phát từ phía người đọc chứ không phải người viết. Có nghĩa là khi đọc câu chuyện đó, người đọc có quyền “viết lại” trong đầu mình, hình dung những tình huống, tầng nghĩa, kết cục khác... Ðối với các em nhỏ, trí óc còn non nớt thì cô giáo, phụ huynh nên làm giúp phần “viết lại” đó, tức cắt nghĩa, giảng giải sao cho các em có thể hiểu một cách tích cực nhất. Giả dụ khi đọc truyện này chúng ta cứ đòi viết lại, thay đổi nhân vật, kết cấu, tâm lý... cho phù hợp với hiện tại, rồi mai sau khi hoàn cảnh sống thay đổi, tâm lý con người khác đi, chẳng lẽ chúng ta lại phải viết lại lần nữa? Cứ viết đi viết lại, in đi in lại hoài vậy sao?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.